Tiếp tục làm rạng rỡ danh xưng Ninh Bình

Năm 2022, tỉnh Ninh Bình kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình (1822- 2022) và 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992- 1/4/2022). Để hiểu rõ hơn nguồn gốc, ý nghĩa của danh xưng Ninh Bình, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với nhà sử học Trương Đình Tưởng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Ninh Bình. Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện.

Nhà sử học Trương Đình Tưởng dẫn chứng với phóng viên Báo Ninh Bình về các căn cứ lịch sử xuất hiện danh xưng Ninh Bình. Ảnh: Anh Tuấn

Nhà sử học Trương Đình Tưởng dẫn chứng với phóng viên Báo Ninh Bình về các căn cứ lịch sử xuất hiện danh xưng Ninh Bình. Ảnh: Anh Tuấn

PV: Thưa ông, dựa vào đâu để chúng ta xác định danh xưng Ninh Bình đã xuất hiện cách đây 200 năm?

Nhà sử học Trương Đình Tưởng: Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, tỉnh Ninh Bình có vị thế đặc biệt quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Truyền thống, bề dày lịch sử của Ninh Bình đã được khẳng định và ghi chép đầy đủ, thống nhất, toàn diện và sáng tỏ trong các bộ chính sử, trong các công trình nghiên cứu khoa học.

Cụ thể, trong cuốn "Ninh Bình toàn tỉnh địa chỉ khảo biên" của danh nho Nguyễn Tử Mẫn viết năm 1862 về Ninh Bình, có đề cập như sau: "Đến năm đầu đời Gia Long (1802) của quốc triều, vẫn là ngoại trấn... Đến năm thứ 5 (1806) đổi là đạo Thanh Bình, đặt các chức quan, tham hiệp, mỗi chức một người. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi là đạo Ninh Bình. Năm thứ 10 (1829) thăng lên là trấn, đặt các chức trấn thủ, hiệp trấn và tham hiệp, có việc được đưa thẳng lên trên. Năm thứ 12 (1831) chia hạt và đổi trấn làm tỉnh…" (Nguyễn Tử Mẫn, Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên, NXB CTQG, HN 2001, tr.67).

Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: "Bản triều (triều Nguyễn)... năm thứ 5 (1806), đổi Thanh Hoa ngoại trấn làm đạo Thanh Bình, đặt một quản đạo và một tham hiệp, vẫn lệ thuộc trấn Thanh Hoa. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đổi tên phủ Trường Yên làm phủ Yên Khánh; năm thứ 3 (1822) đổi tên đạo Thanh Bình làm đạo Ninh Bình. Năm thứ 10 (1829) đổi làm trấn Ninh Bình... Năm thứ 12 (1831) đổi trấn làm tỉnh Ninh Bình..." (Đại Nam nhất thống chí, T3, NXB KHXH, HN, 1971, tr.225).

Và theo Bộ Lịch sử địa lý đồ sộ "Đồng Khánh dư địa chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, trong phần chú về tỉnh Ninh Bình chép như sau: "Năm Gia Long thứ 5 (1806), đổi Thanh Hoa Ngoại trấn làm đạo Thanh Bình. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi làm đạo Ninh Bình. Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) lại đổi làm trấn, lập thêm một huyện Kim Sơn (cộng 7 huyện). Năm thứ 12 (1831) đổi làm tỉnh Ninh Bình" (Đồng Khánh dư địa chí, NXB Thế giới, HN 2002, tr.1013).

Ngoài ra, ở một số tài liệu trong cuốn "Danh nhân đất Ninh Bình", "Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình" của các nhà nghiên cứu lịch sử tỉnh Ninh Bình cũng đều khẳng định từ thời nhà Nguyễn, năm 1822 đã có danh xưng Ninh Bình.

Từ những dẫn chiếu ngắn gọn trong các bộ chính sử, các công trình nghiên cứu khoa học của các nhà sử học đều đã ghi chép một cách thống nhất: Năm 1822 có danh xưng Ninh Bình gọi là đạo Ninh Bình và đến năm 1831, tỉnh Ninh Bình được thành lập. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn để khẳng định: Danh xưng Ninh Bình xuất hiện đầu tiên trong sử sách vào năm 1822, cách nay tròn 200 năm.

PV: Vâng, thưa ông, vậy sự ra đời danh xưng Ninh Bình thời điểm đó có ý nghĩa như thế nào?

Nhà sử học Trương Đình Tưởng: Việc phân chia các đơn vị hành chính và tên gọi là một việc rất quan trọng của bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào. Lịch sử phát triển của nước ta từ thời dựng nước đến nay, việc phân chia các đơn vị hành chính, thay đổi danh xưng mỗi giai đoạn đều xuất phát từ nhu cầu quản lý, bảo vệ và xây dựng chính thể Nhà nước đó.

Năm 1822, đạo Thanh Bình được đổi tên là đạo Ninh Bình. Điều này mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Sở dĩ việc đổi tên này bắt nguồn từ vị trí địa lý, lịch sử và vị thế của vùng đất tỉnh ta. Về vị trí địa lý: Ninh Bình nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc.

Địa thế này trong binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo gọi là thế "ỷ dốc"- tức là dựa vào độ cao để giành thế chiến lược. Ninh Bình có dải núi Tam Điệp vô cùng hiểm trở. Hoàng Lê Nhất thống chí có viết đại lược rằng: "Tranh được núi thì vững, giữ chỗ hiểm thì chắc". Giữa Thanh Hoa nội và Thanh Hoa ngoại (tức là giữa Thanh Hóa và Ninh Bình) có dải Tam Điệp ngăn cách, ấy là chỗ trời đất tạo dựng, rất là hiểm trở. Ai chiếm được sẽ giành phần thắng. Và chúng ta có thể thấy, trong tiến trình dựng nước và giữ nước, đất Ninh Bình luôn là điểm tựa của các thời đại: Tiến quân ra Bắc, thần tốc vào Nam.

Về truyền thống lịch sử: Ninh Bình từng là kinh đô nước Đại Cồ Việt của vương triều Đinh - Tiền Lê và khai sinh nhà Lý từ cuối thế kỷ thứ X đến đầu thế kỷ thứ XI, và là vùng đất thời nào cũng sinh ra những anh hùng, hào kiệt. Về mặt ngôn ngữ học, chúng ta có thể phân tích những thành tố hợp thành danh xưng Ninh Bình: "Ninh" nghĩa chữ Hán là "yên ổn"; "Bình" tức là thanh bình - vùng đất yên ổn, thanh bình, không có những cuộc khởi nghĩa nông dân như các vùng đất khác trong thời kỳ đó.

Và đến nay, vùng đất này vẫn là vùng đất yên ổn, thanh bình, đáng sống! Cũng cần phải nói thêm rằng, dưới thời Minh Mạng, trong nước liên tục xảy ra các cuộc nổi dậy của nông dân chống lại triều đình. Nhà vua phải ra rất nhiều đối sách dẹp loạn. Danh xưng Ninh Bình xuất hiện vào năm 1822 đã thể hiện kỳ vọng của vua Minh Mạng, đó là mong muốn vùng đất này lúc nào cũng bình yên và phát triển vững chãi.

Danh xưng Ninh Bình ra đời đã đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của nhân dân ta lúc đó, bởi trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta phải mang nhiều danh xưng khác nhau, phụ thuộc vào nhiều vùng đất các tỉnh láng giềng, thì đến năm 1822, danh xưng Ninh Bình xuất hiện với tư cách là một đạo đã mở ra cơ hội cho vùng đất này tự lực, sánh ngang với các vùng đất khác trong nước tiến lên, trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương - tỉnh Ninh Bình vào 9 năm sau đó (năm 1831).

Như vậy, có thể thấy, danh xưng Ninh Bình xuất hiện không chỉ mang ý nghĩa là một đơn vị hành chính độc lập (tương đối, khi chưa thành lập tỉnh), mà còn là kỳ vọng của vua Minh Mạng cũng như khát vọng, là cơ hội để người Ninh Bình tự lực, tự cường, vươn lên xây dựng quê hương của mình trở thành một đơn vị hành chính độc lập, trực thuộc trung ương sau đó. Vì lẽ đó, năm 1822 trở thành một bước ngoặt, một mốc son tươi sáng trong tiến trình xây dựng và phát triển của đất và người Ninh Bình.

PV: Thưa ông, được biết Hội Khoa học lịch sử tỉnh đã đề xuất với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, UBND tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Ninh Bình trong tiến trình lịch sử dân tộc và sự nghiệp đổi mới", ông có kỳ vọng gì vào hội thảo này?

Nhà sử học Trương Đình Tưởng: Có thể nói, tỉnh Ninh Bình rất quan tâm, coi trọng công tác nghiên cứu và giáo dục lịch sử, qua đó nhằm khẳng định bề dày truyền thống của một vùng đất ken dày vết chân lịch sử. Trong rất nhiều năm nay, chúng ta liên tục tổ chức các hội thảo cấp quốc gia như: "Nhà Đinh với sự nghiệp thống nhất và phát triển đất nước"; hội thảo về nhà Đinh, về Đinh Tiên Hoàng; hội thảo "Văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững"…

Qua các hội thảo đã dần dần khẳng định vị thế địa - chính trị của tỉnh Ninh Bình trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Điều đó cũng cho thấy, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Ninh Bình thời nào cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của đất và người Ninh Bình. Hội thảo lần này sẽ quy tụ nhiều nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử đầu ngành tham dự.

Với những tư liệu lịch sử và bằng những tư duy sắc bén, khoa học của các nhà nghiên cứu danh tiếng, chúng ta kỳ vọng sẽ có những đánh giá khách quan hơn, toàn diện hơn về vùng đất và con người Ninh Bình từ thời các Vua Hùng đến thời kỳ đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng hiện nay. Đây cũng là dịp để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc hơn và làm rõ những giá trị của vùng đất, con người Ninh Bình trong tiến trình phát triển của dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển Ninh Bình với tốc độ nhanh và bền vững trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

PV: Theo ông, làm thế nào để danh xưng Ninh Bình trở thành thương hiệu lan tỏa, khơi dậy khát vọng và ý chí phát triển?

Nhà sử học Trương Đình Tưởng: Có một điều khẳng định rằng, dù ở thời kỳ nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người Ninh Bình đều vô cùng tự hào bởi đây là vùng đất "Chẳng thơm cũng thể hoa lài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Người Tràng An là người kinh kỳ, nơi đất đế vương phát tích và lừng danh lịch sử ngót nửa thế kỷ (968 - 1010).

Truyền thống lịch sử và văn hóa của người Ninh Bình đa dạng, phong phú và mang một sắc thái rất đặc sắc, không dễ trộn lẫn. Đó là sự giao thoa tinh hoa giữa nền văn minh sông Mã, nền văn minh sông Hồng và nền văn hóa Hòa Bình, chúng ta tiếp thu nhưng chính chúng ta cũng lan tỏa, hun đúc nên khí chất người Ninh Bình: cương trực, cần cù, sáng tạo và khát vọng đổi mới, vươn lên.

Chính vì sự không dễ trộn lẫn ấy mà nó cố kết lại để đến năm 1822 trở thành một đơn vị hành chính có danh xưng là Ninh Bình, rồi đến năm 1831, trở thành tỉnh độc lập như các tỉnh khác trong nước. Do vậy, để danh xưng Ninh Bình trở thành niềm vinh quang, tự hào, lan tỏa, cần có sự vào cuộc không chỉ của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị mà mỗi người dân của tỉnh, cần tiếp tục giữ gìn, phát huy và không ngừng bồi đắp những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đất và người Tràng An.

Bởi, văn hóa là một dòng chảy không ngừng, nó kết tinh thành các vỉa tầng trầm tích từ đời này qua đời khác, để lan tỏa, đắp bồi và thăng hoa thành những giá trị trường tồn.

Tự hào 200 năm danh xưng Ninh Bình, mỗi chúng ta khắc ghi, tôn vinh và có trách nhiệm giữ gìn, phát huy và làm tươi thắm thêm những giá trị vô giá đó của đất và người quê hương yên ổn, thanh bình trong giai đoạn cách mạng mới.

PV: Xin cảm ơn ông !

Đinh Ngọc (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tiep-tuc-lam-rang-ro-danh-xung-ninh-binh/d20220313145148411.htm