Tiếp tục nghiên cứu xây dựng dự án Luật Dân tộc

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, việc tiếp tục nghiên cứu xây dựng dự án Luật Dân tộc là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, khẳng định vị thế chính trị của nhà nước đối với vấn đề dân tộc trong quá trình hội nhập với quốc tế.

Chiều 23/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng Dân tộc trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, năm 2021 là năm giao thời giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và Quốc hội khóa XV, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng đoàn Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, tập thể Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tập trung triển khai hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, bảo đảm tiến độ và nâng cao hiệu quả chất lượng công tác, nhiệm vụ được giao; đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra.

Về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện chính sách dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, Hội đồng Dân tộc tổ chức các hoạt động nghiên cứu làm cơ sở nhằm xây dựng dự án Luật điều chỉnh về dân tộc; Xây dựng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội “Nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013”; Nghiên cứu, phối hợp xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về danh mục thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm báo cáo việc thực hiện một số nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc.

Trong đó, việc tiếp tục nghiên cứu làm cơ sở xây dựng dự án Luật Dân tộc trong giai đoạn hiện nay là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, khẳng định vị thế chính trị của nhà nước ta đối với vấn đề dân tộc trong quá trình hội nhập với quốc tế khi mà nhiều quốc gia có luật riêng liên quan đến dân tộc, vùng dân tộc.

Định hướng nghiên cứu xây dựng dự thảo luật lần này tập trung vào những vấn đề có tính nguyên tắc thể hiện cả vấn đề trong quan hệ dân tộc, vấn đề phát triển trên các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường để bảo đảm tính toàn diện, cụ thể hóa nguyên tắc bao trùm cao nhất theo Điều 5 Hiến pháp 2013 và các định hướng lớn trong các Nghị quyết của Đảng, nhất là văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Lý giải về một số nội dung nghiên cứu, tham gia xây dựng Đề án tiêu chí phân định và phân định miền núi, vùng cao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, do tiêu chí phân định đơn giản (chỉ dựa trên tiêu chí độ cao tự nhiên, không phân biệt tính chất đặc thù các vùng), việc tổ chức phân định chưa thực sự khoa học (chủ yếu dựa trên đề xuất của các địa phương) nên kết quả phân định hiện nay có nhiều bất cập, không sát thực tế dẫn đến việc áp dụng pháp luật chính sách có nhiều điểm chưa hợp lý, làm giảm hiệu quả chính sách dân tộc nói riêng và công tác quản lý nhà nước nói chung. Trước yêu cầu của thực tiễn cũng như đòi hỏi của sự phát triển cần có sự điều chỉnh phù hợp.

Về cách thức tiếp cận, cần xây dựng tiêu chí phân định miền múi phù hợp bảo đảm các yếu tố đặc thù tự nhiên và bảo đảm tính thống nhất với tiêu chí của Bộ Tài nguyên và môi trường. Việc tổ chức phân định sử dụng công cụ công nghệ GPS và kỹ thuật bản đồ để xác định, bảo đảm tính chính xác cũng như hình thành cơ sở dữ liệu về miền núi phân chia theo đơn vị hành chính (tỉnh, huyện, xã, thôn bản). Đánh giá, phân tích về đề xuất việc áp dựng pháp luật, chính sách có liên quan dựa trên kết quả phân định trên.

Toàn cảnh cuộc làm việc.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho biết, cùng với tiến trình đổi mới của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc khóa XIV đã từng bước xây dựng và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức thông qua Quy chế và các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của Hội đồng Dân tộc còn tồn tại nhất định, cơ chế phối hợp tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chưa rõ ràng…. Vì vậy, Đề án đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng Dân tộc, bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp 2013, so sánh đối chiếu, với các điều khoản của luật pháp, chính sách và các Đề án đổi mới của Quốc hội để làm cơ sở xây dựng Đề án. Kết quả đề án nhằm đề ra các giải pháp nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được phân công nhịp nhàng, thông suốt, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Thường trực Hội đồng Dân tộc, khó khăn trong hoạt động của Vụ chuyên môn tham mưu giúp việc về biên chế, cơ sở vật chất;…

Cho ý kiến tại cuộc làm việc, các thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tập trung phân tích, làm rõ một số nội dung trọng tâm liên quan đến 4 nhiệm vụ Đảng đoàn Quốc hội giao Hội đồng Dân tộc thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trong đó, các ý kiến đều nhấn mạnh về sự cần thiết xây dựng Luật Dân tộc, nghiên cứu đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013; cũng như sự cần thiết phải xây dựng tiêu chí phân định miền núi, vùng cao;… Một số ý kiến nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung tiêu chí và thực hiện phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở thống nhất, đồng bộ để thực hiện chính sách, pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.

Từ việc phân tích những khó khăn trong thực tiễn hoạt động, nhiều ý kiến trong Thường trực Hội đồng Dân tộc kiến nghị Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội quan tâm chỉ đạo và sớm tháo gỡ một số vấn đề vướng mắc hiện nay trong triển khai nhiệm vụ như: chưa có quy định cụ thể về sự phối hợp (thường xuyên, có tính bắt buộc) giữa Hội đồng Dân tộc với các địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi….

N.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tiep-tuc-nghien-cuu-xay-dung-du-an-luat-dan-toc-post173810.html