Tiết kiệm chi hơn 2.000 tỷ đồng từ sắp xếp các đơn vị hành chính

Sáng 14/3/2022, UBTVQH xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 20192021'.

Trình bày Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) ở đa số địa phương đã bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, quy trình và tiến độ theo kế hoạch, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Kết quả, trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã, qua đó giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã. Tuy nhiên, việc sắp xếp ĐVHC ở một số địa phương có chậm hơn so với tiến độ theo kế hoạch.

Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.

Báo cáo của Chính phủ và đa số địa phương cho thấy, ngay sau khi Nghị quyết của UBTVQH có hiệu lực, các cơ quan hành chính, các cơ quan thuộc khối Đảng, đoàn thể ở địa phương được sắp xếp đã đi vào hoạt động ổn định. Các cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương cũng được kiện toàn đồng bộ với việc sắp xếp các ĐVHC; các đơn vị sự nghiệp công lập (trạm y tế, trường học) được sắp xếp, kiện toàn hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và bảo đảm phục vụ nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bên cạnh đó, số lượng cơ quan, tổ chức, số biên chế đã được giảm tương ứng với việc giảm số lượng ĐVHC, góp phần thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy theo yêu cầu tại nghị quyết của Trung ương.

Theo báo cáo của Chính phủ, việc tinh gọn được 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng, trong đó giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63 tỷ đồng và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng.

Về việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách, mặc dù Nghị quyết số 653 cho phép thực hiện trong 5 năm nhưng Chính phủ và các địa phương đều quyết tâm hoàn thành việc sắp xếp, bố trí trong năm 2021 để bảo đảm đồng bộ với việc tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở các ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp.

Vì vậy, đến hết năm 2021, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư còn phải tiếp tục sắp xếp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với số lượng dôi dư. Hiện còn hơn 400 cán bộ cấp huyện, hơn 3000 người ở xã và trên 400 cán bộ ở thôn thuộc diện bố trí, sắp xếp.

Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động đã được thực hiện theo đúng quy định. Nhiều địa phương đã ban hành quy định riêng để hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp ĐVHC.

Một số địa phương cho rằng, việc thực hiện chế độ, chính sách ở một số địa phương còn lúng túng do các văn bản quy định chưa thật đầy đủ; chưa có cơ chế tài chính để khuyến khích các trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi hoặc có nhu cầu thôi việc để chờ nghỉ hưu.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý hơn đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp ĐVHC; đồng thời có hình thức hỗ trợ, phân bổ nguồn lực cho các địa phương để thực hiện công tác này.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát và cho rằng, việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một chủ trương rất lớn, nhằm tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 39- NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, điều kiện cần để thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã là dựa vào tiêu chí về diện tích, dân số, điều kiện đủ là phải căn cứ vào vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử, phong tục tập quán, dân tộc, tôn giáo, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Quá trình làm cần bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân. Mục tiêu cuối cùng là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tiết kiệm kinh phí, tiết kiệm biên chế. Mỗi địa phương khi thực hiện sắp xếp đều phải ban hành Đề án riêng, rất công phu, đánh giá tác động nhiều chiều.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có báo đánh giá thêm. Ban Công tác đại biểu đánh giá về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính được sắp xếp như thế nào? Từ đó, rút được kinh nghiệm gì?

Bên cạnh đó cần đánh giá sâu sắc và kỹ lưỡng hơn về vấn đề báo cáo kết quả bước đầu đã tiết kiệm như thế nào; Sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã lại phải xây dựng trụ sở làm việc mới, có trường hợp trụ sở cũ lại bỏ không? Việc giảm biên chế ở từng địa phương ra sao có những ưu điểm và khuyết điểm gì để phát huy nhân rộng mô hình hoặc rút kinh nghiệm... Nhiều vấn đề cần phải trả lời và sát với thực tiễn cơ sở, sát với người dân, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

M.Thoa

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tiet-kiem-chi-hon-2-000-ty-dong-tu-sap-xep-cac-don-vi-hanh-chinh-204731.html