Tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với nông dân

Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, một trong những vấn đề quan trọng được Quốc hội đưa ra thảo luận ngay trong những ngày đầu làm việc là chủ trương tiếp tục ban hành chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân.

Hầu hết các đại biểu đều tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về dự thảo thực hiện Nghị quyết về tiếp tục ban hành chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025, khẳng định đây là chủ trương rất cần thiết. Qua đó, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng và tính nhân văn của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp, góp phần làm giảm bớt khó khăn cho nông dân. Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp có tác động tích cực thúc đẩy cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường cạnh tranh sản phẩm của nông nghiệp nước ta với sản phẩm nông nghiệp ở các nước trong khu vực. Trong bối cảnh đại dịch Covid -19 chưa chấm dứt và hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai, biến đổi khí hậu bất thường gây bất lợi cho nông dân, thì những chủ trương hướng về người dân, đồng hành với người dân là rất quan trọng và đầy ý nghĩa.

Cùng với gói hỗ trợ người dân trị giá 62 nghìn tỷ đồng đang được Chính phủ, các địa phương đang triển khai trong cả nước, việc tiếp tục miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ góp phần hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, xóa đói, giảm nghèo theo hướng bền vững. Trong thực tế, việc miễn giảm thuế đã được thực hiện từ lâu, trong đó, giai đoạn từ năm 2011 đến 2016 bình quân chính sách giảm thuế có giá trị khoảng 6.300 tỷ đồng/năm và giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 khoảng 9.700 tỷ đồng/năm. Đây là một sự hỗ trợ không nhỏ và rất cần thiết đối với nông dân và nền sản xuất nông nghiệp.

Trong thực tế, có những chính sách hướng về người dân, bảo đảm an sinh xã hội có nội dung rất thiết thực, phù hợp nhưng khi triển khai trong cuộc sống thì gặp không ít khó khăn, hạn chế và vướng mắc. Chính vì vậy, để chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả, các địa phương, cơ quan chức năng cần xem xét kỹ lưỡng, công khai, minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ trong việc quản lý thực hiện giảm thuế đúng đối tượng, qua đó nâng cao kết quả, hiệu quả quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, không để lợi dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc tham nhũng, lãng phí. Việc miễn, giảm thuế sẽ tác động trực tiếp đến giảm thu ngân sách của đất nước, do đó, việc giảm, miễn phải thực hiện nghiêm túc, có giám sát, có kiểm tra để bảo đảm chính xác, đồng thời tiếp tục tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, phát sinh.

Chính phủ cần tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với đất đang sản xuất nông nghiệp của tổ chức, của hộ gia đình, của cá nhân, kể cả trường hợp đất đã được thừa kế, trao tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất mà thành viên đã nhận giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp và góp phần thành lập hợp tác xã. Có đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: Đối với diện tích nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức quản lý không trực tiếp sử dụng mà lại giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp thuế 100% quyền sử dụng đất.

Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cần phù hợp bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là Việt Nam đã tham gia Hiệp định CPTPP và tiếp tục tham gia EVFTA và EVIPA. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu để đề ra những chính sách áp dụng, vận dụng phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, một trong những nội dung cần quan tâm hiện nay trong sản xuất nông nghiệp là việc còn ít doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này bởi trong quá trình sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro. Vì vậy, để tháo gỡ bớt thách thức, giảm rủi ro cho các doanh nghiệp, nông dân đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và nông dân bám ruộng vườn để sản xuất, kinh doanh, trong thời gian tới Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm có nhiều chủ trương, chính sách cởi mở và thiết thực hơn nữa để đầu tư cho nông nghiệp…

KHÁNH ĐAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44825602-tiep-tuc-ho-tro-dong-hanh-voi-nong-dan.html