Tiếp tục phát huy vai trò của báo chí cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Hưng Yên

96 năm qua, kể từ ngày Báo Thanh niên ra đời - tờ báo cách mạng đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập (21.6.1925), báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và công cuộc đổi mới của đất nước. Cùng với sự phát triển chung của báo chí cả nước, báo chí cách mạng của tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, trở thành cầu nối quan trọng, kết nối Đảng bộ, chính quyền với Nhân dân Hưng Yên, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Xuân Tiến chủ trì một hội nghị giao ban báo chí năm 2021 (Ảnh tư liệu)

Ngược dòng lịch sử, đầu năm 1943, để đẩy mạnh phong trào cách mạng theo tinh thần Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Đảng, những đồng chí tham gia hoạt động cách mạng tỉnh Hưng Yên đã quyết tâm ra tờ báo riêng của tỉnh để cùng với Báo Cứu quốc, truyền đơn… do Trung ương đưa về làm tài liệu tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của địch, động viên Nhân dân vững tin vào thành công của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Tháng 6.1943, Báo Bãi Sậy đã ra số đầu tiên với những “cây viết” kiêm biên tập như: Trần Thị Minh Châu (Ba Châu), Học Phi, Nguyễn Quyết (sau này là Đại tướng Nguyễn Quyết) và một số cộng tác viên khác. Tuy nhiên, sau đó không lâu, chiến sự ác liệt, báo phải chuyển sang hình thức bản tin Hưng Yên. Đến năm 1962, được phát triển thành Báo Tên Lửa, sau đổi thành Báo Hưng Yên.

Cùng với báo viết, ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, năm 1954, Đài Phát thanh tỉnh Hưng Yên đã ra đời và trực thuộc cơ quan tuyên truyền của Ủy ban hành chính tỉnh Hưng Yên. Khoảng 1958, Đài Phát thanh Hưng Yên trở thành một cơ quan chuyên trách. Lúc đầu, Đài phát thanh trên hệ thống dây truyền thanh tới các huyện, xã, thôn, xóm, sau đó phát trên sóng phát thanh. Năm 1968, hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương sáp nhập thành tỉnh Hải Hưng, lực lượng những người làm báo của Hưng Yên hợp nhất cùng Hải Dương chung vai gánh vác nhiệm vụ, trọng trách do Đảng bộ tỉnh Hải Hưng giao. Các cơ quan báo chí của tỉnh giai đoạn này luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, là tiếng nói của cấp ủy, chính quyền và là diễn đàn của Nhân dân trong tỉnh; tuyên truyền có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào cách mạng qua từng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội lúc bấy giờ.

Tháng 1.1997, tỉnh Hưng Yên tái lập, Báo Hưng Yên và Đài Phát thanh – Truyền hình Hưng Yên cũng được tái lập và đi vào hoạt động theo nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên giao. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Báo Bãi Sậy và ý chí của những người làm báo cách mạng đầu tiên của tỉnh, trong thời kỳ nào, các thế hệ người làm báo Hưng Yên cũng không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, chính trị của người làm báo, xứng đáng với vị trí tiên phong, xung kích trên mặt trật tư tưởng – văn hóa.

Đồng hành và góp phần vào những thành tựu to lớn, toàn diện của tỉnh, báo chí Hưng Yên đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Đội ngũ những người làm báo tăng nhanh về số lượng, trình độ nghiệp vụ làm báo được nâng cao, từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại. Năm 1997, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có hơn 10 hội viên Hội Nhà báo sinh hoạt ở 2 chi hội, đến nay đã phát triển lên gần 200 người công tác trên lĩnh vực báo chí, 3 cơ quan báo chí (Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Tạp chí Phố Hiến); hàng trăm ấn phẩm mang tính báo chí; 2 tập san được cấp phép; một số cơ quan thường trú của cơ quan báo chí Trung ương tại Hưng Yên… Hội Nhà báo tỉnh ngày càng trưởng thành, hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích và pháp luật về báo chí.

Diện mạo, số lượng, chất lượng các ấn phẩm báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình của tỉnh ngày càng được cải thiện và có tính chuyên nghiệp cao. Lượng thông tin đăng tải ngày càng phong phú, đa dạng và hấp dẫn với người đọc. Nội dung các tác phẩm báo chí bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; sự điều hành của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng như các hoạt động công tác, kịp thời phản ánh thực tiễn sinh động của xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong xã hội và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Đội ngũ phóng viên cũng là một trong những lực lượng đi đầu trong công tác đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; phản bác các luận điệu sai trái, vu khống, xuyên tạc; góp phần làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, môi trường xã hội lành mạnh hơn. Đặc biệt, sự chủ động, sáng tạo, kịp thời trong công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã góp phần vào việc tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua. Các cơ quan báo chí đã tích cực, thường xuyên, liên tục, bám sát tiến độ, yêu cầu, mục đích, nhiệm vụ để xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thông tin, tuyên truyền với hình thức đa dạng, phong phú, bảo đảm kịp thời, chính xác. Qua công tác tuyên truyền làm cho Nhân dân nhận thức rõ mục đích, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện chính trị này; phát huy tinh thần trách nhiệm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng vào cơ quan Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới.

Trong quá trình phát triển và trưởng thành của các cơ quan báo chí, xuất hiện nhiều cán bộ, phóng viên có tư duy và cách viết sáng tạo, mạnh dạn tìm tòi, cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí hay, được dư luận xã hội quan tâm, đánh giá cao.

Bên cạnh những thành tựu mà cơ quan báo chí đã đạt được, hoạt động báo chí nói chung, báo chí của tỉnh nói riêng hiện đang phải đối mặt với một số thách thức như: Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át; báo chí có nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo. Bên cạnh đó, những hạn chế của báo chí hiện nay như: Thực hiện chức năng định hướng dư luận xã hội có thời điểm chưa kịp thời; hình thức đưa tin, bài chưa phong phú, đa dạng, chưa có nhiều tin bài mang tính phát hiện, đấu tranh; năng lực của một số nhà báo còn có mặt hạn chế; công tác phát triển và quản lý báo chí chưa có nhiều đổi mới, hiệu quả đạt được chưa cao...

Để vượt qua những thách thức này, các cơ quan báo chí, cán bộ, phóng viên, những người làm báo của tỉnh cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng, có giải pháp để giải quyết những thách thức trong công tác báo chí của thời đại công nghệ 4.0. Đội ngũ các nhà báo, các cơ quan báo chí và Hội Nhà báo tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8.4.2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đội ngũ những người làm báo cần thường xuyên tự trau dồi đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp; tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận, kỹ năng, nghiệp vụ báo chí để đáp ứng được yêu cầu kỹ năng làm báo trong thời đại 4.0, thực sự là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Hội Nhà báo tỉnh chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ và rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, thực hiện nghiêm 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo cách mạng Việt Nam. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo, hội viên chân chính trong tác nghiệp; tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí theo phương châm chủ động, nhạy bén, kịp thời và thuyết phục.

Các cơ quan báo chí thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, cập nhật các công nghệ, kỹ thuật mới vào tổ chức hoạt động truyền thông. Nội dung tuyên truyền cần bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tập trung phản ánh kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương, đơn vị trong tỉnh; kịp thời phản ánh khí thế thi đua lao động, sản xuất, học tập và công tác của các tầng lớp Nhân dân. Chú trọng tuyên truyền các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, nhất là tập trung tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm, các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1831-2021), 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (7.1941-7.2021) và 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên (1.1.1997-1.1.2022); việc triển khai quán triệt, học tập và thực hiện chuyên đề năm 2021 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát hiện cổ vũ, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, các phong trào thi đua và trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí trong tỉnh cần chủ động đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, nhất là nâng cao trách nhiệm, trở thành một trong những công cụ đắc lực trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội; đấu tranh phản bác các quan điểm, các thông tin sai trái, xuyên tạc tình hình của đất nước và của tỉnh; chủ động, tích cực trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về kỷ luật phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để kịp thời trao đổi, quan tâm giúp đỡ, phối hợp, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí và cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các cơ quan quản lý báo chí cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, phối hợp, hướng dẫn, kiểm duyệt đối với các cơ quan báo chí trong tỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí, vừa bảo đảm quản lý tốt, vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển. Thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà báo, người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có trách nhiệm xã hội và ý thức công dân.

Cùng với đó, cần có hình thức động viên, khích lệ cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí tích cực hưởng ứng các giải báo chí của Trung ương. Động viên và có hình thức khen thưởng kịp thời đối với những nhà báo có nhiều cống hiến, có những tác phẩm tốt cả về nội dung, tư tưởng và hình thức thể hiện, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng của tỉnh ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại.Ôn lại truyền thống của báo chí Hưng Yên trong sự nghiệp chung của báo chí cách mạng Việt Nam, tin tưởng rằng, đội ngũ nhà báo Hưng Yên hôm nay, bằng tình cảm, lương tâm, trách nhiệm với sự nghiệp báo chí cách mạng, nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội, sẽ tiếp nối được truyền thống của các thế hệ đi trước, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, vào sự phát triển kinh tế -xã hội, xây dựng tỉnh Hưng Yên ngày càng phát triển, phồn vinh và hạnh phúc.

Lê Xuân Tiến
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202106/tiep-tuc-phat-huy-vai-tro-cua-bao-chi-cach-mang-trong-su-nghiep-xay-dung-va-phat-trien-que-huong-hung-yen-3780455/