Tiếng núi - trăn trở về sự hữu hạn của cuộc sống

Tiếng núi - một trong những tác phẩm tiêu biểu của Kawabata Yasunari, nhà văn Nhật đầu tiên nhận giải Nobel vừa được Nhà xuất bản Hà Nội và Công ty Truyền thông Nhã Nam phát hành. Lấy ý tưởng người Nhật tin rằng mỗi khi nghe thấy tiếng núi rền đó là điềm báo một người tốt sắp lìa đời, Tiếng núi xoay quanh những ẩn ức hiện sinh của một người đàn ông tới tuổi xế chiều về sự sống - cái chết, về những nuối tiếc muộn màng trước cuộc đời đang dần rơi rụng.

Tiếng núi của Kawabata Yasunari được viết ngay sau Thế chiến II, là những suy nghĩ ngắt quãng của Ogata Shingo, một người đàn ông đã ngoài lục tuần, bắt đầu trăn trở về sự hữu hạn của cuộc sống. Mỗi khi Shingo để tâm tư trôi dạt trong miền suy tưởng thì lại nghe thấy tiếng núi ù ù vang vọng. Âm thanh của núi mang theo hơi thở gấp gáp của sự lụi tàn, vẫy gọi con người trở về cõi bên kia. Thông qua những suy nghĩ chắp nối bởi tuổi tác của Shingo, nhà văn muốn nói rằng, cuộc đời chính là một hành trình giải đáp những câu hỏi của cuộc sống. Khi mọi câu trả lời đều thỏa đáng cũng là lúc rời khỏi cuộc đời.

" hideclass src="https://baokhanhhoa.vn/file/e7837c02857c8ca30185a8c39b582c03/102024/z5872490154960_b6e2712184e9b285a786ef370ac201cf_20241008202345.jpg">

Như một bài thơ Haiku, đặc trưng của văn hóa Nhật Bản vốn rất kiệm lời, Tiếng núi cũng vậy. Tiểu thuyết chỉ là những mẩu chuyện đời sống hàng ngày của gia đình Shingo, nhưng tác phẩm có sức khái quát rất lớn. Ngay chương đầu tiên, Shingo đã thổ lộ những tâm trạng lơ lửng của mình. Bởi tuổi 60 là cái tuổi xế chiều, lửng lơ giữa hoàng kim của tuổi trưởng thành và bóng đêm của tuổi già, thế nên tâm trạng của Shingo cũng mông lung, như hư như thực, như tiếng rền của núi...

Được viết vào những năm ngay sau Đại chiến thế giới thứ 2 kết thúc với sự đầu hàng vô điều kiện của chế độ quân phiệt Nhật, Tiếng núi hay tiếng rên rỉ đau đớn của một dân tộc đầy bản sắc và tự trọng phải nếm trải tủi nhục của thất bại sau chiến tranh. Tiếng núi hay tiếng rơi rạn vỡ của những giá trị gia đình, của mối quan hệ giữa con người với nhau. Đó là sự rạn vỡ trong chính gia đình Shingo - mối quan hệ vợ chồng (và tình nhân), mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, và đủ thứ quan hệ xã hội nhập nhằng khác nữa.

Tiếng núi - cũng như những tác phẩm khác của Kawabata đều mang những nét đặc trưng theo phong cách của nhà văn, đó là đề cao cái đẹp phi lý trí, mang những màu hoài niệm trầm buồn và mang theo cái mùi ẩm ướt ngai ngái của thời gian, vừa tinh khiết thanh sạch như bông tuyết đầu mùa. Tiếng núi ẩn chứa những hình ảnh ẩn dụ sâu sắc và tinh tế, dùng cảnh tả người, dụng vật khắc tâm.

THỦY NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202410/tieng-nui-tran-tro-ve-su-huu-han-cua-cuoc-song-6ea091c/