Tìm cách vượt khó sản xuất vụ lúa đông xuân

Giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào tăng cao, gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất lúa vụ đông xuân của nhà nông. Thế nhưng, bà con đang tính toán lại các khâu sản xuất một cách phù hợp, quyết tâm giành thắng lợi vụ đông xuân 2021-2022.

Vụ đông xuân năm nay, diện tích sản xuất lúa toàn tỉnh dự kiến khoảng 4.500 - 4.900 ha. Các năm trước, vụ sản xuất lúa đông xuân thường diễn ra thuận lợi đối với nông dân.

Thế nhưng, năm nay bà con nông dân đang phải đối diện với nhiều khó khăn cùng lúc. Nguyên nhân là do giá cả hầu hết các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tại các cánh đồng lúa lớn trong tỉnh, nông dân đang đẩy mạnh các bước chuẩn bị đất đai, giống, phân bón để sản xuất lúa đông xuân. UBND các huyện, thành phố cũng đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, trong đó có nhiều diện tích lúa.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thụ, thôn Nam Thanh, xã Nâm N’đir (Krông Nô) có 2 sào lúa. Mỗi vụ gieo cấy, gia đình ông thường mua khoảng 10 kg lúa giống. Ông cũng bón phân 3 đợt cho ruộng lúa (1 đợt bón lót và 2 đợt bón thúc).

Vụ đông xuân này, ông chuẩn bị xuống giống lúa RVT. Thế nhưng, do chi phí sản xuất đang đội lên gấp 2 lần so với những năm trước, nên gia đình ông đang xem xét đến khả năng cắt giảm chi phí đầu tư.

 Nông dân sản xuất lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 đối mặt với khó khăn vì chi phí tăng cao

Nông dân sản xuất lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 đối mặt với khó khăn vì chi phí tăng cao

Tương tự, gia đình chị Hứa Thị Niên, thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh, cũng đang chuẩn bị gieo sạ gần 2 ha lúa đông xuân. Chị Niên cho biết, mỗi ha đất, gia đình thường gieo sạ 1,2 tạ lúa giống, chi phí khoảng 2,7 triệu đồng. Chị bón lót 3 tạ phân, lân, với chi phí khoảng 2,1 triệu đồng.

Sau khi xuống giống, chị còn bón phân thêm 3 lần theo các thời kỳ phát triển của cây lúa. Dự trù, vụ này chi phí sản xuất 2 ha lúa vào khoảng 80-90 triệu đồng, chưa kể công cán làm cỏ, tưới nước. Mức chi phí này cao gấp 2 lần so với mọi năm.

"Đây thật sự là gánh nặng lớn đối với nông dân chúng tôi. Chúng tôi buộc phải tính toán lại các khâu để cắt giảm chi phí, bảo đảm kế hoạch sản xuất”, chị Niên cho biết.

Theo Sở NN - PTNT, hiện nay giá vật tư nông nghiệp đang tăng cao, khiến chi phí đầu vào sản xuất vụ đông xuân đội lên rất nhiều. Điều này gây khó khăn cho người dân khi bước vào mùa vụ.

Trước bối cảnh này, ngành Nông nghiệp khuyến khích nhà nông cần chọn sản xuất các giống lúa tốt, đã được khảo nghiệm thành công ở các địa phương. Việc gieo cấy, sạ cần có mật độ phù hợp. Từ đó, tạo điều kiện để cây lúa phát triển tốt, giúp giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc…

Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục khuyến khích, nhân rộng quy trình sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng” (Giảm phân, giảm giống, giảm thuốc trừ sâu; tăng năng suất, tăng thu nhập, tăng chất lượng sản phẩm).

Lãnh đạo ngành NN - PTNT cho biết, hiện đơn vị đang triển khai các biện pháp nhằm ứng phó với tình thế hiện nay. Trước hết, ngành Nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân tiết kiệm, giảm chi phí đầu tư, bảo đảm hiệu quả sản xuất.

Ngành cũng khuyến khích nông dân linh hoạt áp dụng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để giúp vụ đông xuân đạt được kết quả tốt. Tại những cách đồng lớn ở Cư Jút, Krông Nô, người dân cần xuống giống, chăm sóc đồng loạt, nhanh, gọn, tránh gieo sạ dày để giúp cây lúa dễ phát triển...

Bài, ảnh: Trần Lê

727

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/tim-cach-vuot-kho-san-xuat-vu-lua-dong-xuan-90673.html