Tìm cách đối mặt với 'bức tường' phòng vệ thương mại
Khi nền kinh tế thế giới hội nhập và đan xen với nhau một cách chặt chẽ thì xu hướng nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia lớn, có thực lực sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa của nước mình cũng gia tăng. Đó là một thực tế mà các doanh nghiệp (DN) các ngành hàng phải đối diện khi xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.
Ngoài những lợi ích như dỡ bỏ rào cản về thuế quan thì “bức tường” phòng vệ thương mại là sự ngăn cản, làm khó cho một nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam. Theo Bộ Công thương, đến nay DN trong nước đã phải đối mặt với 189 vụ kiện phòng vệ thương mại. Riêng trong 5 năm gần đây đã có tới 91 vụ kiện, tập trung tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như: Hoa Kỳ, Australia, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ với các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là thép, dệt may, thủy hải sản, gỗ…
Trong khi đó, số vụ việc Việt Nam chủ động khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu lại chưa tới 20, một chênh lệch “không hề nhẹ” cho thấy sự yếu thế của chúng ta. Và rằng, dù có nhiều thuận lợi song các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết chưa hẳn hoàn toàn là “màu hồng”.
Không cách nào khác, phải nâng cao năng lực thích ứng của nền kinh tế trong việc chống lại các vụ kiện thương mại lẫn chủ động khởi kiện, áp dụng điều tra hàng hóa nhập khẩu nước ngoài, dựng hàng rào bảo vệ sản phẩm, DN trong nước một cách phù hợp.
Trước thực tế ấy, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BCT triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại. Theo đó, tập trung đào tạo phòng vệ thương mại cho ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là các hiệp hội và cộng đồng DN, cung cấp thông tin diễn ra hằng ngày, hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng vệ thương mại một cách hiệu quả cũng như tăng cường năng lực thực thi phòng vệ thương mại của Việt Nam…
Cùng với hoạt động của cơ quan hữu trách, về phía cộng đồng DN, hơn ai hết phải tự nhận thức rõ trách nhiệm, lợi ích sát sườn của mình. Muốn vươn ra biển lớn phải tích lũy năng lực, trong đó có năng lực phòng vệ thương mại. Việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để nâng cao năng lực thích ứng trên thị trường xuất khẩu quốc tế, phát hiện và xử lý những DN nước ngoài vi phạm nguồn gốc xuất xứ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam là hết sức quan trọng. Điều tối quan trọng hơn nữa, DN phải bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ, minh bạch về sổ sách, truy xuất được về hồ sơ gốc của sản phẩm để có thể đáp ứng mọi yêu cầu khi bị làm khó.