Tiếp nhận có chọn lọc

Những năm gần đây, công việc chia sẻ trải nghiệm thông qua các video trên YouTube đang rất phát triển ở Việt Nam. Khi cần tham khảo ý kiến trước một chuyến đi, hay khi mua sắm một món đồ đắt tiền, người xem thường tìm đến các YouTuber như kim chỉ nam. Nhưng đôi khi, chiếc kim này lại bị lệch vì lực tác động của 'tài trợ'.

YouTuber G. được giới trẻ biết đến thông qua những video chia sẻ kinh nghiệm du học, thi ngoại ngữ, đi xin việc… Đặc biệt những clip chia sẻ về cách chi tiêu hợp lý và tiết kiệm tiền luôn thu hút lượt xem và tương tác rất cao.

Video 5 cách mình làm cho tiền đẻ ra tiền gần đây đã thu hút gần 600.000 lượt xem và hơn 23.000 lượt thích. Trong video, G. đã dùng 2/3 thời lượng để giới thiệu “một ngàn lẻ một” lợi ích của ứng dụng tiết kiệm và đầu tư Finhay. Nghe theo hướng dẫn, nhiều bạn trẻ với mong muốn tiền sinh thêm tiền đã tải và dùng thử nhưng lại gặp phải tình trạng đầu tư lỗ, thậm chí mất trắng tiền đầu tư.

Tú Trang (20 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) nhân viên bán hàng, bức xúc kể: “Thấy chị G. sử dụng và khen rất nhiều nên tôi cũng tải về dùng, tôi đã chuyển 2 triệu đồng vào ứng dụng để đầu tư. Sau khoảng 2 tháng, tiền lời đầu tư là 8.000 đồng, 1 tháng sau tôi kiểm tra thì lại thành lỗ 20.000 đồng, tôi đành đợi thêm 2 tháng nữa xem sao. Tổng cộng sau 5 tháng gửi đầu tư trong Finhay, tôi chỉ lời được 3.000 đồng nhưng lại mất 25.000 đồng phí rút tiền. Sau đó, ứng dụng báo tôi sẽ nhận được tiền vào tài khoản sau 5 - 7 ngày nhưng hơn 3 tuần tôi vẫn chưa nhận được. Tôi ra ngân hàng hỏi, nhân viên ngân hàng báo rằng không có giao dịch nào cả. Ngay lập tức tôi nhắn tin đến bộ phận hỗ trợ của Finhay và nhận được câu trả lời rằng, giao dịch chuyển tiền đã thành công. Sau đó, bên phía Finhay chỉ xem tin nhắn của tôi chứ không trả lời gì thêm”.

Trang không phải là trường hợp duy nhất gặp phải tình trạng này. Trong phần đánh giá của ứng dụng có đến vài chục phản hồi rằng: Gửi vào thì dễ, lấy ra thì mất, ứng dụng lừa đảo, nghe lời G. tải về dùng thử ai dè tiền lời không thấy chỉ thấy lỗ.

Nhận thấy được tiềm năng của việc quảng cáo thông qua YouTuber nên các doanh nghiệp và nhãn hàng liên tục tìm đến hợp tác, từ đó những video quảng cáo được dán nhãn chia sẻ kinh nghiệm ra đời. Nhiều trường hợp YouTuber đã bỏ đi những tiêu chí đề ra ban đầu, mà chỉ vì tiền tài trợ.

Người xem chọn theo dõi trang của D. chủ yếu vì anh chỉ giới thiệu những sản phẩm chuyên biệt cho da nhạy cảm, không có hương liệu và có giá thành phải chăng. Nhưng thời gian gần đây, YouTuber làm đẹp Call me D. đã khiến cộng đồng mạng bức xúc vì khen hết lời những sản phẩm mình từng chê không thương tiếc. Trong video, D. luôn miệng nói rằng: “Đây là cảm nhận của mình sau khi sử dụng, không phải quảng cáo nhé”. Một số người đã tin tưởng mua dùng, nhưng do sản phẩm quá nhiều cồn, gây kích ứng da nên đành phải bỏ sản phẩm.

Với sự phát triển mạnh mẽ của nghề YouTuber, những trường hợp trên ngày càng phổ biến. Tuy việc tham khảo đánh giá rất hữu ích nhưng bên cạnh đó, người xem cũng nên tự tìm hiểu những thông tin cần biết về sản phẩm, ứng dụng được giới thiệu.

LÊ DUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tiep-nhan-co-chon-loc-672980.html