Tiếp đà giảm, cà phê mất 500 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (5/10) trong khoảng 64.300 - 65.100 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua. Trước thực trạng cà phê Việt Nam sắp bước vào vụ mới, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp thời gian này vẫn cần có phương án kinh doanh phù hợp, dài hạn, tránh bị động và hạn chế rủi ro khi thị trường có điều chỉnh về giá.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 64.300 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 64.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 64.800 đồng/kg. Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 65.100 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 65.000 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 64.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 64.600 đồng/kg. Còn cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 64.700 đồng/kg.
Giữa lúc nguồn cung tại thị trường trong nước đang khan hiếm, nên chỉ trong ngày hôm qua và hôm nay, thị trường đã mất đi 1.500 đồng khiến giá cà phê nhiều vùng trồng đã xuống dưới 65.000 đồng/kg. Điều này cũng khiến không ít người bất ngờ.
Điều này có thể do cà phê trong nước sắp vào vụ (trong khoảng 2 tháng nữa). Vì vậy, thời điểm này doanh nghiệp hạn chế thu mua để bảo đảm nguồn vốn vì giá cà phê hiện vẫn duy trì ở mức cao.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, năm nay, giá cà phê nhân trong nước tăng cao, lên mức 70.000 đồng/kg. Đến nay, giá bắt đầu giảm nhưng duy trì ở mức cao khiến người dân phấn khởi.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong thời gian này vẫn cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường và có phương án kinh doanh phù hợp, dài hạn, tránh bị động và hạn chế rủi ro khi thị trường có điều chỉnh về giá.
Bên cạnh đó, đây là thời điểm giá cà phê cao nhất trong vòng 30 năm qua, cần phải có sự cảnh báo đến các địa phương trồng cây cà phê, đặc biệt các tỉnh Tây Nguyên. Các địa phương cần kiểm soát người dân sống vùng gần rừng, ngăn chặn kịp thời hành vi phá rừng để trồng cây phê.
Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu cà phê sang châu Âu buộc họ phải thay đổi tư duy canh tác, hướng đến sản xuất bền vững, có truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, việc khó khăn nhất mà các doanh nghiệp cà phê Việt Nam gặp phải là xây dựng bản đồ định vị vườn cà phê, truy xuất nguồn gốc.
Tại một số tỉnh trọng điểm ở Tây Nguyên, lượng cà phê dự trữ của người dân và một số doanh nghiệp còn rất ít do mất mùa dẫn tới nguồn cung khan hiếm, chủ yếu lượng hàng dự trữ để xuất cho các hợp đồng đã được ký kết.
Trên thế giới, giá cà phê 2 sàn tiếp đà giảm do lo ngại rủi ro tăng cao khi USD quá mạnh. Đồng Real giảm, đưa tỷ giá xuống mức thấp nhất 6 tháng, đã khuyến khích người Brazil đẩy mạnh bán cà phê xuất khẩu, hỗ trợ xu hướng giá cà phê suy giảm.
Cơ quan thương mại Brazil báo cáo tổng xuất khẩu cà phê các loại trong tháng 9 ước đạt 3,098 triệu bao, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, đưa xuất khẩu cà phê các loại 9 tháng đầu năm 2023 lên đạt tổng cộng 24,759 triệu bao, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/tiep-da-giam-ca-phe-mat-500-dong-kg-1095785.html