TikTok bị 13 bang ở Mỹ kiện, cáo buộc gây hại cho người dùng trẻ tuổi

TikTok phải đối mặt với các vụ kiện mới do 13 tiểu bang Mỹ và quận Columbia (thuộc bang Washington) đệ trình hôm 8.10, cáo buộc nền tảng truyền thông xã hội phổ biến này gây hại và không bảo vệ được người trẻ tuổi.

Các vụ kiện được đệ trình riêng tại quận Columbia, bang New York, California và 11 bang khác, mở rộng cuộc chiến pháp lý của TikTok với các cơ quan quản lý Mỹ.

Các bang này cáo buộc TikTok sử dụng phần mềm gây nghiện cố ý được thiết kế để giữ cho trẻ em xem càng lâu và thường xuyên càng tốt, trình bày sai hiệu quả kiểm duyệt nội dung của mình.

"TikTok nuôi dưỡng chứng nghiện mạng xã hội để tăng lợi nhuận cho công ty. TikTok cố tình nhắm vào trẻ em vì họ biết rằng trẻ em chưa đủ phát triển về nhận thức và kỹ năng để phân biệt và kiểm soát việc tiếp xúc với những nội dung có khả năng gây nghiện, điều này làm cho các em dễ bị cuốn vào việc sử dụng ứng dụng quá mức", Tổng chưởng lý bang California - Rob Bonta tuyên bố.

Các bang cho biết TikTok tìm cách tối đa hóa thời gian người dùng dành cho ứng dụng để nhắm mục tiêu quảng cáo.

"Những người trẻ đang phải vật lộn với sức khỏe tâm thần của mình vì các nền tảng truyền thông xã hội gây nghiện như TikTok", Tổng chưởng lý bang New York - Letitia James nói.

Tuần trước, TikTok cho biết hoàn toàn không đồng ý với các cáo buộc rằng họ không bảo vệ được trẻ em, nói rằng: "Trên thực tế, chúng tôi cung cấp các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ cho thanh thiếu niên và phụ huynh".

Brian Schwalb, Tổng chưởng lý Washington D.C, cáo buộc TikTok điều hành hoạt động kinh doanh chuyển tiền không có giấy phép thông qua các tính năng phát trực tiếp và tiền ảo của mình.

"Nền tảng của TikTok được thiết kế nguy hiểm. Đây là sản phẩm gây nghiện có chủ đích được thiết kế để khiến những người trẻ tuổi nghiện màn hình của họ", Brian Schwalb nói trong một cuộc phỏng vấn.

Vụ kiện của Washington D.C cáo buộc TikTok tạo điều kiện cho việc “khai thác tình dục những người dùng dưới tuổi vị thành niên”, cho rằng tính năng phát trực tiếp và tiền ảo của TikTok "hoạt động giống câu lạc bộ thoát y ảo không có giới hạn độ tuổi".

Bang Illinois, Kentucky, Louisiana, Massachusetts, Mississippi, New Jersey, North Carolina, Oregon, South Carolina, Vermont và Washington cũng kiện TikTok hôm 8.10.

Vào tháng 3.2022, 8 bang ở Mỹ, bao gồm cả California và Massachusetts, cho biết đã tiến hành một cuộc điều tra trên toàn quốc về tác động của TikTok với những người trẻ tuổi.

Trước đó, các bang khác (gồm cả Utah và Texas) kiện TikTok vì không bảo vệ trẻ em khỏi bị tổn hại. TikTok bác bỏ các cáo buộc trong hồ sơ nộp lên tòa án.

TikTok phải đối mặt với các vụ kiện mới do 13 tiểu bang Mỹ và quận Columbia (thuộc bang Washington) đệ trình hôm 8.10 - Ảnh: Internet

TikTok phải đối mặt với các vụ kiện mới do 13 tiểu bang Mỹ và quận Columbia (thuộc bang Washington) đệ trình hôm 8.10 - Ảnh: Internet

Đầu tháng 8, Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện TikTok và công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) vì không bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên ứng dụng chia sẻ video ngắn này.

Chính phủ Mỹ cho biết TikTok đã vi phạm Đạo luật Bảo vệ Quyền riêng tư Trẻ em Trực tuyến, mà theo đó các dịch vụ dành cho trẻ em phải có sự đồng ý của phụ huynh để thu thập thông tin cá nhân từ người dùng dưới 13 tuổi.

TikTok có khoảng 170 triệu người dùng tại Mỹ, hiện phải đấu tranh với luật mới buộc ByteDance (có trụ sở ở thủ đô Bắc Kinh) phải thoái vốn khỏi ứng dụng này tại Mỹ trước ngày 19.1.2024 hoặc đối mặt với lệnh cấm.

Vụ kiện từ Bộ Tư pháp là hành động mới của Mỹ chống lại TikTok và ByteDance vì lo ngại công ty này thu thập không trái phép lượng lớn dữ liệu về người Mỹ cho chính phủ Trung Quốc, đồng thời tác động đến nội dung theo cách có thể gây hại cho người Mỹ.

Có Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) tham gia, vụ kiện cho biết mục đích là chấm dứt "các cuộc xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em trên quy mô lớn bất hợp pháp của TikTok".

TikTok phản hồi rằng: "Chúng tôi không đồng ý với những cáo buộc này, nhiều trong số đó liên quan đến các sự kiện và hoạt động ở quá khứ, không chính xác về mặt thực tế hoặc đã được giải quyết. Chúng tôi tự hào về những nỗ lực bảo vệ trẻ em của mình và sẽ tiếp tục cập nhật, cải thiện nền tảng".

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, TikTok cố tình cho phép trẻ em tạo tài khoản TikTok như bình thường, sau đó tạo và chia sẻ video và tin nhắn dạng ngắn với người lớn cùng những người khác trên ứng dụng. TikTok đã thu thập thông tin cá nhân những đứa trẻ này mà không có sự đồng ý của cha mẹ chúng, Bộ Tư pháp Mỹ nhấn mạnh.

Mỹ cáo buộc rằng trong nhiều năm hàng triệu trẻ em Mỹ dưới 13 tuổi đã dùng TikTok, và ứng dụng này "thu thập, lưu giữ thông tin cá nhân của các em".

"TikTok cố tình và liên tục vi phạm quyền riêng tư của trẻ em, đe dọa đến sự an toàn của hàng triệu trẻ em trên khắp cả nước", theo Chủ tịch FTC - Lina Khan, người đã chuyển vụ việc lên Bộ Tư pháp Mỹ vào tháng 6.

FTC đang tìm kiếm hình phạt lên tới 51.744 USD cho mỗi lần vi phạm một ngày từ TikTok vì thu thập dữ liệu trái phép, về mặt lý thuyết có thể lên tới hàng tỉ USD nếu ứng dụng này bị phát hiện chịu trách nhiệm.

Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc TikTok khai thác khả năng thu thập thông tin từ hàng loạt người dùng dựa trên quan điểm về các vấn đề xã hội gây chia rẽ như kiểm soát súng, phá thai và tôn giáo.

Theo trang SCMP, các luật sư của chính phủ Mỹ đã viết trong một bản tóm tắt đệ trình lên tòa phúc thẩm liên bang tại Washington rằng TikTok và công ty mẹ ByteDance đã sử dụng một hệ thống bộ công cụ web nội bộ có tên Lark để cho phép nhân viên TikTok trò chuyện trực tiếp với các kỹ sư ByteDance tại Trung Quốc.

Các nhân viên TikTok đã sử dụng Lark để gửi dữ liệu nhạy cảm về người dùng Mỹ. Thông tin đó được lưu trữ trên các máy chủ của Trung Quốc và nhân viên ByteDance tại quốc gia châu Á này có thể truy cập được, theo các quan chức liên bang Mỹ.

Một trong những công cụ tìm kiếm nội bộ của Lark cho phép ByteDance và nhân viên TikTok tại Mỹ lẫn Trung Quốc thu thập thông tin về nội dung hoặc biểu đạt của người dùng, gồm cả quan điểm về các chủ đề nhạy cảm, chẳng hạn phá thai hoặc tôn giáo. Năm ngoái, tờ Wall Street Journal đưa tin TikTok đã theo dõi những người dùng xem nội dung LGBTQ thông qua bảng điều khiển, mà công ty Trung Quốc cho biết đã xóa từ đó.

Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ đưa ra lập luận quan trọng trong vụ kiện có thể ảnh hưởng đến tương lai của TikTok.

Bộ Tư pháp Mỹ đã cảnh báo gay gắt về khả năng chính phủ Trung Quốc "thao túng nội dung bí mật", nói rằng thuật toán có thể được thiết kế để định hình nội dung mà người dùng TikTok nhận được.

"Bằng cách chỉ đạo ByteDance hoặc TikTok thao túng thuật toán đó một cách bí mật, Trung Quốc có thể tiếp tục các hoạt động gây ảnh hưởng xấu hiện có và khuếch đại các nỗ lực nhằm làm suy yếu lòng tin vào nền dân chủ của chúng ta và làm trầm trọng thêm sự chia rẽ xã hội", bản tóm tắt của Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết mối lo ngại này còn hơn cả lý thuyết, cáo buộc nhân viên TikTok và ByteDance tham gia vào một hoạt động gọi là "làm nóng", trong đó một số video được quảng cáo để nhận được lượt xem nhất định.

Dù khả năng này cho phép TikTok quản lý nội dung phổ biến và phát tán rộng rãi hơn, các quan chức Mỹ cho rằng nó cũng có thể được sử dụng cho các mục đích bất chính.

Trong tuyên bố về X, TikTok cho biết chính phủ Mỹ chưa bao giờ đưa ra bằng chứng về các tuyên bố của mình, đang thực hiện "các bước không bình thường mà không công khai thông tin rõ ràng" và tự tin sẽ họ thắng kiện.

Các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ đề nghị tòa án cho phép trình bày một phiên bản của tài liệu pháp lý mà không công khai cho TikTok và ByteDance, nhằm bảo mật thông tin nhạy cảm.

Trong phiên bản đã biên tập của các tài liệu gửi tòa án, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết TikTok có một công cụ khác được sử dụng để kiểm soát nội dung dựa trên các từ khóa cụ thể. Một số chính sách nhất định của công cụ này được áp dụng cho người dùng ByteDance ở Trung Quốc, nơi công ty vận hành một ứng dụng tương tự TikTok có tên là Douyin tuân theo các quy tắc kiểm duyệt nghiêm ngặt của Bắc Kinh.

Thế nhưng, các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các chính sách khác có thể đã được áp dụng cho người dùng TikTok bên ngoài Trung Quốc. TikTok đang tiến hành kiểm tra để xác định xem các chính sách liên quan có tồn tại và được áp dụng ở Mỹ vào khoảng năm 2022 hay không, theo thông tin từ các quan chức Bộ Tư pháp.

Chính phủ Mỹ chỉ ra việc chuyển dữ liệu qua Lark để giải thích lý do tại sao các quan chức liên bang không tin rằng Dự án Texas (kế hoạch 1,5 tỉ USD của TikTok để lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ trên các máy chủ do gã khổng lồ công nghệ Oracle sở hữu và bảo trì) là đủ để bảo vệ chống lại các mối lo ngại về an ninh quốc gia.

Trong đơn kiện pháp lý chống lại luật mới do ông Biden ký ban hành hồi tháng 4, TikTok đã dựa rất nhiều vào các lập luận rằng lệnh cấm tiềm tàng vi phạm Tu chính án thứ nhất vì cấm ứng dụng này tiếp tục phát ngôn trừ khi có chủ sở hữu mới thông qua quá trình thoái vốn phức tạp. Tu chính án thứ nhất là một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp Mỹ. Nó bảo vệ các quyền tự do cơ bản thiết yếu cho một xã hội dân chủ. Tu chính án này đã được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hình ngôn luận, gồm cả bài phát biểu chính trị, tự do báo chí và biểu tình.

Ngoài ra, TikTok cũng lập luận rằng việc thoái vốn sẽ thay đổi cách thức giao tiếp trên nền tảng này. Lý do vì một nền tảng mạng xã hội mới sẽ thiếu thuật toán từng thúc đẩy thành công cho nó.

Trong phản hồi của mình, Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng TikTok không đưa ra bất kỳ khiếu nại hợp lệ nào về quyền tự do ngôn luận, nói rằng luật này giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia mà không nhắm vào ngôn luận được bảo vệ. Cơ quan này lập luận rằng Trung Quốc cùng ByteDance, với tư cách là các thực thể nước ngoài, không được Tu chính án thứ nhất bảo vệ.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tiktok-bi-13-bang-o-my-kien-cao-buoc-gay-hai-cho-nguoi-dung-tre-tuoi-224690.html