Tiếp tục tháo gỡ 'rào cản' để doanh nghiệp bứt phá
Những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển vượt bậc. Không chỉ số lượng DN tăng nhanh, mà chất lượng hoạt động cũng chuyển biến rõ rệt.
Sản xuất chiếu cói xuất khẩu tại Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang (Nga Sơn).
Thanh Hóa hiện là địa phương duy trì ổn định tốc độ phát triển DN đứng thứ 7 cả nước, với số lượng DN đang hoạt động là 15.500 DN. Sự phát triển của các DN trong tỉnh đã gia tăng, bổ sung nhiều nguồn vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Từ những lĩnh vực kinh doanh truyền thống, ngày nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển đa dạng các ngành nghề, trong đó có những ngành nghề sản xuất, kinh doanh yêu cầu trình độ, công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao với quy mô hoạt động ngày càng được mở rộng.
Với việc xác định và đề cao vai trò của DN trong nền kinh tế, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể và quyết liệt, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Tỉnh cũng đã ban hành đề án phát triển DN với những lộ trình cụ thể, trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 20.000 DN hoạt động hiệu quả. Đồng thời, định hình rõ, ưu tiên phát triển các DN với những ngành, nghề đang thực sự cần thiết, như: Các DN thuộc các ngành, lĩnh vực sản xuất, chế biến; DN sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; các DN khoa học công nghệ và DN ở khu vực miền núi; các DN sản xuất sản phẩm mới; chú trọng phát triển, mở rộng quy mô, nâng công suất các DN truyền thống đang có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với việc ban hành đề án, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi nhất cho DN phát triển, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, kiến tạo môi trường hoạt động bình đẳng và thông thoáng để đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển DN. Thay vì tổ chức hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt DN mỗi năm một lần; từ tháng 4-2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì tổ chức hội nghị gặp gỡ DN vào ngày 21 hàng tháng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Theo thống kê của Hiệp hội DN tỉnh, hàng năm, có từ 70-80 kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN được hiệp hội tổng hợp đề xuất tháo gỡ. Hội nghị hàng tháng này có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khi các kiến nghị đã được tổng hợp, rà soát, kiểm tra quá trình giải quyết từ cơ sở. Từ đó, các sở, ngành, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và DN được trực tiếp đối thoại. Đây được coi là một minh chứng rõ rệt nhất, thể hiện sự công tâm, trách nhiệm và coi trọng vai trò của DN trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Là một DN nhỏ và vừa đang trong quá trình phát triển, mở rộng các dự án sản xuất, kinh doanh, Công ty TNHH lưới thép Minh Quang gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng dự án. Không ít lần, những vướng mắc đã được đơn vị kiến nghị và giải quyết tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại hàng tháng của Chủ tịch UBND tỉnh và được giải quyết kịp thời. Bà Lương Thị Lài, giám đốc công ty, chia sẻ: Trước đây, khi gặp vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh, DN phải trực tiếp đến từng sở, ngành, cấp chính quyền giải trình, đề xuất, rất lãng phí thời gian, công sức. Tại cuộc đối thoại này, với sự có mặt đầy đủ; đồng thời, các cấp trực tiếp thụ lý sự việc, vấn đề kiến nghị của DN được đối chất trực tiếp, giải quyết kịp thời và rút ngắn thời gian, mang lại hiệu quả thiết thực đối với DN.
Cùng với những buổi tiếp DN hàng tháng, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành, các cấp đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm huy động mọi nguồn lực phục vụ sự phát triển của DN. Để cụ thể hóa những định hướng, giải pháp trong việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh, các cấp, các sở, ngành đã tập trung rà soát, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; tăng cường áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, khắc phục tình trạng quan liêu, phiền hà, sách nhiễu của cán bộ, công chức. Tới đây, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; nhất là mạng lưới giao thông, hệ thống truyền tải điện, cấp nước, viễn thông, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp... nhằm tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và sự phát triển của DN.
Mặc dù vậy, trong công tác phát triển DN, nhiều khó khăn vẫn còn hiện hữu, khi chất lượng hoạt động của các DN chưa đồng đều. Dây chuyền sản xuất có công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp. Nhiều sản phẩm của DN trong tỉnh chưa có thương hiệu, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Tính liên kết, hợp tác kinh doanh quy mô lớn nhằm tham gia chuỗi giá trị của DN chưa nhiều, nhất là giữa DN nhỏ và vừa với các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh sản phẩm của DN chưa cao, nhất là các sản phẩm công nghiệp. Trong hoạt động xuất khẩu, sản phẩm thô, hàng gia công chiếm tỷ trọng lớn. Nhiều DN vẫn gặp khó trong quá trình thực hiện các bước tham gia thị trường, đầu tư dự án, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Hiệp hội DN tỉnh cho biết: Cộng đồng DN thực sự đánh giá cao sự đổi mới về tư duy, sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo cấp tỉnh trong những năm gần đây. Sự cải thiện mạnh mẽ trong môi trường đầu tư kinh doanh đã bước đầu tạo sự hứng khởi, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, nhiều dự án sản xuất, kinh doanh mới. Tuy nhiên, để các hoạt động hỗ trợ DN đạt hiệu quả cao, rõ nét và đi vào thực chất, rất cần có sự thay đổi tại các cấp thực thi nhiệm vụ. Không ít đơn vị thực thi trực tiếp còn thiếu sự linh hoạt, cứng nhắc, khiến kết quả, hiệu quả từ sự vào cuộc của chính quyền cấp tỉnh chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, kinh doanh vẫn còn tồn tại những “hạt sạn” cần giải quyết triệt để. Điển hình như việc thanh, kiểm tra còn nhiều và chồng chéo, chưa đúng với tinh thần hỗ trợ DN. Hiện tượng một số cán bộ ở các đơn vị cấp sở, ngành còn yếu về nghiệp vụ, đôi khi có biểu hiện quan liêu khiến DN vẫn chưa thực sự cảm nhận được sự đổi mới, cải cách trong thủ tục hành chính.
Đổi mới thể chế, chính sách, tạo động lực và niềm tin cho doanh nghiệp phát triển
Tỉnh Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để phát triển DN. Bên cạnh những lợi thế về tài nguyên, vùng nguyên liệu, Thanh Hóa còn có nguồn lao động với chất lượng khá, đang được đào tạo, bồi dưỡng, là nguồn lực tin cậy cho các DN phát triển.
Hiện nay, tinh thần chỉ đạo, đồng hành cùng DN đã được các cấp, các sở, ngành triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, DN đôi khi vẫn chưa được thụ hưởng do còn nhiều vướng mắc, chồng chéo trong các thể chế, chính sách. Hiện nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chỉ ra 21 nút thắt trong các thể chế làm cản trở hoạt động của doanh nghiệp; trong đó, tỉnh Thanh Hóa không nằm ngoài tình trạng trên. Điển hình những nút thắt còn vướng mắc nhiều, khó giải quyết là các thủ tục liên quan đến quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư, các thủ tục thuê đất, việc đáp ứng, thụ hưởng chính sách ưu đãi theo quy định. Hiện tượng chồng chéo giữa các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách trở nên khó vận dụng hơn trong bối cảnh các cấp thực thi nhiệm vụ còn thiếu linh hoạt, trách nhiệm trong việc đề xuất, giải quyết cho các DN.
Trong hoàn cảnh trên, để các quyết sách, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về tinh thần phát triển DN có hiệu quả, bên cạnh công tác giám sát thực thi nhiệm vụ tại các cấp, chính quyền cấp tỉnh cần đề xuất với các bộ, ngành Trung ương trong việc sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư liên quan đến hoạt động của DN, tạo niềm tin, động lực cho DN ngày càng phát triển.
Đỗ Đình Hiệu
Giám đốc Phòng Thương mại
và Công nghiệpViệt Nam -
Chi nhánh Thanh Hóa
Cởi mở hơn trong chính sách ưu đãi về vốn
Hiện nay, các DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là đối tượng DN nhỏ và vừa, nguồn vốn tích lũy còn hạn chế. Việc Nhà nước ban hành các chính sách ưu đãi về vốn trong các lĩnh vực sản xuất đang được khuyến khích là những tín hiệu đáng mừng đối với DN. Tuy nhiên, trên thực tế, để tiếp cận được các chính sách này, DN đang gặp nhiều trở ngại và rất khó tiếp cận.
Điển hình như tại Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách mới. Công ty đã thực hiện đầu tư dự án phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên quy mô 4 ha, với giá trị gần 40 tỷ đồng tại huyện Quảng Xương. Toàn bộ hệ thống nhà kính và công nghệ sản xuất sản phẩm được tuân thủ chặt chẽ quy định phía Nhật Bản chuyển giao. Đầu ra của sản phẩm ổn định với chuỗi liên kết tiêu thụ là các siêu thị trên toàn quốc, bếp ăn tập thể, hướng tới xuất khẩu. Hiện nay, công ty đang thực hiện các bước thủ tục để liên kết, hợp tác với huyện Nông Cống triển khai mở rộng mô hình tại 4 xã, thị trấn trên địa bàn. Tuy nhiên, sau hơn một năm “theo đuổi”, hiện đơn vị vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi tín dụng dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Để tạo động lực cho các DN khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất khi hoạt động ổn định, bên cạnh việc ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi, Nhà nước, các tổ chức tín dụng cần ban hành kèm theo các tiêu chí áp dụng và triển khai cụ thể, tạo điều kiện nhanh nhất cho quá trình tiếp cận của DN.
Trần Văn Tân
Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng
vàThương mại Phong Cách mới,
Phó Chủ tịch Hiệp hội
Doanh nghiệp TP Thanh Hóa
Minh bạch thông tin để doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận lợi tiếp cận
So với các DN có quy mô lớn hơn, DN nhỏ và vừa hiện đang bị “lép vế” và thiệt thòi trong việc tiếp cận các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: Thông tin về quy hoạch đất, các dự án được triển khai đấu thầu, việc thay đổi các cơ chế, chính sách... Điều này cũng đồng nghĩa, cơ hội nắm bắt, tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, công nghệ của các DN nhỏ và vừa cũng bị hạn chế.
Để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp vươn lên, chính quyền các cấp cần xây dựng, tạo lập, giám sát cơ chế công bằng trong nắm bắt và tiếp cận thông tin; đẩy mạnh việc công khai, minh bạch rộng rãi thông tin bằng nhiều hình thức, trong đó đẩy mạnh việc ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin, sự lan tỏa trên môi trường internet để bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận thông tin liên quan đến các DN thuộc mọi thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, để chuyển hóa việc tiếp cận thông tin thành cơ hội kinh doanh, phát triển, các DN cũng cần chủ động hơn trong việc tìm tòi, cập nhật thông tin cùng những cơ chế, chính sách, các quy định mới được ban hành, sửa đổi để có thể vận hành DN hoạt động hiệu quả.
Phạm Văn Nam
Giám đốc Công ty CP
Đầu tư thương mại Đại Nam
Nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn, tính linh hoạt cho đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ
Những năm gần đây, với tinh thần đổi mới, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ DN phát triển, quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thuận lợi hơn nhiều so với giai đoạn trước. Điển hình như việc thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai hiện đã cơ bản được rút ngắn thời gian và đơn giản nhiều thủ tục không cần thiết.
Tuy nhiên, để DN được thụ hưởng những ưu đãi, quan tâm của các cấp chính quyền một cách rõ nét, từ đó, tạo thuận lợi trong quá trình vận động và phát triển, các sở, ngành, chính quyền các cấp cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc. Không ít cán bộ các cấp sở, ngành, địa phương trình độ năng lực vẫn còn hạn chế, có biểu hiện quan liêu, chưa linh hoạt trong việc vận dụng các quy định, cơ chế, chính sách, khiến DN chưa thực sự hài lòng.
Lưu Văn Hoàng
Giám đốc Công ty TNHH AEONMED
Việt Nam (KCN Lễ Môn)