Tiếp tục thực hiện tốt đại đoàn kết các dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân và là tấm gương tiêu biểu nhất của khối đoàn kết toàn dân tộc; đoàn kết và giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.

Khẳng định vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa”. Cùng đó, Người cũng nêu rõ, để nâng cao đời sống của đồng bào, cùng với việc bãi bỏ hết “những điều hủ tệ cũ”, “bao nhiêu bất bình trước sẽ sửa chữa đi”, Chính phủ “sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt”: 1) Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng; 2) Về văn hóa, sẽ chú ý trình độ học thức cho đồng bào dân tộc...

Tư tưởng và sự quan tâm, chăm lo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam trở thành kim chỉ nam trong công tác, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Quan điểm xuyên suốt, thể hiện sự nhất quán “trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”. Điều đó thể hiện rõ trong chủ trương và những quyết sách của Người, Trung ương Ðảng và Chính phủ khi xây dựng và chỉ đạo thực hiện chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Cụ thể là tập trung cho những vấn đề lớn như: Xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, sức khỏe của đồng bào các dân tộc thiểu số; Xóa mù chữ, nâng cao dân trí, tôn trọng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; Xây dựng cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch vững mạnh, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.

Theo chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để chăm lo, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cần thực hiện một cách đa dạng, thiết thực, hiệu quả, linh hoạt hơn nữa công tác dân tộc và chiến lược đoàn kết các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong triển khai thực hiện, đặc biệt chú ý tới các yếu tố, điều kiện đặc thù về tự nhiên, xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán, trình độ phát triển của từng dân tộc, từng vùng, để có giải pháp và lộ trình phù hợp nhất. Thực hiện có hiệu quả Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo; thực hiện các nghị định của Chính phủ: về thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, xóa mù; về dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục đào tạo và trung tâm giáo dục thường xuyên...

Thực hiện chính sách dân tộc, đại đoàn kết dân tộc không được nôn nóng, phải dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng và triển khai từng bước thận trọng, vững chắc. Trong đó, xử lý đúng đắn, hài hòa việc ưu tiên đầu tư hỗ trợ theo vùng và theo từng dân tộc cụ thể phải thống nhất trong nhận thức, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Quán triệt sâu sắc trong nhận thức và trong hành động của từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân tinh thần bình đẳng dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn, chống sự hẹp hòi dân tộc, tính kỳ thị, cục bộ địa phương và tâm lý tự ti dân tộc. Các dân tộc anh em đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, xóa bỏ những bất đồng, mặc cảm, tôn trọng và có trách nhiệm với sự phát triển bền vững của đất nước, của từng dân tộc.

LAN HỒ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/201909/tiep-tuc-thuc-hien-tot-dai-doan-ket-cac-dan-toc-2964643/