Tiểu đội trưởng: Trách nhiệm và nỗi niềm - Bài 3: Để tiểu đội trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ (Tiếp theo và hết)

Để phát huy tốt vai trò của đội ngũ tiểu đội trưởng, chỉ huy các cấp ở đơn vị đều cho rằng, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, phải chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo tiểu đội trưởng; có sự quan tâm về mọi mặt của đơn vị; động viên bằng các chế độ, chính sách, sự ưu tiên phù hợp...

Chú trọng nâng cao trình độ, năng lực

Đặt câu hỏi “Đơn vị đã làm gì để nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm của đội ngũ tiểu đội trưởng?”, chúng tôi được Trung tá Nguyễn Huy Khôi, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) cho biết: "Để đội ngũ tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đã lựa chọn những đồng chí có phẩm chất tốt, đạt kết quả cao trong thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, có nguyện vọng phấn đấu để cử đi đào tạo tiểu, khẩu đội trưởng. Kết thúc đào tạo trở về, đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá đúng những điểm mạnh, điểm yếu của từng đồng chí. Trên cơ sở đó, tổ chức tập huấn lại các nội dung còn hạn chế, nội dung trọng tâm; chú trọng phương pháp bám nắm tư tưởng bộ đội, tổ chức duy trì huấn luyện... Sau khi bồi dưỡng mới biên chế về các đơn vị thực hiện nhiệm vụ".

Để nâng cao trình độ, năng lực của tiểu đội trưởng, nhiều ý kiến ở các đơn vị đề nghị cần tăng thời gian đào tạo tại nhà trường để tiểu đội trưởng có trình độ, năng lực tốt hơn; đào tạo xong nên điều động về đơn vị cử đi học để thuận tiện trong quá trình quản lý, công tác và phát huy năng lực ở môi trường mà tiểu đội trưởng đã được làm quen trong quá trình huấn luyện chiến sĩ mới.

Trung sĩ Phạm Khắc Tường, Tiểu đội trưởng Tiểu đội hỏa lực 11, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 141, Sư đoàn 312) hướng dẫn chiến sĩ tập điều lệnh đội ngũ.

Trung sĩ Phạm Khắc Tường, Tiểu đội trưởng Tiểu đội hỏa lực 11, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 141, Sư đoàn 312) hướng dẫn chiến sĩ tập điều lệnh đội ngũ.

Thiếu tá Lê Hồng Quân, Trợ lý Quân lực (Phòng Tham mưu, Sư đoàn 312) cho rằng: "Do thời gian đào tạo tiểu đội trưởng ngắn, cần tập trung trang bị cho học viên những nội dung cần thiết, nội dung mới gắn với thực tiễn đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của tiểu đội trưởng, chứ không nên giảng dạy lại những nội dung chiến sĩ mới đã được huấn luyện. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo, rèn luyện về phương pháp chỉ huy, duy trì chiến sĩ huấn luyện, luyện tập...".

Báo cáo chất lượng tiểu, khẩu đội trưởng sau khi đào tạo ở trường quân sự ra công tác tại đơn vị của Trung đoàn 165 cũng nêu kiến nghị: “Cần tăng cường thời gian huấn luyện thực hành, tập trung rèn luyện động tác mẫu, phương pháp duy trì tiểu đội luyện tập các nội dung; đẩy mạnh rèn luyện thêm nội dung bắn súng, thể lực, điều lệnh; đề nghị tạo điều kiện cho đơn vị khi đưa lực lượng đi đào tạo tại trường quân sự xong sẽ nhận lại lực lượng đó cho thuận lợi trong quản lý, công tác...”.

Theo Trung tá Đỗ Văn Kiên, Phó chính ủy Trung đoàn 141, bên cạnh việc tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, tăng cường giáo dục để đội ngũ tiểu đội trưởng nắm rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và phát huy trách nhiệm của mình, cán bộ từ trung đội trở lên cần quan tâm động viên, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ tiểu đội trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cán bộ trung đội, đại đội và tiểu đoàn luôn bám nắm, kèm cặp, hỗ trợ tối đa nhưng không làm hộ, làm thay mà phải tạo cơ hội để tiểu đội trưởng phát huy kiến thức, khả năng của mình trong quản lý, điều hành tiểu đội hoàn thành nhiệm vụ.

Đến Trung đoàn 165, Trung đoàn 141 và một số đơn vị thuộc Sư đoàn 312, chúng tôi khá ấn tượng với hệ thống tài liệu được đơn vị kỳ công nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, cấp cho từng đồng chí tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng. Những cuốn sổ nhỏ này có thể bỏ túi, rất giá trị đối với đội ngũ tiểu đội trưởng, như: “Một số kinh nghiệm trong quản lý, chỉ huy chiến sĩ của tiểu đội trưởng”, “Sổ tay bồi dưỡng kỹ năng sống cho tiểu, khẩu đội trưởng”, “Cẩm nang bí quyết tiểu đội trưởng”... Trong những tài liệu đó có đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, những điều tiểu đội trưởng cần biết, những tình huống thường gặp ở đơn vị và cách giải quyết, xử lý của tiểu đội trưởng... Thực tế những năm qua, đội ngũ khẩu, tiểu đội trưởng ở Sư đoàn 312 đã học hỏi, vận dụng hiệu quả kiến thức trong những cuốn sổ nhỏ này vào công tác quản lý, chỉ huy, huấn luyện bộ đội.

Tiểu đội trưởng Vũ Huy Hoàng (thứ hai, từ phải sang) cùng các chiến sĩ ở Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 165, Sư đoàn 312) trò chuyện trong giờ giải lao.

Tiểu đội trưởng Vũ Huy Hoàng (thứ hai, từ phải sang) cùng các chiến sĩ ở Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 165, Sư đoàn 312) trò chuyện trong giờ giải lao.

Tạo động lực bằng động viên thiết thực

Hỏi chuyện nhiều đồng chí cán bộ của Sư đoàn 312, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Bên cạnh phải làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm thì điều quan trọng nhất để tạo động lực cho đội ngũ tiểu đội trưởng là cán bộ đơn vị phải luôn gần gũi, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ tiểu đội trưởng trong thực hiện nhiệm vụ hằng ngày. Đặc biệt, cán bộ cấp trên phải tuyệt đối tránh các biểu hiện quân phiệt, quát mắng, xúc phạm tiểu đội trưởng; thực sự tôn trọng, tạo điều kiện, biểu dương, động viên kịp thời để tiểu đội trưởng luôn giữ được sự tự tin, nhiệt huyết cống hiến, phát huy hết khả năng của mình.

Theo Trung tá Lê Văn Hà, Chính ủy Trung đoàn 165 và Trung tá Đỗ Văn Kiên, Phó chính ủy Trung đoàn 141, để tạo động lực cho đội ngũ tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng, ngoài bảo đảm đúng các chế độ, tiêu chuẩn theo quy định, đơn vị thường xuyên quan tâm gặp gỡ, biểu dương, khen thưởng kịp thời các đồng chí có thành tích trong quá trình công tác; ưu tiên khi tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị, định hướng nghề nghiệp và quan tâm lựa chọn, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng; tạo điều kiện thuận lợi nếu có nhu cầu ôn thi, đăng ký xét tuyển vào các học viện, nhà trường Quân đội.

Hiện nay, tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng được hưởng các chế độ, tiêu chuẩn trong nhóm hạ sĩ quan, chiến sĩ; về cơ bản chỉ hơn chiến sĩ tiền phụ cấp quân hàm (tiểu đội trưởng có quân hàm trung sĩ thì phụ cấp hiện nay là 894.000 đồng/tháng; còn chiến sĩ có quân hàm binh nhất thì phụ cấp 670.500 đồng/tháng). Như vậy, phụ cấp của tiểu đội trưởng cao hơn chiến sĩ không nhiều, nhưng khối lượng công việc và trách nhiệm thì lớn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, trao đổi điều này với các đồng chí cán bộ ở một số đơn vị cơ sở, chúng tôi thấy các ý kiến đều cho rằng, việc tăng thêm phụ cấp cho tiểu đội trưởng khó thực hiện và không thực sự cần thiết, vì tiểu đội trưởng cũng thuộc đối tượng thực hiện nghĩa vụ quân sự như chiến sĩ.

Thế nhưng, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu để có chính sách ưu tiên đối với tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng, như: Tăng thêm điểm ưu tiên khi đăng ký thi, dự tuyển vào các học viện, trường sĩ quan; tăng thời gian nghỉ phép so với chiến sĩ. Những ưu tiên này tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa động viên rất lớn để đội ngũ tiểu đội trưởng cảm thấy thêm vinh dự, tự hào, yên tâm công tác, phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời tạo động lực thu hút các chiến sĩ có phẩm chất, năng lực tốt đăng ký đi học làm tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng.

Bài và ảnh: DUY ĐÔNG - TRẦN ANH - NGỌC LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tieu-doi-truong-trach-nhiem-va-noi-niem-bai-3-de-tieu-doi-truong-hoan-thanh-tot-nhiem-vu-tiep-theo-va-het-730744