Tiếng ru

Anh bạn gửi tôi xem cái clip của một tiến sĩ tâm lý học nói về phương pháp tác động để phát triển não bộ trong quá trình thai giáo. Tôi đến thăm anh, nói clip hay, trình bày ngắn gọn, người tiếp thu dễ vận dụng. Nhưng anh không nói về clip mà chuyển sang nói chuyện tiếng ru.

Tiếng ru

Tiếng của ngàn xưa

Anh có cô cháu dâu ở thành phố, mới sinh con đầu lòng, nó đưa con về nội nhờ hỗ trợ chăm giúp mấy tháng đầu. Khi con khóc, hay con muốn ngủ, nó không biết hát ru để dỗ. Anh bảo, thời đại công nghiệp bây giờ nó hết như vậy, sống theo tốc độ việc làm, tất bật. Rồi anh đưa ra những hình ảnh để minh họa cho nhận xét của mình. Ở các khu phố có những chung cư cao tầng, hàng trăm hộ gia đình chung sống, hay những khu nhà tập thể công nhân, nó giống như cái tổ ong. Mỗi sáng từ trong cái tổ ấy tỏa ra khắp nơi để tìm mật, tối lại bay về khép kín lại. Về nhà lại tất bật cơm nước, áo quần. Nhịp điệu cuộc sống từ giao lưu văn hóa, đến tập quán cũng thay đổi theo thói quen vòng quay mỗi ngày. Con cái mới sinh mấy tháng đã đưa đi nhà trẻ, suốt ngày chẳng biết các bảo mẫu làm gì khi cháu khóc. Trẻ sinh ra trong không khí thời đại công nghiệp như thế, có mấy cháu được nghe và lớn lên theo tiếng ru của mẹ, của bà. Mất mát không khỏ, nhưng thuộc lĩnh vực tinh thần, nhiều người không thấy. Âm điệu tiếng ru nó tác động nuôi dưỡng tâm hồn lớn lắm, đi theo nâng bước suốt đường đời cho mỗi con người. Anh lại chuyển qua phân tích mấy câu thơ trong “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy: “Cái cò... sung chát đào chua.../ câu ca mẹ hát gió đưa về trời/ ta đi trọn kiếp con người/ cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”. “Không đi hết” bởi vì những gì mẹ trao gửi qua lời ru cho con là ước vọng đến vô cùng: “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn/ bà ru mẹ... mẹ ru con/ liệu mai sau các con còn nhớ chăng”.(1) Tiếng ru là một sinh hoạt văn hóa trong đời sống xã hội đã có từ ngàn xưa. Hững hờ đánh mất sản phẩm tinh thần ấy của cha ông là một sai lầm không nhỏ. Anh bảo lời ru của mẹ không chỉ thấm vào tâm thức trẻ khi đã nằm trong nôi, mà nếu biết bồi dưỡng để phát triển tình cảm, trí tuệ cho con trẻ, người mẹ cần phải hát ru cho trẻ ngay từ lúc còn thai nhi – biết anh đang đề cập đến phương pháp thai giáo.

Nghe anh nói, gợi tôi nhớ đến hồi ký “Đãi cát tìm vàng” của giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê khi ông nghiên cứu về tác dụng tiếng ru: “Thang âm của dân ca từng vùng đều rất gần với cấu trúc thang âm của tiếng hát ru, điều đó cho thấy tiếng hát ru vô cùng quan trọng. Chính nhạc điệu dân tộc, câu thơ dân gian nhè nhẹ đi vào lòng trẻ thơ thì khi lớn lên các thanh niên thiếu nữ của chúng ta có thể dựa vào đó mà sáng tác ra những bài dân ca rất hay, dầu không học trong các học viện”. Ông nhấn mạnh về giá trị và vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm: “người ta quên rằng chỉ cần 20 năm có thể đào tạo nên một thế hệ kỹ sư nhưng phải mất cả ngàn năm mới tạo ra được một nền văn hóa”. Rồi ông đề xuất, nên “nỗ lực kêu gọi và thúc đẩy cho phong trào hát ru hồi sinh trở lại trong sinh hoạt văn hóa xã hội và lần lần đi vào đời sống các gia đình. Nếu bà mẹ không có điều kiện ru con thì các nhà trẻ nên sử dụng băng nhạc hát ru để thay thế.”(2)

Tồn tại phải cạnh tranh

Vừa rồi, khi xem đổi mới trong “Chương trình giáo dục phổ thông 2018” – thay sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi thấy có đề cập đến nội dung đưa hoạt động văn hóa dân gian vào trường học, như tiếp cận thực hành lại các thể thức sinh hoạt với những bài đồng dao… dẫu muộn nhưng còn hơn không. Đây là thách thức với nhà trường, không biết cuộc cạnh tranh để song hành tồn tại này sẽ như thế nào khi tuổi trẻ trường học rất thích những âm thanh kích động mạnh mẽ, như sự thịnh hành của văn hóa âm nhạc hip hop hiện tại. Trong khi đó, nhiều cha mẹ không có điều kiện, cũng như không biết hát ru, hơn nữa, không ít cha mẹ trẻ chẳng mấy mặn mà với những làn điệu dân ca.

Võ Nguyên

(1) Nguyễn Duy, Mẹ và Em, NXB Thanh Hóa, 1987 .

(2) Hồi ký Trần Văn Khê –Tập 5: Đãi cát tìm vàng, NXB Trẻ – 2002

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/tieng-ru-132768.html