Tiết kiệm năng lượng, giải pháp đầu tư rẻ nhất đảm bảo an ninh năng lượng

Mỗi năm chỉ cần tiết kiệm 3 - 5%/năm năng lượng thì đã làm lợi được hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tại hội thảo với chủ đề “Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030 tầm nhìn năm 2050” do Hiệp hội Năng lượng tổ chức sáng nay (20/11), các diễn giả đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia đều khẳng định, tiết kiệm năng lượng là mục tiêu, chiến lược quốc gia trong qua trình phát triển đất nước.

Trong khi phát triển năng lượng từ các nguồn như điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời…) tốn kém rất nhiều công của, đầu tư rất nhiều năm mới có được, nếu không tiết kiệm năng lượng dẫn tới lãng phí, hao mòn làm tổn hại đến nền kinh tế, tạo áp lực vào việc đầu tư phát triển năng lượng. Tại các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đều nhấn mạnh “tiết kiệm năng lượng là quốc sách” và đưa ra mục tiêu tiến kiệm năng lượng 7% năm 2030 và khoảng 14% năm 2045.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - nguyên Phó Viện trưởng Viện năng lượng Việt Nam nhìn nhận: “Tiết kiệm năng lượng trong mọi khâu khai thác, vận chuyển, chuyển hóa và tiêu dùng năng lượng luôn được coi như giải pháp đầu tư rẻ nhất. Và để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 3 thì chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và phát triển công nghệ. Quan trọng nhất là xem xét chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghệ cao và tiêu thụ hao ít năng lượng và giảm dần các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng”.

Tiết kiệm năng lượng, giải pháp đầu tư rẻ nhất đảm bảo an ninh năng lượng.

Tiết kiệm năng lượng, giải pháp đầu tư rẻ nhất đảm bảo an ninh năng lượng.

Về tiềm năng tiết kiệm năng lượng trực tiếp và có hiệu quả được chỉ ra nhiều nhất ở lĩnh vực điện năng, bởi điện năng là một nhu cầu tất yếu, quan trọng không thể thiếu được trong phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, do đó độ ảnh hưởng của nó rất sâu rộng và có giá trị đặc biệt. Cụ thể, tiết kiệm từ khâu nguồn điện như: nhiên liệu, các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí, tổn thất điện năng đối với truyền tải, phân phối, điện tự dùng...

Báo cáo cho thấy, thời gian qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề ra nhiều chương trình hành động kể cả các chỉ tiêu, truyền thông trong những năm trước mắt và tới năm 2030 quán triệt trong ngành điện tới địa phương và tới người dân sử dụng điện. Tiết kiệm cả nguồn nước trong các nhà máy thủy điện. EVN đã phát động lắp đặt điện mặt trời áp mái và nhiều chương trình khác để tiết kiệm năng lượng.

Trong lĩnh vực dầu khí và than, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất thăm dò, khảo sát, khai thác, chế biến, vận tải, tồn trữ và xuất bán ra thị trường đã ban hành nhiều chương trình hành động và các chỉ tiêu để thực hiện trong từng năm và tới năm 2035. Hàng năm, cả nước đầu tư vào ngành năng lượng: lưới điện, than, dầu khí hàng trăm tỷ USD. Việc tiết kiệm trong lĩnh vực này chỉ cần mỗi năm tiết kiệm 3 - 5%/năm thì làm lợi được hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, tiết kiệm năng lượng còn phải tính đến tiết kiệm từ khâu đầu tư các dự án năng lượng như việc đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện từ nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thủy điện, nhiệt điện dầu, xây dựng các hầm mỏ, xây dựng các mỏ dầu, các giàn khoan, xây dựng đường dây và trạm, truyền tải và phân phối. Vốn đầu tư cho hệ thống năng lượng Việt Nam hàng năm chiếm khoảng hàng trăm tỷ USD nếu tiết kiệm 5 - 7% mỗi năm thì làm lợi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng... bổ sung vào ngân sách cho Nhà nước hoặc tái đầu tư cho ngành có ý nghĩa to lớn.

PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng cho rằng: “Tiết kiệm năng lượng cũng bao gồm việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo có ưu điểm lớn là không phải sử dụng các nguồn nhiên liệu phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm, đấy là điểm lợi thế lớn nhất. Nó không tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch mà giá thành sản xuất năng lượng tái tạo có xu hướng ngày càng giảm…”.

Hiệp hội năng lượng Việt Nam thông tin, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, rác thải, những năm vừa qua đã triển khai được một bước tích cực đặc biệt trong việc phát triển điện gió và điện mặt trời, điện mặt trời áp mái, hiện tại đã đạt được trên 5.000MW điện gió và mặt trời sản lượng điện phát ra khoảng 2,5 tỷ kWh/năm bổ sung cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số rào cản về cơ chế chính sách nên việc phát triển năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn./.

Nguyên Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tiet-kiem-nang-luong-giai-phap-dau-tu-re-nhat-dam-bao-an-ninh-nang-luong-818882.vov