Tiếp tục đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Chiều 30-11, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án 'Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020' theo quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 281).

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thùy Trang

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thùy Trang

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, các bộ ngành và Hội khuyến học của 63 tỉnh, thành phố.

Đề án 281 có mục tiêu chung là triển khai đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình: gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Thời gian cụ thể của Đề án là xây dựng thí điểm các mô hình học tập trong năm 2014-2015, triển khai nhân rộng các địa bàn trong toàn quốc từ năm 2016.

Sau 5 năm thực hiện đại trà, chỉ tiêu phấn đấu về các mô hình học tập của các địa phương đều đạt và vượt từ 2% đến 35%, trong đó, tỷ lệ gia đình học tập đạt 71,77%; tỷ lệ dòng họ học tập đạt 66,51%; tỷ lệ cộng đồng học tập đạt 65,38%; tỷ lệ đơn vị học tập đạt 85,73%.

Phong trào xây dựng các mô hình học tập đã được đông đảo người dân nhiệt tình hưởng ứng và tham gia, thể hiện ở tốc độ phát triển về số lượng từng loại mô hình và việc thực hiện từng chỉ tiêu rất nghiêm túc trên cơ sở có đầy đủ các minh chứng. Về phương diện tinh thần, nhận thức về xã hội học tập của nhân dân đã được nâng cao hơn so với khi tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 112/2005/QĐ-TTg về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 và sơ kết 3 năm triển khai Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Vai trò nòng cốt của hội khuyến học các cấp trong phong trào vận động các lực lượng xã hội tham gia xây dựng xã hội học tập đã được đề cao.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thùy Trang

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thùy Trang

Tất cả các cán bộ, hội viên khuyến học các cấp và đông đảo nhân dân đã nhận rõ việc chuyển mô hình hiếu học và khuyến học sang mô hình học tập là cần thiết vì phù hợp với xu thế phát triển xã hội học tập trên thế giới. Cấp ủy và chính quyền ở nhiều địa phương đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức về tầm quan trọng của xây dựng xã hội học tập, gắn kết phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại các khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng cộng đồng học tập cấp xã”, triển khai các chủ đề của tuần lễ học tập suốt đời, tổ chức các sự kiện liên quan đến ngày khai trường hàng năm đều mang lại kết quả tốt.

Nhờ phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn hành chính cấp xã đã đạt được thành tích như các cháu trong độ tuổi học ở bậc phổ thông đều được tới trường, không có học sinh lưu ban, bỏ học, các cháu hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi. Có đến 92,8% người trong độ tuổi lao động được học thêm nghề hoặc học thêm kỹ năng mới để tham gia vào một số việc làm, từ đó góp phần tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Nhiều hộ gia đình đã phát triển sản xuất theo kế hoạch xây dựng những sản phẩm hàng hóa của địa phương, được bao tiêu đầu ra, góp phần tạo ra những giá trị mới. Nhiều hộ đã liên kết với nhau tạo nên mô hình sản xuất mới.

Hội Khuyến học Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có tỷ lệ các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đạt các danh hiệu học tập tăng từ 10% đến 20% so với năm 2020; tập trung phát triển tổ chức hội khuyến học và hội viên trong các doanh nghiệp, viện nghiên cứu; xây dựng và phát triển mô hình “Công dân học tập”.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thùy Trang

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thùy Trang

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà Hội khuyến học Việt Nam, các cấp hội địa phương đạt được khi thực hiện Đề án 281. Số lượng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập… tăng vượt chỉ tiêu. Quan trọng hơn là khi thăm dò ý kiến của nhân dân đều đánh giá nên tiếp tục thực hiện Đề án, không chỉ giúp cho phát triển đất nước mà còn thắt chặt đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tốt hơn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào thực tế một số địa phương không đạt được các chỉ tiêu đặt ra trong Đề án 281, do những vấn đề văn hóa, giáo dục chưa mang tính bức bách, cấp thiết nên chưa được quan tâm, chú ý bằng những vấn đề kinh tế trước mắt.

Bên cạnh đó, cũng có thực tế, do nhận thức khuyến học thường dành cho những đối tượng trình độ thấp nên ở những đô thị lớn, phát triển thì phong trào này không mạnh, không sôi nổi như ở khu vực nông thôn, thậm chí miền núi. Đây là những vấn đề cần được chú ý khắc phục trong công tác khuyến học những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thời gian tới, Hội Khuyến học cùng với các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, mở rộng quy mô từ gia đình ra dòng họ, cộng đồng; từ xã đến huyện, đến tỉnh và cả nước…

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tiep-tuc-day-manh-phong-trao-khuyen-hoc-khuyen-tai-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-post435500.html