Tiếp sức làng nghề bám biển

(ĐTTCO) - Những năm qua, hàng trăm hộ ngư dân ở làng chài Phước Tân, xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở rộng sản xuất, mua sắm ngư cụ, xăng dầu và luôn sẵn sàng ra khơi đánh bắt cá, bám ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chính sách hợp lý, ngư dân ấm lòng

Xã Phước Hải có hơn 80% người dân làm ngư nghiệp và đây cũng là một trong 8 làng nghề truyền thống của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tỷ lệ phát triển kinh tế mạnh từ nghề cá đánh bắt xa bờ. 5 năm trước, mỗi lần dong tàu ra khơi, nhiều hộ ngư dân chưa yên tâm bám biển vì trang bị máy móc thông tin không đồng bộ; chính sách bảo hộ lao động “khập khiễng”. Song với tinh thần “biển của ta ta khai thác giữ gìn”, hàng trăm tàu cá ở làng chài Phước Hải vẫn vươn khơi bám biển. Một mặt vì cuộc sống mưu sinh, một mặt để góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Thấu hiểu nỗi cực nhọc của ngư dân mỗi lần trắng tay từ biển trở về, để động viên và khuyến khích ngư dân tiếp tục giữ ngư trường truyền thống, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg quy định về “Một số chính sách hỗ trợ khai thác, nuôi trồng và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa”. Cũng như nhiều địa phương khác, hàng trăm tàu cá ở làng chài Phước Hải được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi này.

Theo Quyết định số 48, mỗi tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ được Nhà nước hỗ trợ 4 chuyến biển/năm, mức hỗ trợ từ 22 - 100 triệu đồng/chuyến biển, tùy thuộc vào công suất tàu. Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa (gọi tắt là các vùng biển xa).

Dĩ nhiên đối tượng được hưởng chính sách này phải là các tàu cá đăng ký thường xuyên hoạt động khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, có nghề khai thác phù hợp và có hoạt động tại vùng biển quy định, bao gồm: nghề câu cá ngừ đại dương, nghề lưới rê khơi, nghề lưới vây khơi, nghề câu khơi, câu mực, chụp mực và các tàu dịch vụ khai thác hải sản tại các vùng biển xa.

Ông Huỳnh Hoành Nhung, Tổ trưởng Tổ đánh bắt hải sản Quyết Thắng, thị trấn Phước Hải cho biết, các chính sách khuyến khích của Nhà nước đã giúp ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá, nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ. Ngư dân cũng chủ động hơn trong việc tham gia mua bảo hiểm để giảm thiểu thiệt hại do rủi ro, tai nạn trong quá trình sản xuất trên biển.

Đặc biệt, việc hỗ trợ ngư dân mua sắm thiết bị thông tin liên lạc, giúp công tác tìm kiếm, cứu nạn mỗi khi xảy ra sự cố kịp thời, hiệu quả hơn. “Vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 là ngư trường truyền thống của tổ đánh bắt hải sản Quyết Thắng. Hiện nay, tổ có 5 chiếc tàu hành nghề lưới vây, mỗi năm đi 4 chuyến biển ở ngư trường này. Việc được hỗ trợ tiền dầu, bảo hiểm đã giúp ngư dân ấm lòng mỗi khi đi biển và càng hăng say bám ngư trường”, ông Nhung cho biết.

Cảng cá Phước Hải luôn đầy ắp cá mỗi khi tàu cá từ khơi xa trở về.

Bám biển bảo vệ chủ quyền

Theo kinh nghiệm của ông Hồ Văn Dực, một chủ tàu câu cá ngừ đại dương lâu năm ở làng chài Phước Hải, tàu ông ít khi nào về tay trắng hoặc lỗ. “Nếu sau 1 tháng đi biển về, trừ chi phí mà huề vốn coi như chuyến đó trắng tay. Bởi công lao động ngoài biển gấp 4 lần trong bờ, ấy là chưa kể đến thiệt hại sức lao động.

Nếu gặp rủi ro, thường là do bị tàu nước ngoài đuổi hoặc quấy nhiễu, thậm chí cướp ngư cụ. Nếu chỉ một lần bị chúng cướp, thu lưới, câu thì thiệt hại rất lớn. Một năm đi biển 8 lần, được Chính phủ hỗ trợ 4 lần như tàu tôi là 400 triệu đồng. Số tiền này đủ để mua ngư cụ. Quy định của Chính phủ về bảo trợ vốn rất hợp lý, chúng tôi đi biển cũng không sợ lỗ”, ông Dực cho biết.

Dẫu vẫn hiểu mỗi lần dong tàu ra khơi đánh bắt cá là một cuộc mưu sinh đầy gian khổ, là đánh cược thân thể, số phận với đại dương, song vì mưu sinh và bảo vệ ngư trường truyền thống, nên những con tàu vẫn ngày đêm vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. 50 năm lăn lộn, sống chết với biển, ông Nguyễn Văn Sơn, ngư phủ kỳ cựu ở làng chài Phước Hải chứng kiến không biết bao gian khổ, vật lộn với sóng gió giữa trùng khơi.

Một năm có 12 tháng thì tàu của ông có 10 tháng lênh đênh trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ngoài mưu sinh, ông còn quan niệm rằng: “Đánh bắt hải sản trên lãnh thổ của Tổ quốc mình vừa giữ ngư trường truyền thống, vừa khẳng định rằng biển của Tổ quốc Việt Nam thì người Việt Nam có quyền khai thác, đánh bắt và bảo vệ. Vì vậy không có một cản trở nào làm chùn bước chúng tôi. Được nhà nước hỗ trợ chi phí xăng dầu, đó là động lực để chúng tôi vững tâm vươn khơi, bám biển”.

MAI THẮNG

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160720/tiep-suc-lang-nghe-bam-bien.aspx