Tiếp tục nghiên cứu vắc xin COVID-19 trong nước, chậm nhất năm 2022 đưa vào sử dụng
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế xem xét tiếp cận nguồn vắc xin khác nhau, đánh giá kỹ mức độ an toàn vắc xin, tiếp tục nghiên cứu phát triển vắc xin trong nước để sớm đưa vào sử dụng, chậm nhất vào năm 2022.
Kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và 63 tỉnh, thành phố vào ngày 17/3, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, những chủ trương mới mà thế giới chưa vận dụng chúng ta đã triển khai như cách ly tập trung, truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, phong tỏa khi cần thiết, phương châm 4 tại chỗ, xét nghiệm diện rộng khi cần thiết, đặc biệt là hệ thống chính trị vào cuộc với những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện.
Cùng với đó là những biện pháp mà chúng ta chưa từng làm trước kia trong chống dịch như thành lập sở chỉ huy tiền phương, tăng cường cán bộ y tế và quyết liệt chống dịch nhưng không đóng cửa…
Chúng ta đã chứng kiến sự vượt khó, nỗ lực của nhân dân, những tấm lòng hảo tâm, nhân ái trong xã hội. Tất cả những điều đó tạo nên sức mạnh tổng hợp của một đất nước, một dân tộc để chúng ta vượt qua thách thức, giành thắng lợi trên các mặt trận, cả kinh tế và y tế. Điều này cũng thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam, qua đó góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý nhà nước và khẳng định tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, hệ thống chính trị của nước ta, trong đó có vai trò của y tế công.
Thủ tướng nêu rõ, các ý kiến tại cuộc họp đều nhận định rằng cuộc chiến này chưa kết thúc và chúng ta đang còn rất nhiều việc phải làm. Không được chủ quan trước dịch bệnh khi xuất hiện nhiều biến thể mới mà nhiều nước hiện nay, kể cả nước châu Á và các nước ASEAN đang gặp phải.
Nêu một số bài học để vận dụng không chỉ trong công tác chỉ đạo chống dịch mà còn liên quan các nhiệm vụ khác, Thủ tướng cho rằng, thứ nhất là sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của hệ thống chính trị, trong đó nổi bật là sự mẫn cán, trách nhiệm, tận tụy quên mình để hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ ngành y tế, các lực lượng vũ trang. Nhất là sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của các cấp chính quyền địa phương, nhất là các đồng chí ở xã, thôn, bản, ấp, những cán bộ, chiến sĩ biên phòng, công an cơ sở, khu phố rất vất vả trong quản lý cách ly.
Thứ hai, quan điểm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan trọng hàng đầu đã tạo tiền đề cho mọi nỗ lực, đồng thuận và huy động nguồn lực xã hội.
Thứ ba là xây dựng, vun đắp một tinh thần tự cường, tự chủ, nỗ lực vượt khó, đoàn kết một lòng trong phát triển ở tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể trong xã hội; phát huy mạnh mẽ vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ tư, chúng ta là một đất nước dân chủ, việc công khai, minh bạch trong phòng, chống dịch bệnh, vai trò của công tác truyền thông trong cung cấp thông tin và tạo đồng thuận xã hội để người dân biết, kiểm tra, trao đổi, giám sát rất quan trọng.
Thứ năm là chú trọng vai trò hợp tác quốc tế, chủ động đưa ra các sáng kiến, tham gia có trách nhiệm vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu, sẽ nâng uy tín và vị thế của Việt Nam.
Đối với Bộ Y tế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện tốt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, hướng tới thực hiện tiêm chủng toàn dân, xem xét tiếp cận nguồn vắc xin khác nhau, đánh giá kỹ mức độ an toàn vắc xin, tiếp tục nghiên cứu phát triển vắc xin trong nước để sớm đưa vào sử dụng, chậm nhất vào năm 2022.
Quy mô tiêm chủng vắc xin COVID-19 rất lớn nên một số ý kiến nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm tiêm an toàn.
Đề cập vấn đề phản ứng sau tiêm vắc xin AstraZeneca đang rất được người dân quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế tiến hành tiêm vắc xin COVID-19 phải vừa tiêm, vừa theo dõi đánh giá một cách cẩn trọng và an toàn.
Trên báo cáo, có 16 trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm vắc xin, tuy nhiên, Hội đồng Tiêm chủng đã đánh giá lại và xác định chỉ có 5 trường hợp phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3.
Trường hợp độ 3 này là do công tác cấp cứu không thực hiện theo phác đồ của Bộ Y tế. Chúng tôi đã cử các chuyên gia tới chấn chỉnh cơ sở tiêm này để thực hiện tốt trong thời gian tới.
Cũng theo người đứng đầu ngành y tế, trước thông tin về các trường hợp trên thế giới bị đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca, Bộ Y tế đã liên tục đánh giá, theo dõi đến thời điểm này, tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm.
Bộ Y tế vẫn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tiếp tục tập huấn cho các cán bộ y tế, đồng thời tổ chức các điểm tiêm, cơ sở tiêm phù hợp, an toàn. Tới đây, các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin COVID-19.
Tính đến sáng 18/3, thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) quốc gia cho hay, có thêm 3.359 người được tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong ngày 17/3.
Như vậy, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 24.054 người.
Đây là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.