Tiếp tục tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng

Tàu kiểm ngư đang tuần tra trên biển nhằm góp phần chống khai thác IUU. Ảnh: ANH NGỌC

Thời gian qua, Phú Yên đã triển khai quyết liệt công tác kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn…, từ năm 2019 đến nay, không có tàu cá của Phú Yên vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.

Nhận thức của ngư dân được nâng cao

Theo Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có hơn 4.105 tàu cá với khoảng 20.520 ngư dân tham gia khai thác thủy sản, trong đó có 660 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác thủy sản vùng khơi. Thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác chống khai thác IUU một cách toàn diện. Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua hệ thống VMS được các cơ quan chức năng thực hiện triệt để. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, không có tàu cá của Phú Yên vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Đây là những kết quả nổi bật trong nỗ lực chống khai thác IUU của tỉnh, góp phần cùng ngành Thủy sản cả nước, nỗ lực gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu. Tuy nhiên, công tác chống khai thác IUU ở Phú Yên vẫn đang gặp một số khó khăn, hạn chế, đòi hỏi sự vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp của các ngành liên quan và địa phương, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngư dân và các cơ quan chức năng.

Ngư dân Võ Văn Tiến, chủ tàu cá PY91036TS ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) - một trong những ngư dân chuyên câu cá ngừ đại dương ở vùng khơi - bày tỏ: Sau nhiều lần được phổ biến, hướng dẫn các biện pháp khắc phục cảnh báo thẻ vàng, hầu hết ngư dân đều nhận thức trách nhiệm trước yêu cầu phát triển kinh tế thủy sản của cả nước. Những năm gần đây, ngư dân ra khơi theo từng nhóm, tổ, đội với 5-7 tàu cá nhằm hỗ trợ lẫn nhau. Tìm thấy luồng cá thì cùng phối hợp đánh bắt, gặp sự cố kỹ thuật trong lúc khai thác thủy sản hoặc trong hải trình tránh bão thì hỗ trợ cho nhau và khi vươn khơi xa vẫn thường nhắc nhau không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Đối với ngư dân, nhờ thiết bị giám sát hành trình, ngư dân có thể thông tin liên lạc đến cơ quan chức năng ở đất liền cũng như hoạt động khai thác được thuận lợi hơn.

Đến nay, ở Phú Yên đã lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình cho 633 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi (đạt 95,9%), cập nhật 100% số liệu tàu cá đã được đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia Vnfishbase để thống nhất vận hành, phục vụ đối chiếu, kiểm tra, quản lý. Từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Thủy sản đã thông báo 121 lượt tàu cá mất kết nối giám sát hành trình trên biển. Các văn phòng đại diện tại các cảng cá đã kết hợp với lực lượng biên phòng làm việc, xử lý khi tàu về bờ. Qua làm việc, một số nguyên nhân thiết bị giám sát hành trình mất kết nối là do bị hỏng, bị sét đánh cháy, hết tiền thuê bao, bị sự cố hệ thống vệ tinh… nên yêu cầu chủ tàu và thuyền trưởng khắc phục.

Thu mua cá ngừ đại dương tại cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Thu mua cá ngừ đại dương tại cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Tiếp tục triển khai các giải pháp

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Sở này đang phối hợp với các địa phương ven biển khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, theo dõi, quản lý chặt chẽ, đảm bảo tàu cá duy trì hoạt động của thiết bị VMS khi tham gia khai thác thủy sản trên biển, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển thông qua hệ thống VMS, kịp thời cảnh báo, lưu hành trình các tàu cá gần ranh giới, vượt ranh giới vùng biển Việt Nam để làm việc, xử lý nếu phát hiện cố tình vi phạm. Các địa phương ven biển thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU; rà soát, làm việc với chủ tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chưa đánh dấu tàu cá, đánh dấu ngư cụ phải thực hiện hoàn thành theo quy định.

Xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, tỉnh tiếp tục kiện toàn, sắp xếp ổn định nghề cho ngư dân đảm bảo tính bền vững và khắc phục những tồn tại trong công tác chống khai thác IUU.

Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thời gian tới, Phú Yên tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát khai thác hải sản hướng đến nghề cá có trách nhiệm. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, giám sát thường xuyên, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở nhằm ngăn ngừa vi phạm. UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng và địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền (nhất là cấp xã) trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ mọi quy định của pháp luật, đảm bảo “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”. Tỉnh sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao về chống khai thác IUU.

Mới đây, đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác IUU ở Phú Yên. Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, Phú Yên là một trong những địa phương thực hiện khá tốt các quy định của Luật Thủy sản 2017, nhất là thực hiện nghiêm các quy định chống khai thác IUU. Nổi bật là từ năm 2019 đến nay, tỉnh không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/276061/tiep-tuc-thao-go-canh-bao-the-vang.html