Tiết lộ mới về vụ sụp đổ ngân hàng Silicon Valley

Trong khi giới lãnh đạo của SVB ca ngợi về sự đổi mới và những kịch bản tương lai, ngân hàng đã không tập trung vào quản trị rủi ro trước những ảnh hưởng từ biến động kinh tế.

Trước khi vụ sụp đổ làm rúng động ngành ngân hàng của SVB diễn ra, cựu CEO Gregory Becker đã có bài phát biểu lạc quan tại khách sạn Palace ở San Francisco.

Trước các nhà đầu tư, phân tích viên phố Wall và các giám đốc công nghệ trong ngày 7/3, ông Becker đưa ra một kịch bản với nhiều hào quang cho ngành công nghệ, và SVB sẽ là một trong số đó.

Điều vị cựu CEO SVB không đề cập là một tuần trước buổi hội nghị đó, công ty Moody’s đã gọi ông Becker và nói rằng tình hình tài chính của SVB đang gặp rủi ro, và trái phiếu của ngân hàng có thể không còn giá trị.

Ngay lập tức, ông Becker đã có những động thái để huy động tiền mặt. Một ngày sau buổi hội nghị với những sự lạc quan, SVB thông báo khoản lỗ 1,8 tỷ USD, và lập tức thông báo kế hoạch huy động vốn 2,25 tỷ USD.

Câu chuyện về SVB phần nào khắc họa tham vọng và sai lầm trong quản lý của một giám đốc điều hành đã đề cập quá nhiều về sự đổi mới và tương lai, trong khi ông và các cấp dưới của mình đã không chú ý đến công việc cơ bản nhưng rất quan trọng là quản lý rủi ro và đảm bảo sự thận trọng về tài chính, theo New York Times.

SVB đã bị động trong một môi trường kinh tế thay đổi nhanh chóng, và đã đợi đến phút cuối cùng để cố gắng đảo ngược số phận.

Tham vọng của vị CEO

Ngân hàng Silicon Valley bắt đầu vào năm 1983 với tư cách là một ngân hàng cộng đồng nhỏ phục vụ cho các công ty công nghệ non trẻ. Trong suốt những năm 1980 và 1990, quy mô của nó đã tăng lên cùng với sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ.

Sau khi không thành công trong lĩnh vực cho vay bất động sản vào đầu những năm 1990, ngân hàng đã quay trở lại nguồn gốc của mình, cung cấp dịch vụ cho các công ty đang phát triển nhanh nhưng thường không có lãi trong thời kỳ bùng nổ của Internet.

Vào năm 2011, khi ông Gregory Becker được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành, SVB đã mở rộng hoạt động ra hàng chục thành phố ở Mỹ và trên thế giới.

Ông Becker đã nhìn thấy cơ hội thu hút các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm bằng các dịch vụ mới.

“Khi Greg đảm nhận vị trí giám đốc điều hành, anh ấy đã có một tầm nhìn rõ ràng về những gì SVB muốn trở thành. Ông ấy muốn trở thành trái tim và linh hồn trong cái mà chúng tôi gọi là nền kinh tế đổi mới”, Timothy Coffey, một nhà phân tích ngân hàng tại Janney Montgomery Scott, cho biết.

 Cựu CEO SVB Gregory Becker đã bị FDIC sa thải ngày 12/3. Ảnh: Reuters.

Cựu CEO SVB Gregory Becker đã bị FDIC sa thải ngày 12/3. Ảnh: Reuters.

“Không có gì xảy ra bên trong Thung lũng Silicon mà không liên quan đến SVB”, ông Coffey nói thêm.

Cựu CEO SVB coi mình là con người của sự đổi mới. Trong mô tả cá nhân, ông gọi mình là người ủng hộ cho các doanh nhân, nhà đầu tư và công ty của họ trong lĩnh vực đổi mới trên phạm vi toàn cầu.

"Greg luôn nhìn về 5 hay 10 năm nữa. Ông ấy giống một nhà đầu tư mạo hiểm hơn là viên chức ngân hàng", ông Coffey chia sẻ.

Lựa chọn mạo hiểm

Với hàng nghìn nhà sáng lập và quỹ đầu tư mạo hiểm, SVB trở thành ngân hàng được "chọn mặt gửi vàng". Điều đó đã thể hiện qua việc lượng tiền gửi tăng vọt lên 190 tỷ USD vào năm 2021, sau khi chỉ có 49 tỷ USD năm 2018. Giá cổ phiếu cũng tăng gấp 3 lần vào giai đoạn 2018-2021.

Mặc dù nhận lượng tiền gửi đột biến, SVB đã chật vật trong việc sinh lời với số tiền này.

Thông thường, nhiều ngân hàng sẽ dùng tiền gửi để đầu tư vào các tài sản sinh lời, bao gồm mua trái phiếu chính phủ cả ngắn hạn và dài hạn, được coi là khoản đầu tư an toàn.

Tuy nhiên, SVB lại chỉ chọn những gói trái phiếu 10-30 năm, với lãi suất cao, coi đây là thương vụ hời hơn so với trái phiếu ngắn hạn. Giới phân tích cho rằng việc thiếu sự đa dạng đã tạo nên rủi ro.

Đến ngày 31/12/2022, trong cân đối kế toán, SVB đã phân loại phần lớn trong danh mục nợ là "đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn" (Held to Maturity hay HTM) - với các khoản đầu tư tài chính có kỳ hạn.

 Số lượng ngân hàng sụp đổ tại Mỹ trong thế kỷ XXI. Đồ họa: CNN.

Số lượng ngân hàng sụp đổ tại Mỹ trong thế kỷ XXI. Đồ họa: CNN.

Trung bình trong năm 2022, các ngân hàng có tài sản từ 1 tỷ USD trở lên chỉ có khoảng 6% khoản nợ là dành cho HTM. Tuy nhiên, SVB lại có 75% khoản nợ HTM, tương đương 95 tỷ USD, theo báo cáo của Janney Montgomery Scott.

Khi lãi suất tăng, các nhà đầu tư tính toán lại nơi gửi tiền. Vốn đầu tư mạo hiểm chậm lại, trong khi các công ty khởi nghiệp dần rút tiền.

Điều này đặt SVB vào thế lưỡng nan: Nếu trả tiền cho khách hàng, ngân hàng sẽ thiếu tiền mặt. Nhưng bán trái phiếu thì sẽ bị lỗ, khi trái phiếu mới có lãi suất cao hơn.

Dẫu cho có nhiều dự báo không mấy khả quan từ giữa năm 2022, cựu CEO Gregory Becker vẫn lạc quan về một thị trường bùng nổ, bác bỏ lo ngại về một cuộc suy thoái.

Dù vậy, mọi thứ đã thay đổi. Ngay sau cảnh báo của Moody's hồi cuối tháng 2. SVB đã tìm đến Goldman Sachs để bày tỏ nguyện vọng bán cổ phiếu và huy động vốn từ nhà đầu tư chứng khoán.

Chỉ một ngày sau đợt bán 21 tỷ USD tài sản của SVB hôm 8/3, khách hàng đã tức tốc đến ngân hàng rút tiền. Chỉ trong ngày 9/3, những người gửi đã rút 42 tỷ USD.

Mọi thứ đã rõ ràng những ngày kế tiếp. SVB sụp đổ, Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC), cơ quan quản lý của ngân hàng, đã sa thải CEO Becker, chấm dứt 30 năm làm việc của ông tại SVB.

Ngày 14/3, FDIC thông báo SVB có tên mới là ngân hàng Silicon Valley Bridge, cũng như bổ nhiệm ông Tim Mayopoulos làm giám đốc điều hành với mục tiêu hỗ trợ SVB đi qua khó khăn trước mắt, CNBC đưa tin.

 Biểu đồ thể hiện những thời điểm dẫn đến sự sụp đổ của SVB. Đồ họa: CNN. Việt hóa: Trần Hoàng.

Biểu đồ thể hiện những thời điểm dẫn đến sự sụp đổ của SVB. Đồ họa: CNN. Việt hóa: Trần Hoàng.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tiet-lo-moi-ve-vu-sup-do-ngan-hang-silicon-valley-post1412137.html