'Tiến về Hà Nội' - Kiệt tác của Văn Cao

Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi nghệ sĩ Văn Cao mới ở tuổi 57 đã có người ví ông là 'Ba đỉnh núi sương mù'. Người gọi ông là 'Dòng sông ba nhánh'. Có người gọi ông là 'Nghệ sĩ đa tài'; còn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lần đầu gặp ông đã viết bài trên Báo Văn nghệ Công an mang tên: 'Văn Cao - Bậc tài danh xuyên thế kỷ', với ba đỉnh cao nghệ thuật: Âm nhạc, Thi ca và Hội họa.

Những người yêu âm nhạc thuộc cả tên các bài hát, năm sáng tác như: “Tiến quân ca”; “Làng tôi”; “Trường ca sông Lô” và “Tiến về Hà Nội” - Những tác phẩm âm nhạc sống mãi cùng năm tháng. “Tiến về Hà Nội”, một tác phẩm âm nhạc bất hủ của Văn Cao.

Ảnh chân dung nhạc sĩ Văn Cao của Hoàng Kim Đáng.

Ảnh chân dung nhạc sĩ Văn Cao của Hoàng Kim Đáng.

“Tiến về Hà Nội” như trong tiểu sử của tác giả thì được viết năm 1947(1). Có tài liệu lại nói viết năm 1948 và chính thức ra mắt năm 1949, nhưng điều chắc chắn là được viết sau thành công vang dội của “Trường ca sông Lô” bất hủ, do sự khuyến khích của Tướng Lê Quang Đạo(2). Đúng như trong hồi ký của Văn Cao viết: “Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu III, tôi đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến và Lê Quang Đạo.

Anh Đạo nắm tay tôi và nói: “Những ca khúc của cậu làm tôi rất xúc động (xưng hô bằng cậu tớ chứ không đồng chí gì hết) nhất là bài “Làng tôi” và “Trường ca sông Lô”. Nét nhạc và lời ca thơ mộng lắm, hùng tráng lắm mà vẫn lạc quan làm mình rất nhớ Việt Bắc. Dù sao thì cái chất lãng mạn của cậu vẫn không thay đổi. Riêng bài “Trường ca sông Lô”, không những lời ca hay mà nét nhạc lại rất du dương và hùng tráng nữa chứ! Vậy nếu cậu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng, vừa trữ tình nhé”.

Khi anh Lê Quang Đạo tiễn tôi ra về, anh đã khoác vai tôi trên đường làng một quãng dài. Anh thủ thỉ nói với tôi: “Khẩu hiệu của Trung ương là “Tất cả cho Tổng phản công!”. Nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân Thủ đô đấy”!

Đêm ấy ra về đi dọc đường làng Đào Xá, dưới trăng sáng mờ ảo lung linh bên những rặng tre xanh là những nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến về Hà Nội” đã đến với tôi: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về…”.

Chỉ hai tuần sau đó, tôi đã viết xong ca khúc “Tiến về Hà Nội”, đã được anh Khuất Duy Tiến cho in ngay vào Báo Thủ đô hồi ấy. Trong kỷ niệm của tôi khi làm Báo Thủ đô, tôi nhớ nhất là nụ cười hồn hậu của anh Lê Quang Đạo, khi ngồi nghe tôi và các bạn tôi hát bài “Tiến về Hà Nội”.

Bài “Tiến về Hà Nội” không cánh mà bay. Bộ đội hát, dân công hát. Nhân dân Nam Bắc đều hát theo nhịp hành khúc “Tiến về Hà Nội”. Bài hát “bay” cả vào nhà tù đế quốc. Tù nhân hát. Họ hát như xé toang lồng ngực. Họ hy vọng một ngày không xa sẽ cùng quân dân tiến về Hà Nội: “Trùng trùng quân đi như sóng…”!

Không hiểu sao tự nhiên có dư luận phía địch tung lên, sặc mùi đố kỵ rằng: Bài hát ra đời năm 1949 khi đất nước đang còn trong giai đoạn cam go mà đã lạc quan tếu! Đã hò hét nhau tiến về Hà Nội! Họ tự cho mình cái quyền được “dạy bảo” và quy chụp vô lối, sặc mùi đánh hôi và cơ hội. Văn Cao khi ấy tuy còn trẻ nhưng rất bình tâm và nghe ngóng không phản ứng và cũng không thanh minh. Đến ngày 10/10/1954, cả Hà Nội một khí thế bừng lên: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi reo vui, lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố…”.

Nhân dân Hà Nội đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Ảnh tư liệu

Nhân dân Hà Nội đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Ảnh tư liệu

Những gì diễn ra sáng ngày 10/10/1954, cờ và hoa cùng hàng vạn người vui sướng đến rơi nước mắt. Khi chúng ta được xem những trường đoạn phim của nhà quay phim Liên Xô nổi tiếng Các-men mới thấy đúng như Văn Cao mô tả cách đây đã 5 năm. Chưa cần nghe nhạc, chỉ đọc phần lời bài hát đã thấy tài năng trong tư duy tưởng tượng của Văn Cao là siêu phàm, rằng: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa xuống cành nở năm cánh đào/ Chảy dòng sương sớm long lanh…”. Tác giả chưa cần viết nhạc, chỉ riêng phần lời nhưng đã có văn, có thơ, có nhạc, có họa.

Tháng 9/1986, nhà văn Tô Hoài cử tôi đến gặp nhạc sĩ Văn Cao để đặt ông viết bài dưới dạng hồi ký khi sáng tác bài “Tiến về Hà Nội” để kịp in trên Tuần báo Văn nghệ Người Hà Nội số ra ngày 10/10/1986 - Thời kỳ mở đầu cho công cuộc đổi mới đất nước. Lúc đầu ông do dự và tâm sự. Tôi hiểu, bởi cái án vô hình “Nhân văn giai phẩm” ấu trĩ một thời vẫn treo lơ lửng trên đầu ông, lại còn bị tiếng “lạc quan tếu!” nữa chứ!

Ông không nói ra nhưng tôi cũng đủ hiểu và ông cũng chỉ do dự thôi: “Mình không viết ra thì sau này ai biết đâu cái suy nghĩ của thằng nghệ sĩ trước những sự kiện trọng đại của đất nước, của dân tộc khi đưa vào tác phẩm nó khó khăn, lao tâm khổ tứ, nó đòi hỏi đến tài năng, sự tiên cảm nghệ sĩ là thế nào?... Khi sáng tác “Tiến quân ca” và “Tiến về Hà Nội” tôi đều có linh tính, cảm nhận, đón bắt sự kiện, tưởng tượng để hoàn thành tác phẩm trước khi sự kiện lịch sử sẽ đến với nó”. Xin độc giả hãy đọc đôi dòng của bác Văn sẽ rõ. Thời kỳ này vẫn phải ký tên tác giả chỉ là “Văn” mà không có chữ “Cao”!

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 1986. Anh Hoàng Kim Đáng thân mến!

Giữ đúng lời hứa với anh, tôi đã viết xong bài hồi ký kỷ niệm ngày tôi viết “Tiến về Hà Nội”. Chiều hôm qua tôi chờ mãi mà không thấy anh tới, chắc vì trời mưa. Hôm nay tôi nhờ cháu Hòa mang tới để anh kịp in vào số báo ngày 10/10/1986 tới. Nếu như chữ nghĩa còn trúc trắc hoặc câu văn chưa gọn, anh có thể sửa vài chữ cũng không sao. Tình hình thông qua ban lãnh đạo Tòa báo như thế nào thì mong anh cho biết sớm nhé. Nhờ anh đánh máy quá cho tôi xin một bản và tôi xin lại bản viết tay nhé. Chúc anh khỏe và vui. Thân mến! Văn Cao.

Trong bức thư này ông mới ký tên đủ hai chữ Văn Cao, còn trong tác phẩm in trên báo vẫn chỉ ký chữ “Văn” mà thôi. Bài này Tòa soạn sẽ ký đủ tên tác giả là Văn Cao hẳn hoi để bạn đọc biết đến tác giả “Tiến về Hà Nội” còn khỏe cả về tinh thần, trí tuệ và cả thân thể nữa.

Hôm tôi đến gửi bác Văn Cao bản đánh máy và bản viết tay, ông rất vui mời tôi chén rượu và nói chậm rãi:

- Anh đặt tôi viết thì xin cảm ơn. Dù in hay không in vẫn là của tôi. Tôi nhận lời viết là đáp lại cái tình mà anh có nhã ý đến với tôi. Không biết thời điểm này Tô Hoài - ông chủ bản báo của anh đã chịu in cho tôi chưa?

Tôi liền trả lời ngay:

- Dạ thưa, chính bác Tô Hoài cử Đáng đến gặp bác để đặt bài viết đấy ạ!

- Thế hả! Văn Cao sẽ chờ bài đó ra mắt đúng ngày 10/10/1986. Xin chúc mừng và cạn chén.

*

Bài hát “Tiến về Hà Nội” ra đời đã hơn 70 năm, tác giả đã đi xa nhưng tên tuổi nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ Văn Cao cùng tác phẩm bất hủ viết về Hà Nội - Thủ đô vẫn trường tồn trong tâm hồn Người Hà Nội và đồng bào cả nước.

Hà Nội 19/8/2024

---------

(1): In trong tác phẩm “Văn Cao - Tác phẩm thơ” NXB Hội Nhà văn 2013

(2): Tướng Lê Quang Đạo sau này là Trung tướng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN.

Hoàng Kim Đáng

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/tien-ve-ha-noi-kiet-tac-cua-van-cao-i746063/