Tiến sĩ Trúc Mai nghiên cứu thành công giống sắn mới

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng trao giải nhất cho TS Nguyễn Thị Trúc Mai (thứ hai từ phải sang) và các tác giả khác tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 8 (2018-2019). Ảnh: H.H.THẾ

TS Nguyễn Thị Trúc Mai (32 tuổi) hiện công tác ở Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT Phú Yên). Đam mê nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, Trúc Mai còn được nhiều người biết đến là “tiến sĩ sắn mì” với công trình nghiên cứu tuyển chọn giống sắn năng suất tinh bột cao KM419.

Trả nghĩa cho cha mẹ và thầy cô

Nguyễn Thị Trúc Mai là con gái út trong gia đình nông dân có truyền thống học tập ở khu phố Long Châu, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp kỹ sư nông học tại Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, dù có những lời mời hấp dẫn ở các thành phố lớn, Trúc Mai vẫn quyết định về lại quê hương để đem những kiến thức học được giúp người dân huyện miền núi Đồng Xuân.

Tháng 4/2010, Mai nhận công tác tại Phòng NN-PTNT huyện, phụ trách lĩnh vực nông nghiệp. Là nữ cán bộ trẻ nên Trúc Mai luôn năng động và cầu tiến. Từ năm 2010-2017, trong thời gian làm việc ở Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, kỹ sư Trúc Mai tranh thủ vừa làm, vừa theo học các lớp sau đại học và đã tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ khoa học cây trồng tại Trường đại học Nông lâm Huế.

Sau khi có bằng tiến sĩ, tháng 12/2017, Trúc Mai xin chuyển công tác về làm việc tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên (thuộc Sở NN-PTNT). TS Trúc Mai chia sẻ: “Khoa học kỹ thuật nói chung và kỹ thuật cây trồng nói riêng luôn luôn phát triển. Do đó, tôi phải đi học thêm để có kiến thức, trình độ cao hơn nhằm ứng dụng trong công tác chuyên môn, giúp người dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng một số kỹ thuật mới, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp...”.

Tiếp xúc với TS Trúc Mai tại lễ trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 8 (2018-2019) tổ chức tại Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đây là một cô gái năng động và tràn đầy nhiệt huyết. Với nụ cười tươi trẻ, nữ “tiến sĩ sắn mì” phấn khởi khoe: “Giải pháp giống sắn mới KM419 của tôi được Ban giám khảo chấm điểm đạt giải nhất. Có được vinh dự này, tôi cảm ơn cha mẹ đã lo toan cho mình học tập, cảm ơn PGS-TS Nguyễn Minh Hiếu (Trường đại học Nông lâm Huế), TS Hoàng Kim (Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh) đã góp ý cho đề tài cây sắn mì KM419 thâm canh tại tỉnh Phú Yên”. Được biết giải pháp của TS Trúc Mai được chọn là 1 trong 18 giải pháp có chất lượng cao tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (2018-2019).

Đánh giá về tinh thần sáng tạo của TS Nguyễn Thị Trúc Mai, TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho rằng: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có cả ngành Nông nghiệp, nên tất yếu phải đổi mới, tìm tòi, sáng tạo để thích nghi. Việc TS Trúc Mai hay các chị em công tác trong ngành Nông nghiệp Phú Yên có tinh thần đam mê sáng tạo kỹ thuật không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong thời đại mới mà còn góp phần phát triển nông nghiệp địa phương, mang lại giá trị cho xã hội”.

TS Nguyễn Thị Trúc Mai với giống sắn mới KM419 tại xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Ảnh nhân vật cung cấp

TS Nguyễn Thị Trúc Mai với giống sắn mới KM419 tại xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Ảnh nhân vật cung cấp

Sáng tạo kỹ thuật vì cộng đồng

Qua trao đổi, TS Trúc Mai trải lòng: “Cây sắn là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Vì cây sắn chịu được đất bạc màu, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí thấp, dễ thu hoạch, dễ chế biến...”. Theo TS Mai, lý do cô gái trẻ này đam mê nghiên cứu tuyển chọn giống sắn mới KM419 có năng suất tinh bột cao để trồng thâm canh ở Phú Yên bởi lâu nay giống sắn trên địa bàn tỉnh chủ yếu là KM94, KM98-5 và KM140... Hiện các giống này đã thoái hóa, nhiễm bệnh do canh tác liên tục nhiều năm, người dân sử dụng hom giống kém chất lượng, không chọn đúng lịch thời vụ trồng và thời điểm thu hoạch..., làm năng suất giảm từ 20-90%.

Về kỹ thuật và đặc tính giống sắn mới, TS Trúc Mai cho biết: “Giống sắn KM419 được tạo từ tổ hợp lai BKA900 với KM98-5 (người dân thường gọi là giống sắn cao sản, siêu bột Nông Lâm, “cút lùn cọng đỏ”). Giống sắn KM419 có thời gian sinh trưởng 7-15 tháng, năng suất củ tươi 34,9-54,9 tấn/ha, bình quân trên 40 tấn/ha (vượt 27,7-29,6% so với giống cũ KM94), cây thẳng, tán gọn, nhặt mắt, dễ trồng dày, 1-3 thân/gốc, ít phân cành, lá xanh đậm, ngọn non tím lợt, củ đồng đều, dạng củ đẹp, thịt củ màu trắng, ít nhiễm sâu bệnh. Hàm lượng tinh bột 27,8-30,7%, năng suất tinh bột 10,1-15,8 tấn/ha, năng suất sắn lát khô 15,6-23 tấn/ha, cao hơn hẳn giống KM94.

Về hiệu quả kinh tế của giải pháp giống sắn mới siêu bột KM419, TS Trúc Mai không giấu giếm: “Năm 2014, chúng tôi trình diễn 4 giống sắn mới, ở huyện Sông Hinh và Đồng Xuân, nhưng chủ lực là giống sắn siêu bột KM419 với quy mô 4ha. Sau 3 năm, diện tích trồng các giống sắn mới ước đạt 500-750ha, năng suất cao hơn khoảng 6-8 tấn/ha so với giống sắn KM94. Sản lượng bội thu do giống sắn mới mang lại tại vùng thực hiện nghiên cứu ước đạt 6-12 tỉ đồng. Đến niên vụ sắn 2018-2019, giống KM419 chiếm 85% diện tích sắn toàn tỉnh, đưa năng suất bình quân từ 17 tấn/ha năm 2016 lên hơn 23 tấn/ha vào năm 2018, đóng góp hơn 293 tỉ đồng cho kinh tế Phú Yên. Đặc biệt và vinh dự cho chúng tôi là giống sắn KM419 đã được Bộ NN-PTNT công nhận ứng dụng vào tỉnh Phú Yên có giá trị mở rộng trực tiếp kết quả phục vụ sản xuất”.

Gia đình ông Bùi Văn Nhương (50 tuổi) ở buôn Thung, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh; hay hộ lão nông Bùi Văn Sang (60 tuổi), Nguyễn Văn Tám (43 tuổi) ở xã Xuân Sơn Nam huyện Đồng Xuân là những hộ trồng giống sắn mới KM419 đều có chung nhận định: Đây là giống sắn có sản lượng củ tươi cũng như lượng bột cao; ít tốn phân bón, dễ trồng ở mọi địa hình đất và mang lại thu nhập bình quân trên 15 triệu đồng/ha, chưa kể tiền bán hom sắn giống.

Theo ông Nông Văn Trình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông, sau khi gia đình ông Bùi Văn Nhương tham gia trồng giống sắn mới KM419, đến nay người dân của xã đã trồng nhiều giống sắn này. Đây là hiệu ứng tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao đời sống nông dân ở khu vực nông thôn miền núi. Qua đó xây dựng vùng nguyên liệu sắn bền vững, giúp các nhà máy chế biến tinh bột sắn ổn định sản xuất, ngành công nghiệp chế biến nông sản từng bước phát triển.

HOÀNG HÀ THẾ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/406/230431/tien-si-truc-mai-nghien-cuu-thanh-cong-giong-san-moi.html