Tiến trình hòa bình tại Afghanistan vẫn dang dở

Dù đã có động thái thiện chí được ghi nhận, triển vọng các cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban vẫn rất ảm đạm sau nhiều lần 'lỗi hẹn'.

Việc Mỹ và lực lượng Taliban ký kết thỏa thuận hòa bình ngày 29-2 vừa qua được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng chấm dứt xung đột ở Afghanistan, cũng như giúp Washington kết thúc cuộc chiến kéo dài gần hai thập kỷ tại quốc gia Nam Á này. Đặc biệt, các cuộc hòa đàm giữa chính quyền Kabul và lực lượng Taliban đóng vai trò tiên quyết đến tiến trình hòa bình. Trong đó, vấn đề trao đổi tù nhân là một điều kiện quan trọng giúp hai bên “xây dựng lòng tin”. Theo thỏa thuận, phía Mỹ bảo đảm với Taliban về việc trả tự do cho 5.000 phiến quân đang bị giam giữ trong các nhà tù của Chính phủ Afghanistan. Đổi lại, lực lượng Taliban đồng ý phóng thích khoảng 1.000 thành viên của lực lượng an ninh Afghanistan đang bị phía này bắt giữ.

 Tù nhân Taliban được phóng thích từ nhà tù Bagram do Chính phủ Afghanistan điều hành. Ảnh: AP

Tù nhân Taliban được phóng thích từ nhà tù Bagram do Chính phủ Afghanistan điều hành. Ảnh: AP

Dù vậy, theo tờ The New York Times, bạo lực chỉ giảm bớt trong một thời gian ngắn trước và sau thời điểm ký kết thỏa thuận nên đã tròn 6 tháng trôi qua, các cuộc hòa đàm vẫn “giậm chân tại chỗ”. Ban đầu, Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đồng ý khởi động các cuộc đối thoại để thảo luận về phương thức, thời gian ngừng bắn lâu dài và về tiến trình chính trị từ ngày 10-3 tại thủ đô Doha của Qatar. Hai bên cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán về vấn đề trao đổi tù nhân và bước đầu thực hiện. Tuy nhiên, việc các tay súng Taliban tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh của Afghanistan đã khiến mốc thời gian này chỉ tồn tại trên giấy tờ. Sau khi đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn nhân dịp Tết Hiến sinh của người Afghanistan và gần hoàn tất việc trao đổi tù nhân, hai bên đã xác định ngày 17-8 sẽ quay trở lại bàn đàm phán. Thế nhưng một lần nữa, sự kiện này lại bị hủy bỏ vì Chính phủ Afghanishtan từ chối thả khoảng 400 tù nhân Taliban cuối cùng với lý do những tên này phạm rất nhiều tội nghiêm trọng, trừ khi phiến quân thả thêm binh sĩ thuộc lực lượng an ninh Afghanistan. Chính quyền Kabul cho rằng 1.000 người được lực lượng Taliban phóng thích theo thỏa thuận với Mỹ chỉ là con số nhỏ so với số lượng đang bị nhóm này giam giữ.

Hiện tại, Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban chưa thống nhất được thời điểm tiếp theo cho các cuộc hòa đàm. Nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Afghanistan, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi đã hối thúc lực lượng Taliban sớm khởi động các cuộc hòa đàm với chính quyền Kabul tại cuộc gặp thủ lĩnh chính trị của nhóm này Mullah Abdul Ghani Baradar ở thủ đô Islamabad của Pakistan ngày 25-8. Ông Shah Mahmood Qureshi đã khẳng định lập trường của Pakistan, đó là không có giải pháp quân sự nào có thể giải quyết xung đột tại Afghanistan và hòa giải chính trị là con đường duy nhất. Trước đó, ngày 22-8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cũng gặp Đại diện dân sự cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan Stefano Pontecorvo nhằm thảo luận về tiến trình hòa bình nội bộ của quốc gia Nam Á này.

Trong khi đó, tình trạng bạo lực tại Afghanistan tiếp tục leo thang thời gian qua. Có thể kể đến vụ việc lực lượng an ninh Afghanistan tiêu diệt Ansarullah Gajar, một chỉ huy cấp cao của lực lượng Taliban khi đập tan một âm mưu tấn công của nhóm phiến quân nhằm vào tỉnh Takhar ở miền Bắc nước này hồi cuối tháng 4. Trong tháng 5, lực lượng Taliban bác bỏ cáo buộc đứng đằng sau vụ tấn công nhằm vào bệnh viện ở thủ đô Kabul làm 25 người thiệt mạng, trong đó có 16 sản phụ, song thừa nhận đã tấn công lực lượng chính phủ tại các vùng nông thôn. Gần đây nhất, Tân Hoa xã cho biết, sáng 23-8, ít nhất 10 tay súng Taliban thiệt mạng khi không quân Afghanistan không kích vị trí của lực lượng Taliban tại tỉnh Kunduz ở miền Bắc Afghanistan. Bên cạnh đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng dần trở thành một mối đe dọa hiện hữu tại Afghanistan. Chính tổ chức này đã lên tiếng nhận trách nhiệm tấn công một nhà tù do Chính phủ Afghanistan điều hành ở thành phố Jalalabad, thủ phủ của tỉnh Nangarhar, miền Đông Afghanistan vào đầu tháng 8 làm ít nhất 20 người, kể cả dân thường và tù nhân, thiệt mạng. Theo thống kê của Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) cuối năm 2019, hơn 100.000 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng và bị thương do chiến sự tại nước này trong thập kỷ qua.

Ngoài ra, thêm một rào cản lớn với các cuộc hòa đàm tại Afghanistan là mối bất hòa ngày một gia tăng giữa Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani và đối thủ chính trị Abdul Abdullah. Sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 9-2019, cả hai chính trị gia đều tuyên bố là nhà lãnh đạo hợp pháp của đất nước. Do đó, ông Abdul Abdullah tuyên bố tự thành lập một chính phủ khác và trở thành yếu tố cản trở việc bổ nhiệm một phái đoàn để đàm phán với lực lượng Taliban.

Xét cho cùng, thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và lực lượng Taliban cũng chỉ là bước đi đầu tiên hướng tới hòa bình lâu dài tại Afghanistan. Tiến trình hòa bình tại Afghanistan sẽ chủ yếu phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa chính quyền Kabul và lực lượng Taliban. Bất kể Mỹ có rút quân khỏi Afghanistan hay không, hòa bình thực sự ở quốc gia Nam Á này phải đến từ đối thoại và hòa giải chính trị.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tien-trinh-hoa-binh-tai-afghanistan-van-dang-do-633379