Tiểu thuyết 'Nhà có 4 chị em gái'- Những người 'quen' đâu đây

Mở đầu bằng tập truyện ngắn 'Chạy trốn' năm 2013, nhà văn Phạm Thị Bích Thủy tiếp tục viết 4 cuốn tiểu thuyết để rồi cuốn thứ 6 'Gia đình có bốn chị em gái' trình làng với dung lượng hơn 620 trang khổ 16x24.

Trong thời điểm bùng nổ phương tiện nghe nhìn đọc theo cách nhanh, ngắn và lướt, hơn 620 trang khổ 16x24 của tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái” đã được nhà thơ Hữu Việt ở vị trí điều phối đặt ra ngay khi bắt đầu tọa đàm về cuốn tiểu thuyết này tại NXB Hội Nhà văn, 65 Nguyễn Du, Hà Nội vào một chiều thu cuối tháng 10.

““Nhà có bốn chị em gái” trình làng thời điểm này phải nói là thách thức không nhỏ. Thời mọi người chong đèn đọc sách đã qua rồi. Thời này phải đọc nhanh, đọc tranh thủ, không mấy ai kiên nhẫn để theo đuổi hết cuốn sách như tôi ước tính trên 300.000 chữ”, nhà thơ Hữu Việt chia sẻ.

Nhà thơ Hữu Việt giới thiệu về cuốn sách.

Nhà thơ Hữu Việt giới thiệu về cuốn sách.

Điều này tiếp tục được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhắc lại, kèm một khẳng định chắc nịch về việc “chúng ta có thể trốn đọc nhưng sẽ không thể trốn khỏi đời sống của cuốn sách đó bởi tác giả đã thu gọn, tinh lọc, đẩy lên cao trào và cô đặc lại, ép vào trên từng trang viết. Mỗi chúng ta là một nhân vật trong đó, mỗi chúng ta đều là những gì trong đó”.

Và quả thực, trang đầu tiên của tiểu thuyết “Nhà có bốn chị em gái” mở ra bằng không khí một đám giỗ mẹ trúng những ngày đại dịch Covid-19 bao trùm, xã hội lockdown, một sự bất thường báo hiệu cho những điều không bình thường được lật mở sau đó. Mạch văn đoạn đầu tựa như hồi tưởng về sự hình thành một gia đình vốn đã vô cùng tốt đẹp - từ cái tên của mỗi thành viên.

Nhà văn Bích Thủy ra mắt tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái”.

Nhà văn Bích Thủy ra mắt tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái”.

Ông bà Bình - Bằng có bốn cô con gái lần lượt là Hiền Thương, Thuận Ái, Khánh An, Bảo Yên. “Ông bảo ông Bình, bà là Bằng tức là lúc nào cũng bình an, cân bằng, bằng lòng với cuộc đời là hạnh phúc lớn nhất... Tên ông bà là vậy nên khi bà Bình sinh đứa con đầu lòng, ông đặt là Thương, tức là yêu thương, nhân ái, gia đình phải yêu thương nhau. Tiếp theo cô thứ hai ra đời... Ông chọn tên Ái, vẫn theo cách mong gia đình bình an, thương yêu, nhân ái với nhau... sinh em bé thứ ba... Lần này ông đặt tên con là An, cũng là một bé gái. Đứa thứ tư cách đứa thứ ba tận tám năm... vẫn lại là con gái. Đặt tên nó là Yên... thôi giờ là yên chuyện, đủ cả rồi, không đẻ thêm nữa”. Tính cách mỗi đứa trẻ đều được nhà văn Bích Thủy khắc họa rõ nét, đứa hiền lành thùy mị, nết na, nhường nhịn; đứa đành hanh, lanh chanh, tranh giành từng miếng ăn từ chị em trong nhà; đứa lúc nào cũng trong vai hòa giải. Và rồi “đứa học trường này, đứa học trường kia nhưng đều đã có một môi trường sống tương đồng, đều được dạy bảo và học hành trước khi vào đời như nhau. Vậy mà mỗi người trong “vũ trụ tứ nữ” đó lại có số phận hoàn toàn khác nhau”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Trong bối cảnh xã hội đầy khó khăn, thiếu thốn, nhờ sự chắt chiu, thu vén của bà Bằng, cả 4 cô con gái đều ăn học đến nơi đến chốn, có công ăn, việc làm rồi giữ vị trí khác nhau trong xã hội. Nào giáo viên, nào giám đốc... Con rể cũng có đến hai tiến sĩ. “Một tiến sĩ giám đốc học viện, một Tiến sĩ Viện trưởng”. Nhưng cứ lần theo từng trang tiểu thuyết “Nhà có bốn chị em gái”, độc giả bắt gặp những rạn nứt sâu sắc, âm thầm và đầy đau đớn trong mối quan hệ ruột rà, giữa những chị em gái cùng cha mẹ sinh ra. Lần theo những cay cú, những nguyền rủa, những cái bĩu môi những tiếng thở dài than thân trách phận của Thương, người chị cả suốt một thời ấu thơ nhường nhịn đám em, người ta thấy một góc xã hội với nạn chạy chọt chức quyền, thu vén cá nhân; thấy cả những quan điểm “con ông cháu cha” ăn sâu bám rễ, trở thành điều hiển nhiên “Hàng xóm người ta khinh tôi! Người ta cứ bảo chú là Tiến sĩ, làm giám đốc cái học viện to nhất tỉnh mà không thu xếp được công việc cho các cháu người ta không tin. Tôi thấy nhục lắm”.

Trước đó, trong một bữa giỗ mẹ đầy đủ con gái, con rể, các cháu, ông Bằng vừa chiết tự, cắt nghĩa câu “Một người làm quan, cả họ được nhờ” hàm ý Quan là người che chở, chăm lo cuộc sống cho nhân dân”.

Chưa hết, cái sự học thật, học giả, cái sự hư danh, hám bằng cấp cứ tồ tồ chảy ra theo niềm tự hào của Yên, con gái út khi cô chỉ tay vào chồng mà kể chuyện với bố, các chị gái và cả đám cháu “Bố phải tự hào lắm đấy bố ạ, vì bọn con học xịn, cả bốn cô... Cả họ nhà ông Sỹ, đứa giỏi nhất thi đại học tổng chỉ được có 0,5 điểm mà giờ đứa nào cũng tốt nghiệp đại học, có đứa là thạc sĩ giờ là Trưởng khoa Đào tạo sau đại học...”

Các câu chuyện xoay vần quanh 4 cô con gái nhà ông Bình - bà Bằng nhưng vẽ nên những biến động của cả xã hội. “Bất bình đẳng cơ hội giữa các cá nhân” là vấn đề cốt lõi được nhà văn Bích Thủy tập trung khắc họa “theo một cách bi thảm, nó là nguyên nhân dẫn đến một cuộc mưu sát máu lạnh, một cái chết đau đớn, một gia đình tan nát, một người bị truy tố và rơi vào sự hoảng loạn tâm thần cực độ”.

Một chi tiết tưởng nhỏ nhưng đáng chú ý khi nữ nhà văn xây dựng bối cảnh chuyện, những nhiễu nhương trong câu chuyện thăng tiến...tập trung vào một địa danh cụ thể, có thực: Tỉnh Thanh Hóa. Những món “quà quê” biếu sếp ngập hải sản đến từ cấp dưới quê ở huyện miền núi Lang Chánh. Đây có thể được xem như một sự táo bạo của Phạm Bích Thủy khi bản thân sinh ra ở Thanh Hóa. Những đụng chạm táo bạo, thậm chí sẽ trở thành chấn động nếu ai đó đọc và tự thấy mình trong đó. Tuy nhiên, một địa danh xác thực trong nhiều trường hợp sẽ xóa đi cảm giác về sự mơ hồ xa xôi vẫn thường thấy ở thể loại tiểu thuyết. Chi tiết này cũng dễ khiến độc giả liên tưởng đến Nguyễn Việt Hà, nhà văn được mệnh danh “gã trai kiêu bạc của phố cổ”.

“Tôi luôn luôn mong ước làm sao đấy bằng ngôn ngữ mình có thể mô tả lại được một giai đoạn nào đó của cuộc đời, của dân tộc, của đất nước. Các sách của tôi đều làm sao vẽ được bức tranh xã hội. “Nhà có bốn chị em gái” có độ dài mô tả trong khoảng 60 năm. Tôi luôn dùng lời nói của nhân vật để họ bộc lộ bản thân về những đau khổ, vật lộn, tranh giành. Tôi không cố mô tả họ”, nhà văn Phạm Thị Bích Thủy chia sẻ.

“Nhưng thông điệp quan trọng nhất mà tác giả muốn gửi gắm trong cuốn tiểu thuyết nặng ký của mình, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, là sự bất bình đẳng cơ hội vì văn hóa thân tộc, một người làm quan cả họ được nhờ của người Việt. Những vị trí việc làm tốt đẹp dần rơi vào tay những chân rết trong cùng một gia tộc và sự lũng đoạn giống như một tổ mối, ăn mòn cả xã hội. Đây là một vấn nạn mà báo chí đã nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, hệ lụy của nó thế nào thì lần đầu tiên được một cuốn tiểu thuyết đề cập tới theo cách vô cùng sâu sắc và châm biếm”- Một đánh giá từ đội ngũ làm sách.

Ở góc độ độc giả, người ta đều sẽ thấy bóng dáng “người quen” đâu đó trong mỗi trang tiểu thuyết “Nhà có bốn chị em gái”.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964, tốt nghiệp MBA, PUT Mỹ-Malaysia, cử nhân văn chương và tiếng Nga, Đại học Ghecsen Leningrad (Saint Petersburg), Liên xô cũ (Liên bang Nga), cử nhân tiếng Anh, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ 1986 đến 2000 là giảng viên Văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ 2000 đến nay làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia. Hiện tại chị làm quản trị viên tại một tổ chức Hỗ trợ khởi nghiệp. Từng đoạt giải nhì Cuộc thi viết truyện ngắn 2016-2017 (không có giải nhất) do quỹ Nhà văn Lê Lựu tổ chức, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Các tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện ngắn “Chạy trốn” (2013), Tiểu thuyết “Đồi cát bay” (2014), Tiểu thuyết “Tiếng sáo lạc” (2015), Tiểu thuyết “Đáy giếng” (2015), Tập truyện ngắn “Zero” (2017), Tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái” (2024).

Ý Dịu/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/tieu-thuyet-nha-co-4-chi-em-gai-nhung-nguoi-quen-dau-day-post1131685.vov