Tiếp lửa cho báo chí điều tra
Thể loại báo chí điều tra, phản biện là 'trọng pháo' của báo chí, nó thể hiện danh phận, đẳng cấp của tờ báo trước độc giả và nền báo chí.
Những năm gần đây, thể loại báo chí điều tra, phản biện không có nhiều tác phẩm hay, gây chấn động. Điều này có nguyên nhân từ đâu, làm thế nào để báo chí thể loại này lên ngôi, thu hút bạn đọc?
Dấu ấn công nghệ
Tại khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII - 2022, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo nhận định, tác phẩm tham dự giải thuộc nhóm báo chí thông tấn chiếm tỷ lệ cao, nhóm thể loại báo chí chính luận chất lượng tốt số lượng ít.
Còn theo nhà báo Mai Quyết Thắng, Phó trưởng Ban Chuyên đề - Truyền hình Công an nhân dân, khoảng 3 năm nay, báo chí gần như không có tác phẩm nào gây xôn xao dư luận, kéo người đọc bàn tán vào mỗi buổi sáng.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, cây bút phóng sự - điều tra giàu kinh nghiệm, (6 lần đoạt giải Báo chí Quốc gia; đoạt giải A Giải báo chí toàn quốc về chống tham nhũng tiêu cực; 3 giải A Giải báo chí điều tra bảo vệ môi trường, đang công tác tại báo Dân Việt) chia sẻ: “Gần đây, báo chí điều tra, phản biện xã hội thay đổi nhiều theo hướng trực diện, ngắn gọn, xúc tích, hiện đại, mang rõ dấu ấn của kỷ nguyên số”.
Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, tác phẩm báo chí được hòa trộn, kết hợp giữa âm thanh, hình ảnh, được trình bày dưới nhiều hình thức như infographic, e-magazine, podcast... Độc giả cảm giác có thể sờ thấy, ngửi được, cảm nhận bằng tất cả các giác quan.
“Có những phóng sự điều tra của chúng tôi, hình ảnh trực diện đến mức có thể thành tài liệu cung cấp cho cơ quan điều tra củng cố hồ sơ để bắt giữ đối tượng vi phạm, triệt phá một đường dây tội phạm hay giải oan cho những người oan khuất…”, anh cho biết.
Theo anh, công nghệ cũng góp phần giúp những tác phẩm điều tra góp phần xử lý các vấn đề nóng của xã hội một cách trực tiếp, và nhờ đó, sự đóng góp của nhà báo cũng trực diện hơn, quyết liệt hơn và lan tỏa mạnh mẽ hơn.
“Báo chí chưa bao giờ sôi động như bây giờ! Buổi sáng nhà báo đưa tin, đến trưa, cơ quan chức năng đã vào cuộc, có mặt hiện trường, có văn bản chỉ đạo và xử lý. Thậm chí trong 1 - 2 ngày, đường dây phạm tội đã được triệt phá”, anh Hoàng chia sẻ.
Cần sự dấn thân của nhà báo và tòa soạn
Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về hình thức, cách thức, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cũng cho rằng, thể loại báo chí điều tra, phản biện xã hội cũng có biểu hiện giảm cả về số lượng và chất lượng.
“Nhiều năm nay tôi giảng dạy báo chí điều tra cho một số trường đại học, truyền đạt kinh nghiệm, nghiệp vụ báo chí điều tra cho hội nhà báo các địa phương...
Tất cả đều chung nhận xét, để thực hiện tác phẩm báo chí điều tra, phản biện rất khó khăn”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói và lý giải: Nói đến điều tra người ta nghĩ đến lật mặt, phơi bày một cái gì đó một cách bất ngờ.
Muốn thế, nhà báo phải mất tiền bạc, công sức theo dõi, thậm chí phải hóa thân, thâm nhập… Không dừng ở đó, nhà báo còn phải kiếm tìm giải pháp, giám sát quá trình xử lý sau đó...
Nhưng trong giai đoạn khó khăn của báo chí hiện nay, khi báo in khó bán; báo điện tử hầu như chưa thu phí được; tòa soạn, nhà báo không “xông xênh” cả tiền bạc, thời gian và công sức để đầu tư, tổ chức triển khai những tuyến bài quy mô, cầu kỳ.
Bản thân tòa soạn trả lương cho phóng viên đã vất vả, giờ lại bỏ ra khoản lớn cho một nhóm PV để theo đuổi một hay vài đề tài, thực sự không dễ.
Chưa kể, làm báo điều tra rất mạo hiểm, vất vả. Có thể sai một li đi một dặm, sai một câu chữ mất cả sự nghiệp, đóng cửa cả tờ báo.
Thậm chí nhà báo có thể bị khởi tố hình sự nếu để xảy ra sơ suất. Bên cạnh đó, còn phải đối mặt với đối tượng bị điều tra, có thể bị dọa dẫm, bị tấn công, thậm chí bị trả thù… Chính vì thế việc đầu tư cho mảng này chưa được như mong muốn.
Đồng quan điểm, nhà báo Mai Quyết Thắng (từng đạt Giải B Báo chí Quốc gia năm 2015 với loạt bài điều tra “Hành trình đột kích các chảo lửa buôn lậu”) chia sẻ thêm: Những tuyến bài điều tra gây chấn động ít đi, một phần còn do bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn chống dịch và tái thiết kinh tế - xã hội. Nhà báo tập trung nhiều cho nhiệm vụ truyền thông chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
“Bên cạnh đó cũng xuất phát từ điều kiện riêng mỗi tòa soạn; sự e dè, tâm lý ngại va chạm, ngại chịu trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí. Bởi nhiều khi, rủi ro không đến từ những va chạm “mắt thấy, tai nghe” đơn thuần. Có những phóng viên mới thì ngại dấn thân. Những nhà báo có nghề, đạt một vài giải báo chí thì có tâm lý thỏa mãn”, anh Thắng nhận định.
Dành nguồn lực và cơ chế tương xứng
Dẫu vậy, cả hai cây bút phóng sự điều tra đều chung nhận định, báo chí điều tra là địa hạt luôn hấp dẫn, kích thích sự dấn thân, sáng tạo vận dụng tổng hòa năng lực nghề nghiệp của nhà báo.
Ngày nay, báo chí điều tra, phản biện xã hội không đơn thuần chỉ là phản biện, mà đã tiến thêm một bước là báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp.
Do đó, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng, mỗi tòa soạn phải có đầu tư xứng tầm đối với thể loại này. Bởi nó là “trọng pháo” của báo chí, nó thể hiện danh phận, đẳng cấp của tờ báo trước độc giả và nền báo chí.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp cần hỗ trợ tòa soạn, tòa soạn dành thời gian, kinh phí và sự ưu tiên cho nhà báo điều tra có tâm, có tầm.
Trên thực tế, một số tòa soạn đã thành lập các nhóm phóng viên viết phóng sự, phóng sự điều tra; dành chức danh phóng viên đặc biệt, nhóm phóng viên phản ứng nhanh, cho họ sự tự do tương đối về thời gian để tập trung làm mảng điều tra.
Cùng quan điểm, nhà báo Mai Quyết Thắng cho rằng, mỗi nhà báo, phóng viên phải tự đặt ra cho mình mục tiêu thực hiện tuyến bài dựa trên kiến thức, tài liệu thu thập được.
Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan báo chí, ngoài định hướng cho phóng viên làm đúng, làm tốt, còn phải là bệ đỡ chia sẻ với phóng viên và sẵn sàng bảo vệ họ trước rủi ro, nguy hiểm…
Nhà báo Nguyễn Văn Tuấn, Phụ trách Văn phòng Đại diện báo Tiền phong khu vực Tây Nguyên, người vừa bị một số đối tượng đe dọa giết cả nhà khi điều tra việc mua bán đất nông nghiệp trái phép ở Đắk Lắk cho rằng, quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động báo chí điều tra rải rác ở nhiều văn bản luật như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Báo chí...
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ chế riêng để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo trong quá trình điều tra, phanh phui tiêu cực, tham nhũng, phục vụ lợi ích cộng đồng, xã hội. Thậm chí, những bài điều tra sai phạm còn có thể bị xử phạt do không đúng tôn chỉ mục đích.
Do đó, anh Tuấn cho rằng, cần có những cơ chế riêng, đặc thù để bảo vệ quyền lợi, an toàn phóng viên điều tra, phản biện xã hội khi bất chấp an toàn của bản thân để lao mình vào “vùng lửa”.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tiep-lua-cho-bao-chi-dieu-tra-d594758.html