Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã
Ngày 29-10, Đại hội đại biểu lần thứ VI Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với 225 đại biểu đại diện cho hơn 1.700 hợp tác xã thành viên thuộc Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội.
Các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Đức tặng hoa chúc mừng Đại hội.
Dự đại hội có các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức.
Theo Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ qua, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế tập thể đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ V Liên minh Hợp tác xã thành phố đã đạt và vượt mục tiêu.
Cụ thể, số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp tục tăng. Ước tính đến hết năm 2020, toàn thành phố có 2.164 hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân. Từ năm 2018 đến nay, toàn thành phố thành lập mới 315 hợp tác xã, bình quân mỗi năm tăng 105 hợp tác xã, tăng 3 lần so với bình quân các tỉnh, thành phố trong cả nước (35 hợp tác xã/năm), so với chỉ tiêu Đại hội V đề ra đạt 210% (đạt 126% so với kế hoạch cả nhiệm kỳ); thành lập mới 6 liên hiệp hợp tác xã, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của thành phố và của Liên minh Hợp tác xã thành phố; thành lập mới 259 tổ hợp tác, bình quân mỗi năm tăng 87 tổ hợp tác.
Hà Nội là địa phương có số lượng hợp tác xã lớn nhất và là một trong những địa phương có số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới hằng năm nhiều nhất trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã thu hút khoảng 603.300 hộ gia đình, người lao động, doanh nghiệp tham gia thành viên. Kinh tế tập thể phát triển trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng; hình thức liên kết - hợp tác phong phú; các mô hình hợp tác xã hiệu quả, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0, sản xuất an toàn, bảo đảm chất lượng gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực đã hình thành. Hiện nay, toàn thành phố có 65% hợp tác xã sản xuất, kinh doanh có hiệu quả (tăng 6% so với đầu nhiệm kỳ)…
Nhiệm kỳ 2020-2025, Liên minh Hợp tác xã thành phố đề ra mục tiêu, phát triển mới 4.000 hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức kinh tế khác tham gia thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thu hút từ 65% đến 70% số hộ gia đình ở nông thôn tham gia hợp tác xã; phát triển mới 250 tổ hợp tác, 300 hợp tác xã và 10 liên hiệp hợp tác xã; tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đạt 75%; hợp tác xã phi nông nghiệp hoạt động có hiệu quả 85%; củng cố hợp tác xã, đáp ứng tiêu chí về tổ chức sản xuất tại 100% số xã xây dựng “Nông thôn mới”, “Nông thôn mới nâng cao” và “Nông thôn mới kiểu mẫu”; 100% số cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác nghiệp vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được đào tạo, bồi dưỡng...
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định: Kinh tế tập thể, hợp tác xã của thành phố Hà Nội là điểm sáng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của cả nước. Tuy nhiên, kinh tế tập thể, hợp tác xã của Hà Nội cần phát huy lợi thế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất; quản lý, xây dựng các mô hình kinh tế, hợp tác xã theo chuỗi để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn…
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến biểu dương và đánh giá cao những kết quả nhiệm kỳ qua của Liên minh Hợp tác xã thành phố. Đồng chí chỉ rõ, cùng với thành tựu to lớn, toàn diện thành phố đã đạt được trong những năm qua, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có đóng góp và chuyển biến tích cực.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thành phố đã từng bước đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động, thích ứng ngày càng tốt hơn trong cơ chế thị trường; cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài; hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống của thành viên và người dân; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô cũng như kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phạm vi cả nước…
Trong quá trình phát triển, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục được củng cố, tổ chức và hoạt động theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gắn việc triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã và các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương khóa IX của Đảng về “Tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” cùng sự chỉ đạo của thành phố, hợp tác xã đã phát huy vai trò tự chủ… Thành tựu chung của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có sự đóng góp quan trọng của Liên minh Hợp tác xã thành phố trong công tác tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương để thực hiện, ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố…
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chỉ rõ tồn tại cần khắc phục như: Một số hợp tác xã còn hạn chế về nội lực kinh tế; mô hình và phương thức hoạt động chậm đổi mới, hiệu quả thấp; việc phối hợp với các quận, huyện, thị xã trong tháo gỡ khó khăn của các đơn vị thành viên chưa thường xuyên; một số cán bộ Liên minh Hợp tác xã thành phố còn hạn chế trong tư vấn, hướng dẫn khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã…
Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Liên minh Hợp tác xã thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, đặc biệt là các hợp tác xã tập trung phối hợp triển khai một số nhiệm vụ.
Thứ nhất, đối với Liên minh Hợp tác xã thành phố, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã; hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tránh tình trạng “bình mới - rượu cũ”; đẩy mạnh phát triển thành viên Liên minh Hợp tác xã thành phố, giữ mối liên hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết với các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã; tập trung nâng cao hiệu quả, chức năng; tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể…
Thứ hai, Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban Cán sự đảng UBND thành phố, cấp ủy các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị các cấp và người dân về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; xây dựng môi trường pháp lý, hành chính thuận lợi, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển…
Thứ ba, đối với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cần tiếp tục kiện toàn bộ máy, tiến hành đại hội, xây dựng nội quy, quy chế, thực hiện chế độ hạch toán, kế toán; phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thực hiện tốt các dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế tập thể; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, quản trị sản xuất, kinh doanh; chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất - kinh doanh an toàn, theo chuỗi; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và không ngừng mở rộng hoạt động...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chụp ảnh với Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại Đại hội, Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thông báo kết quả Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã thành phố lần thứ VI. Theo đó, Ban Chấp hành đã bầu 3 đồng chí Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội nhiệm kỳ mới.