Tiếp sau những tấm huy chương

Dưới sự quan tâm, đầu tư bài bản của tỉnh cùng tố chất thiên phú, thời gian dài khổ luyện, những năm qua, các vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao Phú Thọ đã có những thành tích rất đáng ghi nhận cả trên đấu trường trong nước...

Các VĐV Đội bắn cung luyện tập tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện TDTT tỉnh.

(baophutho.vn) - Dưới sự quan tâm, đầu tư bài bản của tỉnh cùng tố chất thiên phú, thời gian dài khổ luyện, những năm qua, các vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao Phú Thọ đã có những thành tích rất đáng ghi nhận cả trên đấu trường trong nước, khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, sau khi giải nghệ, các VĐV sẽ làm gì để phát huy năng lực, sở trường, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp thể thao thành tích cao vươn xa trên các đấu trường là bài toán cần tìm ra lời giải.

Nỗ lực vươn tới đỉnh cao
Để từng bước đưa thể thao Phú Thọ phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tỉnh đã có nhiều chủ trương, kế hoạch phát triển thể dục thể thao (TDTT) một cách chiến lược, có tầm nhìn, sự đầu tư quy mô, bài bản về nguồn lực. Qua đó tạo điều kiện tốt trong các hoạt động TDTT, đặc biệt là công tác đào tạo, huấn luyện, tổ chức thi đấu các giải thể thao thành tích cao.Toàn tỉnh hiện có 33 sân vận động các loại; gần 500 sân bóng đá; trên 3.000 sân bóng chuyền, cầu lông; 89 sân quần vợt; 26 bể bơi các loại; 92 nhà luyện tập và thi đấu đa năng… Cơ sở vật chất kỹ thuật cơ bản đáp ứng yêu cầu đăng cai tổ chức các giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên, cán bộ quản lý TDTT thường xuyên được cử đi tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trình độ lý luận chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ tháng 10/2019 đến nay, toàn tỉnh đào tạo, huấn luyện tập trung 150 VĐV của tám môn thể thao trọng điểm (bóng đá, pencak silat, bắn cung, đá cầu, wushu, điền kinh, bơi lội và vật) với 51 VĐV đạt đẳng cấp Quốc gia, trong đó 18 VĐV kiện tướng và 33 VĐV cấp I. Bóng đá nam là môn thể thao đột phá nhằm bắt kịp xu thế phát triển thể thao trong nước, nâng tầm vị thế của thể thao Phú Thọ, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người Đất Tổ tới bạn bè trong nước và quốc tế.Dưới sự định hướng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và công tác huấn luyện, đào tạo bài bản, nghiêm túc cùng với tài năng, nỗ lực luyện tập và khát khao dành chiến thắng đã giúp các VĐV có được thành tích cao. Giai đoạn 2016-10/2019, các VĐV của Phú Thọ đã dành 528 huy chương tại các giải thể thao quốc gia và khu vực (129 HCV, 154 HCB, 245 HCĐ); đạt 22 huy chương tại các giải thể thao khu vực Đông Nam Á và thế giới. Năm 2020, tuy tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng công tác đào tạo, huấn luyện TDTT vẫn duy trì, đảm bảo chất lượng và an toàn. Những tháng cuối năm, các đội tuyển tham gia thi đấu 26 giải thể thao toàn quốc và giải trẻ toàn quốc, giành được 75 huy chương các loại, trong đó có 14 HCV. Nhiều tên tuổi đã, đang đứng vị trí số một, giành huy chương, thứ hạng cao ở cấp độ thi đấu tầm cỡ SEA Games, quốc tế như: Nguyễn Chí Ba - HCV đồng đội nam môn bắn cung tại SEA Games 24; Chu Mạnh Cường - HCĐ toàn năng Wushu tại SEA GameS 23; Bùi Mạnh Cường, Trần Anh Quân - HCV Giải vô địch đá cầu thế giới năm 2019; Nguyễn Thị Phương- HCV đồng đội môn bắn cung tại SEA Games 30, HCB Cúp bắn cung châu Á năm 2020... Con đường đến với sự nghiệp TDTT, duy trì và giữ vững phong độ để thi đấu, chiến thắng, mang vinh quang về cho quê hương đã vậy, nhưng sau thời kỳ đỉnh cao, các VĐV sẽ tiếp tục như thế nào để phát huy năng lực sở trường, đóng góp vào sự nghiệp TDTT của tỉnh là vấn đề còn nhiều trăn trở…

VĐV Bùi Mạnh Cường và Trần Anh Quân giành Huy chương Vàng giải vô địch đá cầu thế giới lần thứ X năm 2019.
Bài toán “giữ chân” vận động viên
Hiện nay, việc VĐV thành tích cao xin rời tuyển để tìm con đường mới cho riêng mình không ít; nhiều VĐV có năng khiếu, sau quá trình đào tạo đến độ chín cũng đành bỏ dở, xin rẽ ngang vì những cơ hội rõ ràng hơn trong tương lai. Vấn đề này đã gây ra những khó khăn không nhỏ đối với thể thao thành tích cao của tỉnh, khiến việc tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện VĐV thành tích cao từ tỉnh đến cơ sở chưa hệ thống. Một số môn có thế mạnh của tỉnh mặc dù đã được chú trọng quan tâm, đầu tư phát triển, có những VĐV đạt huy chương quốc gia, quốc tế nhưng số VĐV còn khiêm tốn, chưa tạo được sự đột phá.Có thể thấy, khi VĐV năng khiếu đạt đến “thời điểm vàng” về phong độ cũng là lúc họ đạt “độ chín” về tuổi đời, do đó họ buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp thi đấu với trách nhiệm gia đình và tương lai của bản thân. Trong đó, nỗi băn khoăn, trăn trở lớn nhất đối với “người trong nghề” là tìm hướng đi, công việc phù hợp trong tương lai cho các VĐV sau khi giải nghệ để họ có thể tiếp tục phát huy năng lực, sở trường, kinh nghiệm trong các hoạt động thể thao, đóng góp tích cực đối với sự nghiệp phát triển TDTT nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng.Thực tế, qua quá trình đào tạo, huấn luyện, thi đấu thể thao, các VĐV thể thao đều có thể lực, thể chất tốt; tính kỷ luật, tập thể và không ngại vất vả, khó khăn. Do đó, khi tham gia các công việc khác, họ cơ bản đều có thể đáp ứng. Tuy nhiên, để quá trình đầu tư trước đó không trở nên lãng phí, cần có những cơ chế đặc thù, phù hợp. Qua tìm hiểu, tại một số tỉnh, thành phố có thành tích thể thao vượt trội, có VĐV tham dự các giải đấu lớn như SEA Games; các giải vô địch châu lục, thế giới; Olympic… ngoài các chế độ đãi ngộ tốt còn có cơ chế ưu đãi đặc thù về “đầu ra” cho các VĐV sau khi giải nghệ. Đặc biệt là sắp xếp việc làm cho các VĐV thể thao đạt thành tích cao tại cơ sở, trường học; từ đó làm động lực, khích lệ các VĐV hăng hái luyện tập, quyết tâm dành thành tích cao trong thi đấu, tiếp tục có những đóng góp trong các phong trào TDTT, phát hiện tài năng thể thao để tiếp tục bồi dưỡng, huấn luyện, thi đấu.Ở góc độ cá nhân, mỗi VĐV cũng cần phát huy trí tuệ, năng lực, phẩm chất và kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao trong chính công việc, cuộc sống của mình sau khi giải nghệ, đặc biệt trong việc phổ biến những lợi ích của TDTT, góp phần đưa hoạt động rèn luyện TDTT ăn sâu vào đời sống; đồng thời phát hiện, bồi dưỡng VĐV năng khiếu, đóng góp cho sự nghiệp thể thao.Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Sở sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan thực hiện tốt công tác tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết về chế độ, ưu đãi đối với các HLV, VĐV thể thao. Đặc biệt là nghiên cứu, tham mưu về cơ chế đặc thù đối với việc ký hợp đồng dài hạn hoặc không thời hạn với VĐV đạt thành tích cao làm việc HLV tại các đơn vị sự nghiệp của ngành. Đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các VĐV tham gia các lớp đào tạo chuyên nghiệp, đáp ứng đủ yêu cầu tuyển dụng trong hệ thống viên chức Nhà nước theo quy định… Tại kỳ họp thứ Hai, HĐND tỉnh khóa XIX vừa qua đã thông qua Nghị quyết về việc quy định chế độ đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh, đây có thể coi là bước đột phá đối với thể thao thành tích cao khi chế độ dinh dưỡng, điều kiện luyện tập, tiền lương, tiền hỗ trợ luyện tập đối với cả HLV, VĐV đội tuyển tỉnh và đội tuyển trẻ được nâng lên. Các HLV, VĐV đang luyện tập tại Trung tâm đào tạo, huấn luyện TDTT tỉnh rất phấn khởi khi chế độ đảm bảo nền tảng thể lực, đáp ứng yêu cầu luyện tập sẽ giúp các HLV, VĐV đạt thành tích tốt trong thi đấu, yên tâm cống hiến, nỗ lực luyện tập chinh phục những đỉnh cao mới trong sự nghiệp.

Lê Hoàng - Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/the-thao/202109/tiep-sau-nhung-tam-huy-chuong-179725