Tiếp tục bán 148 triệu cổ phiếu Ngân hàng VIB, cổ đông chiến lược CBA giảm sở hữu xuống dưới 15%

Chỉ trong hai phiên giao dịch 24 và 26/9, cổ đông ngoại CBA đã thực hiện giảm lượng lớn tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tại VIB, xuống dưới 15%.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - VIB (mã chứng khoán VIB) vừa công bố thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) về việc thay đổi tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn Commonwealth Bank of Australia (CBA).

Cụ thể, cổ đông tổ chức này đã thực hiện bán ra 148 triệu cổ phiếu VIB. Giao dịch được thực hiện trong phiên 26/9.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Commonwealth Bank of Australia tại ngân hàng Việt giảm từ hơn 588 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 19,74% xuống còn 440 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 14,78%.

Lý do cho động thái thoái vốn của cổ đông lớn này được đề cập ngắn gọn “giao dịch”. Đồng thời hình thức giao dịch không nêu rõ khớp lệnh trên sàn hay thỏa thuận. Tuy nhiên, thống kê giao dịch cuối ngày cho thấy, khả năng giao dịch được thực hiện thỏa thuận sang tay, tương tự như lần thoái vốn trước đó vào phiên 24/9.

Kết thúc phiên giao dịch 26/9 vừa qua, cổ phiếu VIB chốt ở mức 19.400 đồng/CP. Như vậy, cổ đông ngoại này đã thu về khoảng trên dưới 2.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 115 triệu USD.

Diễn biến giao dịch cổ phiếu VIB một tháng qua

Diễn biến giao dịch cổ phiếu VIB một tháng qua

Trước đó, phiên 24/9, khối ngoại đã bán thỏa thuận 148 triệu cổ phiếu, tương đương 4,97% vốn điều lệ của VIB.

Trong thông báo của mình, CBA xác nhận đã bán gần 5% vốn điều lệ tại VIB trong ngày 24/9. Tổng số tiền mà CBA dự kiến thu về là khoảng 160 triệu USD.

CBA cho biết, giao dịch thoái vốn tại VIB sẽ giúp tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 (CET1) tăng thêm 3 điểm cơ bản (bps), dựa trên số liệu tài sản có rủi ro tín dụng (RWA) vào ngày 30/6/2024. Ngoài ra, ngân hàng này cũng tin tưởng rằng VIB sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng. Và sự mở rộng trong cơ cấu cổ đông sẽ hỗ trợ cho những mục tiêu tương lai của VIB.

CBA cũng nhấn mạnh, việc thoái vốn tại VIB là phù hợp với chiến lược tập trung vào mảng ngân hàng tại khu vực Australia và New Zealand. Thông cáo không cho biết liệu CBA có tiếp tục tiến hành những đợt thoái vốn tiếp theo hay không.

Như vậy, hoạt động thoái vốn của nhà băng từ Australia được thực hiện chỉ ít ngày sau khi xác nhận bán ra lượng lớn cổ phiếu tại VIB.

Trên thực tế, kế hoạch thoái vốn khỏi VIB đã được hé lộ trong những kỳ ĐHĐCĐ những năm gần đây. Vào năm 2019, CBA đã có động thái rút khỏi HĐQT của ngân hàng Việt. Phía cổ đông ngoại khi đó cho biết có chiến lược trở thành ngân hàng gọn nhẹ hơn và trong quá trình đánh giá lại các khoản đầu tư trên toàn cầu.

VIB đã quyết định khóa room ngoại ở mức 4,99%, đồng nghĩa việc thoái vốn của khối ngoại sẽ tiếp tục diễn ra

VIB đã quyết định khóa room ngoại ở mức 4,99%, đồng nghĩa việc thoái vốn của khối ngoại sẽ tiếp tục diễn ra

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 6, ban lãnh đạo VIB cho biết mới chỉ biết tới mục tiêu thoái vốn của CBA sau khi được Ngân hàng Nhà nước trả lại văn bản chấp thuận thoái vốn. Vào thời điểm đó, ngân hàng này chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch thoái vốn cụ thể của CBA. Ban lãnh đạo cho biết VIB sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược mới sau khi CBA thoái vốn.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ra lượng lớn cổ phiếu VIB trong bối cảnh kể từ đầu tháng 7/2024, ngân hàng đã khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) ở mức 4,99%, tương đương 148,7 triệu cổ phiếu. Trước đó, room ngoại được ngân hàng giới hạn ở mức 20,5%, tức 611 triệu cổ phiếu và gần như luôn trong tình trạng đầy room.

Với quyết định khóa room ngoại, cổ đông CBA sẽ tiếp tục bán ra lượng lớn cổ phiếu VIB cho đến khi giảm sở hữu xuống bằng hoặc thấp hơn 4,99%. Tức lượng cung từ cổ đông nước ngoài này còn khoảng hơn 290 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.

Huyền Châm

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tiep-tuc-ban-148-trieu-co-phieu-ngan-hang-vib-co-dong-chien-luoc-cba-giam-so-huu-xuong-duoi-15-313728.html