Tiếng rao xưa

Tháng 4 năm 1975, tôi là cậu thiếu niên ngơ ngác theo cha về quê hương Đà Nẵng. Ngơ ngác trong tôi, không là hình ảnh phố xá nghênh ngang ở bờ Tây dòng sông Hàn mà còn cả dáng đi mải miết hàng đêm của các bà, các chị, có cả những em gái trạc tuổi tôi với tiếng rao lanh lảnh, ngân nga, dài hun hút…

Đà Nẵng mới giải phóng đường phố ngổn ngang, vắng hoe. Thi thoảng mới gặp người của Ủy ban Quân quản đeo băng đỏ ngồi xe Honda 67 phóng vèo qua nên những tiếng rao càng thêm da diết. Sau này khi đã lớn, kể cả khi đi bộ đội về làm việc ở cơ quan Thông tấn xã, mặt tiền trông ra phố Quang Trung, Nguyễn Thị Minh Khai, còn hiếm hoi ánh đèn đường, tôi vẫn có thói quen chờ đêm xuống để được nhìn các bà, các chị, các em gái đầu đội nón lá, một tay cắp thúng, tay kia là chiếc đèn dầu đong đưa theo mỗi bước chân, cất giọng. Cứ mươi bước chân, các bà, các chị, các em lại “Ô vi lô… ô… ôn”.

Tiếng rao chỉ ngắt quãng khi có ai đó (thường là các cặp nam nữ tình tự bên gốc cây bên đường) gọi “Vịt lộn, vịt lộn ơi!”. Những ai từng trải qua năm tháng đất nước khan hiếm điện sẽ không thể nào quên khuôn mặt, đáy mắt tươi vui của các bà, các mẹ, các chị, các em gái bên cái đèn dầu và chiếc thúng được đặt xuống đường sau tiếng gọi “Vịt lộn, vịt lộn ơi”! Mỗi đêm bán được vài chục trái trứng vịt lộn, đủ để các bà, các mẹ, các chị, các em gái trang trải rau dưa, mắm muối cho cả nhà.

Ký ức niên thiếu những ngày đầu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của tôi còn là tiếng rao “chưa bô dếp boóng” (chai bao dép bán) của các bà mẹ quê chân chất Quảng Nam với tên gọi là bà “chai bao” (phía bắc gọi là bà đồng nát). Tiếng rao kéo dài theo chân bà “chai bao” len lỏi khắp kiệt (ngõ), phố phường.

Gánh hàng rong trước cổng chợ Hàn (Đà Nẵng) xưa. Ảnh tư liệu.

Gánh hàng rong trước cổng chợ Hàn (Đà Nẵng) xưa. Ảnh tư liệu.

Đọng lại trong tôi, còn là hình ảnh những chú bé “crem” đeo ngang hông chiếc thùng xốp với tiếng rao như điệp khúc của một bài hát “kem đây, kem mười đồng cây đây, kem đây!” (sau giải phóng, các tỉnh, thành phố từ Huế trở vào vẫn tạm sử dụng đồng tiền bằng kim loại gọi là “tiền kênh” mệnh giá 10 đồng, 20 đồng của chế độ cũ). Cuối những năm 1970 khi có kem quốc doanh, bánh mỳ quốc doanh (do nhà máy của nhà nước sản xuất), tiếng rao trong trẻo “kem đây, kem quốc doanh hai hào cây đây”, “mỳ đây, mỳ nóng giòn đây”, “bánh mỳ quốc doanh nóng hổi đây” lại theo chân các chú bé con cái của những gia đình lao động nghèo đi khắp nơi.

Kem quốc doanh lóe lên rồi vụt tắt. Bánh mỳ quốc doanh cũng sớm lụi tàn nhưng vẫn còn đó tấm biển “bánh mỳ quốc doanh” treo trước cửa hàng ở đường Hùng Vương, gần chợ Hàn, lưu dấu một thời đã qua từ lâu lắm.

Nguyên Tổng Biên tập báo Đà Nẵng Trương Công Định lúc còn là phóng viên, đã cùng tôi thức trắng nhiều đêm thực hiện thiên ký sự “Đà Nẵng những đêm không ngủ”. Trà dư tửu hậu lúc đã nghỉ hưu vui vầy cùng con cháu, anh cứ tiếc mãi không ghi lại được hình ảnh các bà, các mẹ, các chị, các em gái bán hột vịt lộn, không ghi lại được tiếng rao tha thiết “kem quốc doanh”, “bánh mỳ quốc doanh”… Theo lời anh nói thì tiếng rao đêm theo năm tháng sẽ trở thành di sản của lòng người.

Đà Nẵng gần 50 năm sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ồn ào, sôi động. Không còn nữa hình ảnh các bà, các mẹ, các chị bán hột vịt lộn cắp thúng, xánh đèn dầu mê mải bước. Những chú bé “crem” thuở nào nay cũng ở hàng ông nội ông ngoại.

Tiếng rao, cách rao thời nay cũng khác, hiện đại hơn tiếng rao xưa, được lập trình sẵn đều đặn phát qua loa: “bánh bao, banh bao nóng hổi đây”, “bắp, bánh chưng chả, ánh ít lá gai, bánh su sê đây”, “mắm rò, bánh lọc Huế đặc biệt thơm ngon đây”. Có thể lắm, sau vài chục năm nữa, tiếng rao qua loa của ngày hôm nay sẽ trở thành di sản trong ký ức và nỗi nhớ nhung của một thế hệ.

DƯƠNG THANH TÙNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-rao-xua-5716377.html