Tiến tới cụm du lịch trọng điểm theo vùng, liên kết vùng
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Phú Yên vào năm 2030 Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã đề ra, UBND tỉnh cần tập trung triển khai các nội dung mang tính đột phá, tiến tới hình thành cụm du lịch trọng điểm theo vùng, liên kết vùng, từ đó đầu tư phát triển hạ tầng tương xứng. Quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh của từng địa phương, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn…
Đó là nội dung Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa
An nhấn mạnh trong kết luận phiên giải trình mới đây của Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
Chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế
Theo đánh giá tại phiên giải trình, những năm gần đây, hoạt động du lịch của tỉnh Phú Yên có nhiều khởi sắc, tài nguyên du lịch được quan tâm khai thác, phát huy; phát triển sản phẩm du lịch, từng bước hình thành một số khu du lịch, điểm du lịch, khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng. Công tác quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư được chú trọng, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch có bước phát triển đáng kể. Khách du lịch đến với Phú Yên ngày càng tăng và đã có những phản hồi với nhiều ấn tượng tốt đẹp. Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các cấp, ngành thẳng thắn nhìn nhận, rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn. Theo đó, công tác quy hoạch phát triển du lịch còn hạn chế, chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, tài nguyên du lịch; chưa có những giải pháp căn cơ khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch. Công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế, bất cập. Phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương chưa chặt chẽ, đồng bộ, có lúc, có nơi còn đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, mục tiêu phát triển du lịch đã đề ra.
Bên cạnh đó, việc quản lý, triển khai các biện pháp bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự cho hoạt động du lịch có mặt thực hiện chưa tốt. Công tác quản lý đất đai tại các địa phương, trong đó có rừng đặc dụng, rừng sản xuất… chưa chặt chẽ, để một số tổ chức, cá nhân xây dựng các hạng mục công trình để hoạt động dịch vụ ăn uống, giải khát và kinh doanh du lịch chưa bảo đảm theo quy định. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền của các cấp, ngành không kịp thời, quyết liệt, nhất là phối hợp tham mưu, đề xuất hướng giải quyết dứt điểm 18 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chưa bảo đảm quy định.
Triển khai ứng dụng phát triển du lịch thông minh
Kết luận phiên giải trình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An nhấn mạnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các ngành, cấp trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ngành, người đứng đầu các địa phương trong thực hiện. Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030 phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.
UBND tỉnh tập trung rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định có tính pháp lý về quy hoạch, kế hoạch phát triển không gian du lịch trên địa bàn; có giải pháp hỗ trợ phát triển du lịch trong phạm vi trách nhiệm được phân cấp quản lý. Đồng thời, tập trung triển khai các nội dung mang tính đột phá, tiến tới hình thành cụm du lịch trọng điểm theo vùng, liên kết vùng, từ đó đầu tư phát triển hạ tầng tương xứng. Quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh của từng địa phương, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn…
Thường xuyên rà soát, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức ngành du lịch từ tỉnh tới cấp xã đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng. Chú trọng tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác du lịch; có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực du lịch phục vụ cho yêu cầu phát triển. Cùng với đó, UBND tỉnh nghiên cứu chính sách, cơ chế xã hội hóa đầu tư hạ tầng du lịch; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành du lịch, hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước về du lịch. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, triển khai các ứng dụng phát triển du lịch thông minh để tiếp cận với các thị trường khách du lịch tiềm năng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An nhấn mạnh: UBND tỉnh tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động du lịch để phát hiện từ sớm, từ xa, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm; hoặc hướng dẫn, hỗ trợ để các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch hoàn tất các thủ tục bảo đảm theo đúng quy định pháp luật. Tập trung chỉ đạo kiểm tra, rà soát cụ thể từng trường hợp hoạt động du lịch tự phát, chưa bảo đảm theo quy định để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định, góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước về du lịch. Qua đó, thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững; đồng thời, báo cáo kết quả xử lý cho Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 30.9.2023.