Tiếp bước em đến trường nơi vùng cao biên giới - Bài 1: Nơi khởi nguồn mô hình 'Con nuôi Đồn Biên phòng'
Nhiều năm qua, mô hình 'Con nuôi Đồn Biên phòng' trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập, chia sẻ gánh nặng về kinh tế với các hộ gia đình nghèo ở vùng biên giới, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ biên phòng với đồng bào các dân tộc.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Thu Lũm, huyện Mường Tè (Lai Châu) còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều học sinh không có điều kiện đến trường. Trước khó khăn ấy, từ năm 2009, Đồn Biên phòng Thu Lũm đã nhận các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về chăm sóc, nuôi dưỡng tại đơn vị, giúp các em được đến trường như những bạn cùng trang lứa. Từ đó, Đồn Biên phòng Thu Lũm trở thành Đồn Biên phòng đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”.
Xuất phát từ tình yêu thương
Những ngày cuối tháng 11/2020, phóng viên TTXVN có dịp tới thăm Đồn Biên phòng Thu Lũm, ở xã xa nhất của tỉnh Lai Châu. Dọc tuyến đường từ thành phố Lai Châu đến xã Thu Lũm, những cung đường uốn lượn nối dài tới tận mây xanh cùng với làn sương mù dày đặc bao phủ quanh sườn núi.
Một bên đường là vách đá cao đồ sộ và một bên là vực sông Đà sâu thăm thẳm, cùng với sắc vàng nhuộm kín dọc hai bên đường của loài hoa mang tên Dã quỳ. Nhìn xa xa, những thửa ruộng bậc thang cao vút giữa lưng trời, đan xen với màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng, khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh núi non, hùng vĩ của vùng quê biên giới Tây Bắc của Tổ quốc.
Đi gần một ngày đường vất vả, chúng tôi mới đến được xã Thu Lũm và dừng chân tại Đồn Biên phòng Thu Lũm đã gần xế chiều. Đại úy Cao Văn Quý - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thu Lũm niềm nở cho biết: Năm 2009, thực hiện Nghị quyết đổi mới công tác vận động quần chúng của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu và từ phong trào “Hũ gạo tình thương”, Thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thu Lũm (nay đã nghỉ hưu) có sáng kiến đưa các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã về đồn nuôi dưỡng. Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” ra đời từ đó và duy trì đến nay.
Thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc nhớ lại: Gắn bó với vùng đất biên giới mấy chục năm, tôi luôn trăn trở làm thế nào để giúp đỡ đồng bào các dân tộc nơi đây có cái ăn, cái mặc, các cháu nhỏ được học hành. Trong một chuyến công tác xuống bản Coòng Khà, xã Thu Lũm, tôi gặp gia đình của hai học sinh Sừng Xú Xá và Mạng Mọ Hà. Hoàn cảnh gia đình hai cháu rất khó khăn, lại ở xa trường. Mỗi ngày, hai cháu phải đi bộ cả chục cây số để tới trường học.
Thấu hiểu khó khăn ấy, Thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc đã bàn với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường rồi báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp đỡ gia đình hai cháu bằng cách hỗ trợ 50kg gạo và 500.000 đồng/cháu. Sau một thời gian triển khai, thấy cách này không hiệu quả, ông quyết định xin phép gia đình đưa hai cháu về nuôi tại Đồn Biên phòng Thu Lũm để tiện chăm sóc việc ăn ở, học tập. Mục đích xây dựng mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” nhằm giúp các cháu có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục học tập, nâng cao trình độ, nhận thức để thay đổi cuộc đời. Cùng với đó, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa người lính biên phòng với nhân dân vùng biên giới.
“Đến nay, qua hơn 10 năm thực hiện, những cháu học sinh đầu tiên được Đồn nuôi dưỡng đã học hết Trung học phổ thông và trưởng thành. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thu Lũm vẫn duy trì việc nuôi dưỡng các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, ý tưởng của tôi đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhân rộng ra cả nước, đây là điều khiến tôi vui nhất vì góp sức nhỏ bé đối với sự nghiệp giáo dục vùng cao”, Thượng tá Ngọc chia sẻ thêm.
San sẻ yêu thương như người cha
Đóng quân và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng biên giới, dẫu cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng họ luôn giành tình yêu thương hết mực đối với những đứa con được nhận nuôi.
Đại úy Cao Văn Quý, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thu Lũm cho hay: Quá trình các cháu ăn, ở tại Đồn Biên phòng được cán bộ, chiến sĩ chỉ bảo, kèm cặp trong sinh hoạt, học tập. Ngay từ đầu, khi đơn vị đón các cháu về nuôi dưỡng, chúng tôi đã thống nhất phân công đồng chí Phó Chính trị viên Đồn trực tiếp phụ trách chung, Ban Chấp hành Chi đoàn phụ trách việc dạy học, rèn luyện kỹ năng sống cho các cháu. Hằng ngày, bộ đội ăn như thế nào, các cháu cũng ăn như vậy và sinh hoạt giống như các chú bộ đội. Sau 3 năm về làm con nuôi của Đồn, 3 cháu gồm Mạ Đức Mạnh, Chang Mò Hừ và Vàng Lò Hừ có nhiều tiến bộ về thể chất, tinh thần cũng như trong học tập.
Là một trong những cán bộ được giao trực tiếp quan tâm đến việc học, nắm bắt tâm tư của các cháu, Trung úy Dì A De - Đội trưởng Đội ma túy (Đồn Biên phòng Thu Lũm) luôn xác định bản thân cần có trách nhiệm như những người cha, người mẹ để uốn nắn, dạy dỗ các cháu. Nhiệm vụ ấy tưởng như đơn giản nhưng thực sự không dễ dàng với những nam giới xa gia đình, nhất là với người trẻ tuổi như Trung úy De.
Đêm biên giới sương phủ dày đặc, với những cơn gió rét buốt đến thấu xương. Khoảng 22 giờ, Trung úy Dì A De lặng lẽ cầm chiếc đèn pin đến gian phòng nhỏ, nơi ở của 3 cháu được nhận nuôi. Nhẹ nhàng từng bước chân để kéo cánh cửa, quan sát qua khe cửa nhỏ khi thấy các cháu đã chìm vào giấc ngủ, Trung úy De mới khẽ kéo cánh cửa lại, rồi rón rén bước chân ra ngoài trở về phòng.
Trung úy De chia sẻ: “Bản thân tôi là người dân tộc Mông ở xã Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu), hiện gia đình, vợ con đều ở dưới quê. Thấu hiểu được hoàn cảnh thiếu thốn tình thương từ cha, khi được phụ trách chăm sóc các cháu, tôi luôn dành hết tình yêu thương của mình, cố gắng chỉ bảo, dạy dỗ các cháu nên người.
Mặc dù bản thân là một cán bộ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu nhưng tôi luôn học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Ở lứa tuổi dở dang, các cháu cũng rất nghịch ngợm, bướng bỉnh, tôi luôn sát sao, nghiêm khắc để uốn nắn các cháu đi vào nề nếp. Trong học tập, do kiến thức của bản thân còn hạn chế, tôi cũng thường xuyên tìm hiểu thêm thông tin, những cách giải trên mạng Internet để bổ sung thêm kiến thức cho các cháu”.
Giống như Trung úy Dì A De, Thiếu tá Vi Quốc Hiền ở Đồn Biên phòng Ka Lăng, huyện Mường Tè đã có gần 19 năm công tác tại Đồn. Trong thời gian được phụ trách các cháu, đồng chí Hiền luôn quan tâm tận tình, chỉ bảo các cháu từ lời ăn, tiếng nói cũng như trong học tập.
Hàng ngày, cứ vào 5 giờ 30 phút, khi tiếng kẻng vang lên, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của Đồn đều thức dậy. Lo hai cháu Giàng Khừ Chừ và Pờ Lý Xè ngủ quên, Thiếu tá Hiền lại đến phòng gọi các cháu dậy rồi hướng dẫn đi thể dục buổi sáng cùng các chú bộ đội, vệ sinh cá nhân và chuẩn bị ăn sáng. Trong thời gian các cháu đi ăn sáng, Thiếu tá Hiền ở lại phòng, kiểm tra đồ dùng học tập, chuẩn bị đầy đủ sách, vở theo thời khóa biểu cho các cháu khi tới lớp.
Đến giờ đi học, Thiếu tá Hiền dắt chiếc xe máy ra cổng, đưa các bạn nhỏ lên trường. Được chú Bộ đội Biên phòng đưa đi học, khuôn mặt nhỏ bé của hai cháu nở nụ cười tươi tắn, phấn khích. Đến cổng trường, từng lời dặn dò của Thiếu tá Hiền được các cháu ghi nhớ. Dõi theo bóng lưng hai bạn nhỏ bước vào lớp học, anh mới yên tâm trở về đơn vị.
Thiếu tá Hiền tâm sự: “Gia đình tôi ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, mỗi năm về thăm nhà được một đến hai lần. Lứa tuổi của hai bạn nhỏ cũng bằng tuổi các con tôi, nhìn thấy chúng như nhìn thấy những đứa con của mình. Để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ con, tôi dành tình yêu thương, dìu dắt, ân cần giúp đỡ các cháu. Trừ những ngày đi công tác xa, tôi thường xuyên đưa các cháu đến trường để các cháu cảm nhận được tình cảm gần gũi, thân mật, coi đơn vị là gia đình thứ hai”.