Tiếp nhận 905 đơn vị máu tại Ngày hội Giọt hồng Thành phố Hoa

Sáng 23/7, tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Ngày hội Hiến máu tình nguyện Giọt hồng Thành phố Hoa lần thứ 10 năm 2022 đã diễn ra. Đây là hoạt động chính của chương trình Hành trình đỏ Lâm Đồng lần thứ 10.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng Nguyễn Quang Minh tặng hoa cho người hiến máu tình nguyện

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng Nguyễn Quang Minh tặng hoa cho người hiến máu tình nguyện

Trong buổi sáng, có 1.200 người đăng ký hiến máu tình nguyện, kết quả đã tiếp nhận 905 đơn vị máu. Trong đó, 680 đơn vị máu được điều chuyển về Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, còn 225 đơn vị máu cung cấp cho Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.

Đến với Ngày hội Hiến máu tình nguyện quy mô lớn này, anh Đoàn Hiếu Nguyên Khôi (33 tuổi) cho biết: “Tôi quê ở Cần Thơ, là nhân viên kinh doanh của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam phụ trách khu vực Lâm Đồng, Đồng Nai, Tiền Giang. Đến nay, tôi đã hiến máu tình nguyện 19 lần, riêng lần này là đầu tiên tôi đến với Ngày hội Giọt hồng Thành phố Hoa để hiến máu nhân chuyến công tác ở đây. Mỗi lần hiến máu tôi cảm thấy rất vui vì mình đã giúp đỡ được cho nhiều người cần máu để duy trì sự sống. Công ty tôi có quỹ từ thiện luôn đồng hành với chương trình Hành trình đỏ - Kết nối dòng máu Việt với các hoạt động tài trợ cho chương trình, tặng quà cho bệnh nhân, xây nhà tình thương…”.

Anh Rémi Lopes Ferreira (người Pháp, tạm trú ở Phường 9, TP Đà Lạt) đã đến Ngày hội hiến máu tình nguyện lần thứ 4

Anh Rémi Lopes Ferreira (người Pháp, tạm trú ở Phường 9, TP Đà Lạt) đã đến Ngày hội hiến máu tình nguyện lần thứ 4

Anh Hồ Thanh Phục (25 tuổi) công tác Viettinbank Lâm Đồng cho biết: “Đây là lần thứ 10 tôi tham gia hiến máu tình nguyện. Từ hồi sinh viên tôi đã hiến máu tình nguyện tại Trường Đại học Đà Lạt, khi đi làm thì tham gia hiến máu tại cơ quan. Riêng tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt tổ chức Ngày hội Giọt hồng TP Hoa, tôi đã đến đây hiến máu được 2 lần. Cứ nghe có thông tin về hiến máu tình nguyện là tôi chủ động đăng ký tham gia. Bởi vì sức khỏe tốt thì mình chia sẻ giọt máu mình cho ngân hàng máu của bệnh viện để những người không may bị bệnh cần cấp cứu, điều trị bệnh và sau này, khi mình hay người thân nếu cần máu để điều trị thì cũng sẽ được nhận lại từ những người hiến máu tình nguyện như hôm nay”.

Anh Đặng Tiến Đạt (24 tuổi) làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cho biết: “Đây là lần thứ 2 tôi tham gia hiến máu. Tôi cũng tìm hiểu về quyền lợi của người hiến máu tình nguyện, được sàng lọc máu miễn phí và việc mình cho máu đi thì khi cần máu điều trị mình sẽ được giúp đỡ”.

Anh Đặng Tiến Đạt (24 tuổi) làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng tham gia hiến máu tình nguyện lần thứ 2

Anh Đặng Tiến Đạt (24 tuổi) làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng tham gia hiến máu tình nguyện lần thứ 2

Anh Dương Tiến Giáp (37 tuổi) là kỹ sư của Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà cho biết: “Đây là lần thứ 2 tôi tham gia hiến máu tình nguyện. Do đi rừng thường xuyên nên tôi không có điều kiện để đi tham gia nhiều đợt hiến máu. Tôi nghĩ mình khỏe thì nên đi hiến máu giúp người. Trừ những khi đi rừng, đi công tác, tôi sẽ sắp xếp thời gian tham gia hiến máu. Trước đây, tôi đóng ở Trạm Đưng K’Nớh xa trung tâm nên thiếu thông tin về các đợt hiến máu và vì ở xa cũng không tham gia hiến máu được, nay tôi đã chuyển ra Trạm Hòn Giao gần hơn nên sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc hiến máu tình nguyện. Sáng nay, từ trạm Hòn Giao tôi chạy xe máy 60 km đến Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt để hiến máu và tiện thể ghé thăm nhà ở Măng Lin (Phường 7, Đà Lạt).

Nhiều tầng lớp Nhân dân đã đến với Ngày hội Giọt hồng Thành phố Hoa. Trong đó, có anh Rémi Lopes Ferreira (người Pháp, tạm trú ở Phường 9, TP Đà Lạt) đã đến Ngày hội hiến máu lần thứ 4 (kể cả lần này) và có nhiều tu sĩ Phật giáo đến tham gia hiến máu.

Anh Đoàn Hiếu Nguyên Khôi (33 tuổi), nhân viên kinh doanh của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam 19 lần hiến máu tình nguyện, lần này anh đi công tác tại TP Đà Lạt đã đến tham gia hiến máu

Anh Đoàn Hiếu Nguyên Khôi (33 tuổi), nhân viên kinh doanh của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam 19 lần hiến máu tình nguyện, lần này anh đi công tác tại TP Đà Lạt đã đến tham gia hiến máu

Anh Võ Đăng Thái Bình - Cán bộ Hội Chữ thập đỏ TP Đà Lạt tham gia công tác tổ chức Ngày hội Giọt hồng Thành phố Hoa cũng tranh thủ hiến máu lần thứ 38. Anh Bình cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Lạt, Hội Chữ thập đỏ TP Đà Lạt đã tuyên truyền, vận động người tình nguyện hiến máu, giao chỉ tiêu đến các phường, xã nên người tình nguyện đến đăng ký hiến máu rất đông.

BSCKII Nguyễn Văn Thiên - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết: Bệnh viện cử đầy đủ lực lượng y, bác sĩ để tiếp nhận máu vào sáng nay. Bố trí 1 xe cấp cứu và lực lượng y, bác sỹ, thuốc thiết yếu phục vụ công tác cấp cứu tại điểm hiến máu Hành trình đỏ - Ngày hội Giọt hồng Thành phớ Hoa. Có 50 y, bác sĩ thuộc Khoa Xét nghiệm và Phòng Điều dưỡng của bệnh viện tham gia tiếp nhận máu. Năng lực dự trữ máu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh có quy mô 300 đơn vị máu để sử dụng trong 10 ngày. Trung bình hàng tháng tiếp nhận 1.000 đơn vị máu. Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn điều phối máu cho 6 Trung tâm Y tế phía Bắc và Bệnh viện Nhi Lâm Đồng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt.

Các tình nguyện viên Hành trình đỏ tiếp nhận, bảo quản máu

Các tình nguyện viên Hành trình đỏ tiếp nhận, bảo quản máu

Hệ thống xử lý máu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh là 1 trong 26 tỉnh, thành phố cả nước hiện đại do áp dụng công nghệ NAT (sinh học phân tử) để sàng lọc máu. Nguồn máu hiến sẽ được sàng lọc qua 2 bước: Bước 1 sàng lọc trên hệ thống Elisa để phát hiện các bệnh về lây nhiễm như: HIV, viêm gan B, C, giang mai… Bước 2 là sàng lọc qua công nghệ NAT để truy tìm lại các bệnh về lây nhiễm trong các túi máu. Qua áp dụng sàng lọc máu 2 bước tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng ghi nhận tỉ lệ máu hiến không đạt chất lượng chiếm mức thấp. Hiện 100% nguồn máu sử dụng cho các bệnh viện trong tỉnh đều từ nguồn máu hiến tình nguyện. Nhờ nguồn máu này giúp cho các bệnh viện tập trung cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh lý thường xuyên truyền máu như thận nhân tạo, tan máu bẩm sinh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần được đầu tư trang thiết bị để chẩn đoán bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), bệnh này có 20% số ca mắc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị bệnh nhân tan máu bẩm sinh (Thalassemia) và thường xuyên có 350 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, lọc máu suốt đời.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202207/tiep-nhan-905-don-vi-mau-tai-ngay-hoi-giot-hong-thanh-pho-hoa-3126751/