Tiên phong dồn điền, đổi thửa

ĐBP - Dồn điền, đổi thửa là giải pháp đột phá trong sản xuất nông nghiệp được tỉnh ta quan tâm và khuyến khích các địa phương thực hiện nhằm tạo vùng sản xuất tập trung, tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Với lợi thế có vùng chuyên canh lúa lớn nhất tỉnh, huyện Ðiện Biên tiên phong trong thực hiện dồn điền đổi thửa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Người dân xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa vụ đông xuân 2021.

Huyện Ðiện Biên có vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với tổng diện tích trên 4.000ha. Mỗi năm, vùng lòng chảo Ðiện Biên sản xuất khoảng 230.000 tấn lúa gạo chất lượng cao bán ra thị trường. Triển khai thực hiện thí điểm dự án dồn điền đổi thửa, tháng 9/2018, UBND huyện Ðiện Biên ban hành kế hoạch số 1437/KH-UBND về việc thí điểm dồn điền đổi thửa đất sản xuất tại 2 xã: Thanh Hưng và Thanh Yên.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên cho biết: Sau khi ban hành Kế hoạch 1437, UBND huyện chỉ đạo UBND 2 xã: Thanh Hưng, Thanh Yên thực hiện thí điểm tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt kế hoạch đến toàn bộ cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn. Các phòng chuyên môn huyện, UBND xã tăng cường tổ chức họp dân tuyên truyền, giải thích, vận động giúp người dân hiểu được lợi ích và đồng thuận với việc dồn điền đổi thửa. UBND huyện, UBND 2 xã Thanh Hưng, Thanh Yên thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa đất sản xuất; xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; thành lập các tổ giúp việc ban chỉ đạo để kịp thời nắm bắt, giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện tại cơ sở.

Các dự án được triển khai trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của người dân, phát huy tính dân chủ thông qua các cuộc họp dân để người dân được tham gia, góp ý trong quá trình tổ chức thực hiện với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. UBND xã xây dựng các phương án, công khai và được người dân nhất trí. Ban quản lý dự án xã hoàn thiện hồ sơ pháp lý gửi UBND huyện và được các phòng chuyên môn thẩm định, phê duyệt. Sau đó, UBND xã tổ chức bốc thăm và giao đất ngoài thực địa cho các hộ dân, khiển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, dồn ruộng; do đạc, lập bản đồ giải thửa diện tích đã san gạt; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân theo quy định.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Ðây là chương trình mới, lần đầu triển khai, chưa có chính sách cụ thể của tỉnh, hướng dẫn của ngành chuyên môn, nên quá trình thực hiện huyện Ðiện Biên vừa làm vừa nghiên cứu, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách. Các dự án được người dân đồng thuận cao nên quá trình triển khai cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Trước khi triển khai, UBND huyện cũng đã lường trước những khó khăn về chính sách, mức độ hỗ trợ thấp (2 triệu đồng/ha) trong khi chi phí cải tạo mặt bằng, xây dựng đường, kênh mương nội đồng khái toán khoảng 30 triệu đồng/ha. Tuy nhiên khi tổ chức họp dân, bàn thảo vấn đề kinh phí, người dân đồng thuận, nhất trí cao với phần kinh phí 28 triệu đồng/ha đối ứng thêm. Sau khi tính toán, có những hộ dân phải đóng góp 12 - 15 triệu đồng, song vẫn vui vẻ đồng ý. Ðây là một trong những yếu tố quyết định thành công của cả dự án.

Ông Lường Văn Tọ, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng chia sẻ: Ngay từ đầu, UBND xã đã xác định rằng phải có được sử ủng hộ của người dân thì dự án mới thành công. Do đó, UBND xã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động về chủ trương, lợi ích của việc dồn điền đổi thửa; giải đáp thắc mắc, phân vân của người dân đối với dự án. Ðặc biệt là tất cả các kế hoạch, phương án, dự toán kinh phí… đều được UBND xã công khai, minh bạch và lấy ý kiến tham gia của người dân, để người dân tham gia các công đoạn của dự án.

Anh Nguyễn Văn Cường, nông dân đội 1, xã Thanh Hưng phấn khởi cho biết: “Chủ trương dồn điền đổi thửa rất đúng đắn, phù hợp với điều kiện sản xuất của xã. Quá trình thực hiện dự án, gia đình tôi phải đối ứng 9 triệu đồng để cải tạo mặt bằng, xây dựng đường, kênh mương nội đồng và tham gia thêm 3 ngày công. Sau khi dồn điền, gia đình tôi từ 7 thửa ruộng với tổng diện tích khoảng 3.400m2 được dồn thành 2 thửa, diện tích mỗi thửa 1.500m2. Hiện nay 100% diện tích ruộng đã được cơ giới hóa ở tất cả các khâu từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch; năng suất, sản lượng lúa tăng từ 10 - 15% so với trước”.

Thực tế cho thấy, dự án dồn điền đổi thửa đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ. Trước đây mỗi hộ nông dân có khoảng 3 - 5 thửa ruộng, phân bố tại nhiều nơi. Sau khi dồn ruộng, mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa với diện tích tối thiểu từ 700m2/thửa trở lên; người dân đã chuyển từ hình thức canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung. Hệ thống kênh mương tưới tiêu thuận lợi; đường giao thông nội đồng đến từng thửa ruộng đã tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa giúp người dân giảm sức lao động, giảm sâu bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, xã Thanh Yên dồn, đổi từ 498 thửa thành 131 thửa; diện tích trung bình sau khi dồn đạt 1.542m2/thửa so với 460,24m2/thửa trước khi dồn, năng suất vụ đông xuân 2019 - 2020 đạt 68 tạ/ha; xã Thanh Hưng dồn, đổi 989 thửa thành 310 thửa, diện tích trung bình 1.253,2m2/thửa, năng suất vụ đông xuân 2019 - 2020 đạt 67 tạ/ha, cao hơn 1,72 tạ/ha so với năng suất bình quân của huyện. Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng được 4,6km đường nội đồng, tăng 4km so với trước khi dồn điền đổi thửa và 5,9km kênh thủy lợi, tăng 4,8km so với trước khi thực hiện dự án.

Phát huy những thành công bước đầu, với những kinh nghiệm bài học rút ra, năm 2021 huyện Ðiện Biên sẽ tiếp tục thực hiện dự án dồi điền đổi thửa gần 70ha tại xã Thanh Hưng; những năm tiếp theo phấn đấu thực hiện 50ha/năm tại địa bàn các xã vùng lòng chảo.

Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/186712/tien-phong-don-dien-doi-thua