Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện các cam kết FTA

'Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo'.

Tại Phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” đã báo cáo kết quả giám sát.

Theo đó, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 03 FTA. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các Châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.

Tại Phiên họp thứ 49, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” (Ảnh: Quốc hội)

Tại Phiên họp thứ 49, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” (Ảnh: Quốc hội)

“Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo”, Báo cáo giám sát nêu rõ.

Cụ thể, từ năm 2004 đến nay, tốc độ tăng bình quân xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác thương mại FTA đều đạt mức 2 con số, trong đó, Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ là 4 đối tác có tốc độ tăng trị giá xuất nhập khẩu trung bình năm cao hơn 20%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA ngoài CPTPP (ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc - New Zealand, Chile và Liên minh kinh tế Á - Âu) năm 2019 đạt 123,11 tỷ USD. Tổng giá trị xuất nhập khẩu dịch vụ tăng 10,8%/năm trong giai đoạn 2005 - 2019. Trong đó, dịch vụ vận tải và du lịch là 2 ngành đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu dịch vụ, đồng thời chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất, nhập khẩu dịch vụ của cả nước.

Đến hết năm 2019, vốn đăng ký lũy kế các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực của nước ta là 362,58 tỷ USD, vốn thực hiện là 211,78 tỷ USD, bằng 58,4% vốn đăng ký…

Việc tham gia các FTA không chỉ tạo cơ hội để tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, mà còn tạo thêm nhiều việc làm, như việc tham gia CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 22.000 lao động.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng đánh giá, việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà còn kèm theo những rủi ro và thách thức. Vì vậy, Đoàn giám sát đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát công tác tổ chức thực hiện, kết quả, tác động của việc thực hiện các FTA, nhằm khai thác các lợi thế của FTA mang lại, cũng như hạn chế rủi ro, đảm bảo sự thành công, hiệu quả.

Đối với Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, Đoàn giám sát đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết FTA theo lộ trình đã cam kết, việc sửa đổi, bổ sung các VBQPPL hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp và người dân…

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tiep-tuc-ra-soat-hoan-thien-he-thong-phap-luat-de-thuc-hien-cac-cam-ket-fta-213724.html