Tiêu dùng xanh vì tương lai xanh

Người tiêu dùng Phú Yên chọn mua thực phẩm và đựng trong túi giấy, thay cho túi ni lông. Ảnh: KHÁNH QUỲNH

Nói không với rác thải nhựa, hướng đến tiêu dùng xanh, sống xanh vì môi trường là những thông điệp nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng trong thời gian qua. Nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đã được triển khai làm thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều người.

Từ thay đổi thói quen

Cách đây 10 năm, chiến dịch Tiêu dùng xanh đã được Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa khởi động. Thời điểm sơ khai, chiến dịch này giúp người tiêu dùng hình dung những nguy cơ của rác thải nhựa cũng như sự cần thiết phải thay đổi thói quen tiêu dùng như hạn chế sử dụng túi ni lông, các vật dụng bằng nhựa dùng một lần, sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường. Suốt 10 năm qua, đơn vị này đã xây dựng nhiều chính sách khuyến khích tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường. Mặt khác, đơn vị cũng thay thế toàn bộ túi ni lông bằng túi tự hủy và túi vải, túi sử dụng nhiều lần; từng bước thay thế túi ni lông bằng các vật dụng thân thiện với môi trường như lá chuối, lá sen; ngừng kinh doanh ống hút nhựa…

Phụ nữ được xem là “chủ quản” của các hoạt động tiêu dùng, nên việc nâng cao ý thức về tiêu dùng xanh cho phụ nữ đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhiều năm nay, Hội LHPN tỉnh đã nâng cao nhận thức của phụ nữ trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng thông qua hoạt động tuyên truyền cảnh báo về nguy cơ và hậu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra; khuyến khích tái sử dụng túi ni lông hoặc ưu tiên các sản phẩm làm từ cói, xơ dừa, bẹ chuối; thay thế các vật dụng bằng nhựa dùng một lần bằng các vật dụng từ thủy tinh, sành sứ, kim loại hoặc các chế phẩm sinh học…

Bên cạnh việc thay đổi ý thức về tiêu dùng, Hội LHPN tỉnh cũng xây dựng 79 mô hình phụ nữ bảo vệ môi trường, sống xanh vì thiên nhiên. Tiêu biểu như các mô hình: “Thu gom rác hàng tuần”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông - đi chợ bằng giỏ” của huyện Phú Hòa; “Phụ nữ làm sạch thôn buôn” của huyện Đồng Xuân; “Thu gom ve chai, rác thải nhựa gây quỹ giúp hộ nghèo” của huyện Sơn Hòa; “Đào hố rác tự hủy”, “Giờ môi trường trong ngày, ngày môi trường trong tuần” của huyện Sông Hinh...

Mỗi nơi một vẻ, mỗi địa phương đều có hình thức riêng, nhưng mục tiêu chung là xây dựng ý thức sống xanh vì thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, đơn vị này còn tổ chức hội thi “Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường”; diễn đàn “Phụ nữ Phú Yên vì môi trường xanh, sạch, đẹp”; Câu lạc bộ “Biển xanh - Làm sạch bờ biển”; mô hình “Phụ nữ trồng cây lấy lá hạn chế sử dụng túi ni lông”, mô hình “Phụ nữ bảo vệ môi trường”… nhằm tạo hiệu ứng cao trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng cho các chị em phụ nữ nói riêng, cũng như người tiêu dùng nói chung.

Chị Trần Thị Trà My ở xã An Hải, huyện Tuy An, bày tỏ: Trước đây, theo thói quen, các loại rác thải sinh hoạt được người dân dồn vào mang chôn sau vườn; cũng có người tiện tay thả rác thải nhựa xuống đầm nước. Sau khi được tuyên truyền, nhắc nhở, đến nay chị em đã quan tâm đến việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải. Bản thân tôi mỗi khi đi chợ đều mang theo giỏ nhựa đựng thức ăn.

Hướng đến lối sống xanh, thân thiện môi trường

Trong cuộc sống ngày càng bộn bề thì con người càng có nhu cầu hướng đến một môi trường sống đơn giản, bình dị và gần gũi với thiên nhiên. Những công trình xây dựng hiện đại, cao cấp đang có xu hướng tiết chế dần những khối bê tông cốt thép. Thay vào đó là những mảng xanh mướt mắt, những vườn cây, ao cá quen thuộc. Và đâu đó bên trong những tòa nhà cao tầng, người ta cố gắng tạo những mảng xanh của cây cỏ, hoa lá. Thậm chí, người ta sẵn sàng đầu tư hàng trăm triệu đồng để tự trồng rau, nuôi cá, thả gà nhằm tạo nguồn thực phẩm an toàn cho bữa ăn hàng ngày. Lối sống xanh, thân thiện môi trường đang trở thành xu thế tất yếu hiện nay.

Đối với các bạn trẻ, việc hưởng ứng lối sống xanh được cụ thể qua nhiều hoạt động cộng đồng như tuyên truyền người dân không vứt rác bừa bãi; dọn rác dọc bờ biển, trồng hoa, cây xanh dọc các điểm du lịch trong tỉnh... Hoạt động này đã thu hút hàng ngàn học sinh, sinh viên tham gia; góp phần thay đổi tích cực nhận thức của cộng đồng; từ đó tạo sức lan tỏa để ngày càng có nhiều người tham gia bảo vệ môi trường sống.

Bạn Lê Anh Tố ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, bày tỏ: Gần đây, một số học sinh, đoàn viên thanh niên tự nguyện trồng và chăm sóc cây xanh dọc đường Phước Tân - Bãi Ngà, đoạn đường đến thắng cảnh Mũi Điện và Di tích Tàu Không số Vũng Rô. Các bạn trẻ cũng thường xuyên tổ chức thu gom rác thải ở dọc bờ biển và tuyên truyền người dân không vứt rác bừa bãi, hạn chế dùng túi ni lông. Ban đầu chỉ vài người tham gia, còn bây giờ đã có nhiều người hưởng ứng hoạt động này. Tôi hy vọng mỗi người cố gắng một chút, góp sức xây dựng cuộc sống xanh, vì tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ sau.

Thời gian qua, nhiều bạn trẻ đã nhiệt tình tham gia nhặt rác và trồng cây, trồng hoa ở nhiều điểm đến trên toàn tỉnh. Hoạt động của các bạn đã góp phần thay đổi tích cực nhận thức của cộng đồng, ngày càng nhiều người có ý thức hơn về bảo vệ môi trường... Chúng ta không làm theo phong trào, mà liên tục, thường xuyên và bền vững.

Đồng chí Phạm Đại Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

KHÁNH QUỲNH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/233895/tieu-dung-xanh-vi-tuong-lai-xanh.html