Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổng hợp, phân tích đơn thư của cử tri
Thảo luận về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, 'công tác dân nguyện đã đi vào nền nếp nhưng mong muốn của chúng ta là công tác này ngày càng đi vào thực chất hơn, 'khai căn' được nhiều vấn đề mà cử tri gửi đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội một cách sát thực tiễn hơn'. Do đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, phân tích đơn của cử tri, nhân dân; đánh giá chất lượng việc tiếp nhận, chuyển đơn, giải quyết và trả lời đơn của các cơ quan chức năng...
Vẫn thiếu thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục bảo hiểm y tế
Qua nắm bắt, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, khi Quốc hội đã kiện toàn các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội và bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an; hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với nhiều đổi mới mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giám sát, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến xây dựng pháp luật; thông qua nhiều luật, có những quyết nghị quan trọng liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân...
Đồng thời, qua nắm bắt, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện cũng nêu rõ, cử tri và Nhân dân lo lắng việc tình hình giá cả một số mặt hàng đều biến động tăng, giá nguyên vật liệu biến động mạnh và duy trì ở mức cao; công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể; tình trạng hút thuốc lá điện tử diễn ra trong các cấp học sinh; cơ sở hạ tầng số ở một số địa bàn miền núi còn hạn chế gây khó khăn cho người dân thực hiện định danh điện tử và việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính của chính quyền cơ sở; hiện tượng lắp đặt thiết bị ghi hình giấu kín để quay lén có mục đích xấu; tình hình cháy nổ gây hậu quả lớn vẫn liên tiếp xảy ra thời gian gần đây... Ngoài ra, theo Trưởng Ban Dân nguyện, tình trạng người bệnh tham gia bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh vẫn không đủ một số thuốc, hóa chất xét nghiệm thuộc danh mục thuốc do bảo hiểm y tế chi trả làm ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh tham gia bảo hiểm y tế cũng là một lo lắng của cử tri và Nhân dân.
Quan tâm đến tình trạng người bệnh tham gia bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh vẫn không đủ một số thuốc được Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội đưa ra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm lưu ý, trả lời trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, Bộ trưởng Bộ Y tế đã khẳng định đến giờ không thiếu thuốc, cũng như các cơ chế, chính sách, quy định hiện hành bảo đảm cho các bệnh viện thực hiện. "Nhưng có vẻ, các bệnh viện sau quá trình thực hiện vẫn chưa giải quyết được vướng mắc, hạn chế này, ảnh hưởng đến người dân, nhất là người bệnh".
Đặc biệt lưu ý việc “các hộ cận nghèo đi khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế mà không có thuốc phải mua thuốc ngoài sẽ ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống của người dân rất lớn”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ phải quan tâm và có những biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng nêu trên, cần làm rõ do trách nhiệm của ngành y tế hay do nguyên nhân khách quan.
Cũng liên quan đến lĩnh vực y tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua tiếp xúc cử tri vừa qua đã nhận được nhiều ý kiến của cử tri rất lo lắng về việc phát sinh dịch bệnh mới là dịch bệnh bạch hầu, lây lan qua đường hô hấp. Ghi nhận ngành y tế đã kịp thời triển khai các biện pháp để khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh ở một số địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bên cạnh việc bảo đảm thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh, trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền và thực hiện công tác dịch tễ để kịp thời khống chế, tránh lây lan ngay khi dịch bệnh mới phát sinh. “Nhìn chung, khi có dấu hiệu của những bệnh nguy hiểm lây lan thì công tác phòng, chống bệnh, đặc biệt công tác dịch tễ rất cần quan tâm thực hiện ngay”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tỷ lệ đơn không đủ điều kiện xử lý lớn - cần nắm rõ bản chất
Về tình hình khiếu nại, tố cáo, tại Báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội nêu rõ, trong tháng 5 và tháng 6.2024, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 4.2023.
Để làm rõ hơn về số liệu này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Ban Dân nguyện cần phân tích nguyên nhân nào khiến tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có xu hướng tăng trong thời gian qua. Cùng với việc đưa ra thông tin thì sau đó phải xử lý dữ liệu để nêu rõ lĩnh vực nào tăng, lý do tăng và nguyên nhân để có giải pháp khắc phục hữu hiệu. Qua đó, cũng sẽ giúp các cấp, các ngành quan tâm triển khai các biện pháp liên quan trong quá lãnh đạo, chỉ đạo của mình.
Về việc tiếp nhận và xử lý đơn thư của Quốc hội, Báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội nêu rõ, trong tổng số 5.558 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thì có 919 đơn đủ điều kiện xử lý, 4.639 đơn không đủ điều kiện xử lý đã thực hiện lưu đơn theo quy định.
Dẫn ra các số liệu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, số lượng đơn không đủ điều kiện xử lý là rất lớn, chiếm tỷ lệ 80% tổng số đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, có thể do người dân không nắm rõ quy trình, thủ tục để gửi đơn, thư phản ánh, dẫn đến đơn không đủ điều kiện xử lý. Ban Dân nguyện, các cơ quan của Quốc hội cần nghiên cứu và có giải pháp để nắm rõ bản chất của việc số lượng đơn không đủ điều kiện xử lý chiếm tỷ lệ lớn này, qua đó có thể hiểu thực tế cuộc sống được người dân phản ánh.
“Công tác dân nguyện đã đi vào nền nếp nhưng mong muốn của chúng ta là công tác này ngày càng đi vào thực chất hơn, “khai căn” được nhiều vấn đề mà cử tri gửi đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội một cách sát thực tiễn hơn".
Nhấn mạnh như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị các cơ quan phân tích, đánh giá về các văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền, làm rõ tỷ lệ số văn bản trả lời được cử tri, người dân đồng tình là bao nhiêu, có hay không tình trạng người dân khiếu nại, tố cáo lại đối với văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền... để thấy chất lượng công tác trả lời đơn, thư của các cơ quan có thẩm quyền, qua đó sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, phân tích đơn của cử tri gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH.
Bên cạnh báo cáo tình hình chung, tại Báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội cũng đã chỉ rõ, tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng chủ yếu thuộc các lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng và lao động. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện và các cơ quan cần "phân tích, làm rõ việc tăng khiếu nại, tố cáo, phản ánh của cử tri trong các lĩnh vực nêu trên có nguyên nhân ở đâu, do chính quyền cơ sở, địa phương hay do vướng mắc của pháp luật; do giải quyết không thấu đáo hay do nhận thức của người dân khiến dù đã giải quyết nhiều lần, hết thẩm quyền rồi nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo thì phải phân tích rõ".
Cùng với đó, cần phân tích làm rõ và công khai nguyên nhân của những đơn thư không đủ điều kiện xử lý, trong đó có nêu rõ nội dung khiếu nại, tố cáo nào trước đó đã được giải quyết hết thẩm quyền, thông qua đó cũng sẽ tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật của người dân đối với lĩnh vực khiếu nại, tố cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng tán thành cần đánh giá chất lượng việc tiếp nhận, chuyển đơn, giải quyết và trả lời đơn của các cơ quan chức năng, trong đó làm rõ tình trạng chuyển đơn lòng vòng, đơn thư hết thẩm quyền giải quyết vẫn cứ chuyển đến các cơ quan có còn không?