Tìm 'cửa sáng' phục hồi xuất nhập khẩu
TS. LÊ QUỐC PHƯƠNG - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thươngSự sụt giảm xuất khẩu - một trong những động lực chính của tăng trưởng - trong quý I.2023 làm dấy lên những lo ngại đối với tăng trưởng kinh tế của cả năm nay. Dù vậy, Việt Nam vẫn có những 'cửa sáng' để khôi phục hoạt động này, với điều kiện phải có chiến lược cùng những giải pháp đồng bộ.
“Trong nguy có cơ”
Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới cuối thập niên 1980, Việt Nam thúc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu như một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn từ khi xuất khẩu bắt đầu tăng tốc (1990) cho đến trước đại dịch Covid-19 (2019), xuất khẩu nước ta tăng trưởng bình quân 21,4% năm, thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Trong năm 2023, ngay từ quý I xuất khẩu đã giảm 11,9% so với cùng kỳ 2022. Tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực cho thấy sự sụt giảm khá cao, như Trung Quốc giảm 13,8%, EU giảm 10,8%, đặc biệt là Mỹ giảm tới 21,6%. Hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh (hàng dệt may giảm 17,4%, điện tử máy tính và linh kiện giảm 10,9%, điện thoại và linh kiện giảm 15%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,3%).
Ở chiều ngược lại cũng chứng kiến sự sụt giảm nhập khẩu tới 14,7% trong quý I, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, bởi 90% kim ngạch nhập khẩu là nguyên phụ liệu đầu vào và máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động này.
Thực trạng này là đáng lo ngại. Bởi trong 35 năm đổi mới 1987 - 2022, duy nhất chỉ năm 2009 xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng âm (-9,7%) do khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 - 2009. Ngay cả khi đối mặt với những cú sốc lớn trước đây, như sự sụp đổ của Liên Xô và các nhà nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu (khi đó là các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam) giai đoạn 1989 - 1991, khủng hoảng kinh tế châu Á 1997 - 1998, hay đại dịch Covid-19 2020 - 2021, xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng dương.
Trên thế giới, xung đột Nga - Ukraine từ tháng 2.2022 kéo theo các đòn trừng phạt, cấm vận khắc nghiệt của phương Tây, đẩy giá năng lượng, lương thực và nhiều hàng hóa khác trên thế giới tăng vọt. Giá cả tăng mạnh dẫn đến lạm phát cao kỷ lục tại nhiều quốc gia, buộc các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Thắt chặt tiền tệ khiến nhiều nền kinh tế lớn suy giảm mạnh, thậm chí có thể suy thoái.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong các báo cáo cập nhật hàng quý đã liên tục hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023, từ 5,2% (báo cáo tháng 4.2021) xuống 2,8% (báo cáo tháng 4.2023), mức thấp thứ nhì từ năm 2010 đến nay (chỉ cao hơn năm 2020 là năm đại dịch bùng phát). Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo bi quan hơn là GDP toàn cầu năm 2023 chỉ tăng 2%.
Những khó khăn bên ngoài đã tác động mạnh đến Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở rất lớn. Kinh tế toàn cầu suy giảm và thắt chặt chi tiêu tại nhiều nước khiến nhu cầu thế giới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm. Nhiều đơn hàng xuất khẩu đã ký bị hủy hoặc giãn, trong khi đơn hàng mới giảm mạnh.
Một số quốc gia đưa ra quy định mới về chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, áp đặt quy định môi trường mới như thu phí carbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu, khiến xuất khẩu của Việt Nam càng gặp khó khăn.
Giá hàng hóa thế giới đứng ở mức cao, khiến giá nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp tăng. Lãi suất cho vay hiện khá cao khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng mạnh. Thiếu đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, buộc nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động hoặc giãn việc làm.
Kết quả là tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%, nếu xét trong giai đoạn 2011 - 2023 thì chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I.2020 là năm đại dịch bùng phát. Tăng trưởng GDP quý I thấp vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của tăng trưởng xuất khẩu âm, do mối quan hệ tác động qua lại giữa GDP và xuất khẩu.
Thực trạng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I.2023 là rất khó khăn, song vẫn có cơ hội phục hồi xuất nhập khẩu trong những quý cuối năm.
Một là, từ quý II.2023, lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn có dấu hiệu giảm nhiệt (chủ yếu do giá năng lượng và lương thực thế giới hạ). Theo đó, các chính phủ dần nới lỏng chính sách tiền tệ thắt chặt để phục hồi kinh tế. Nguy cơ suy thoái của nhiều nền kinh tế cũng giảm. Việc Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero Covid khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có khả năng phục hồi tốt. Nếu nửa cuối năm 2023, kinh tế thế giới hồi phục thì nhu cầu thế giới với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên.
Hai là, trong khi cả xuất khẩu và nhập khẩu quý I.2023 giảm mạnh thì Việt Nam vẫn duy trì xuất siêu 4,07 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu 1,9 tỷ USD năm 2022 và 2,5 tỷ USD năm 2021. Điều này cho thấy khu vực xuất khẩu của Việt Nam (đặc biệt là khu vực FDI) có nền tảng khá bền vững. Một khi kinh tế thế giới hồi phục, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng tốc bứt phá.
Ba là, tuy tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu quý I.2023 suy giảm mạnh, song quy mô xuất nhập khẩu vẫn tương đương với quý I.2021 (trên 154 tỷ USD). Xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, tổng cầu thế giới sụt giảm, lạm phát và suy giảm kinh tế ở nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, thì việc xuất nhập khẩu quý I.2023 duy trì quy mô tương đương với cùng kỳ 2021 được xem là một điểm sáng.
Bốn là, xuất khẩu một số nông sản trong quý I tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá. Xuất khẩu rau quả tăng 10,6%, hạt điều tăng 14,2% về lượng và 16,6% về trị giá, gạo tăng 30,1% về lượng và 19,3% về trị giá. Việc Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, mở lại biên giới sau Covid đồng thời lần đầu tiên cho phép nhập khẩu chính ngạch một số nông sản Việt Nam từ đầu năm 2023 đã tạo cơ hội tăng xuất khẩu các mặt hàng này. Tuy nông sản hiện chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, song việc tăng xuất khẩu nông sản sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của người nông dân vốn gặp nhiều khó khăn.
Tận dụng tốt FTA, "bám sát" thị trường nội địa
Trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm hiện nay, để tháo gỡ khó khăn cho các ngành xuất khẩu, cần thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp.
Thứ nhất, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Với 16 FTA đang có hiệu lực, Việt Nam hiện đứng đầu các nước đang phát triển và đứng đầu ASEAN về số lượng FTA nhiều và lớn. Song cơ hội to lớn do các FTA mang lại vẫn chưa được các doanh nghiệp khai thác triệt để. Tận dụng tối đa ưu thế của các FTA sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay.
Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp tục đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, giảm bớt phụ thuộc vào các thị trường và sản phẩm truyền thống. Đặc biệt, cần mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu với các thị trường còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Bắc Âu và Đông Âu.
Thứ ba, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp xuất nhập khẩu). Thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như hạ các loại thuế, phí, hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi thuận lợi. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại do các đối tác thương mại áp dụng. Theo dõi sát biến động của kinh tế thế giới và thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn để kịp thời đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, triển khai mạnh các giải pháp kích cầu thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Tuy thị trường trong nước không thể sánh được với thị trường thế giới về quy mô và sức mua, song 100 triệu dân với sức mua đang tăng lên là một điểm tựa quan trọng giúp kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Không riêng Việt Nam mà nhiều nền kinh tế lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan) vốn hưởng lợi lớn khi môi trường quốc tế thuận lợi, nay đều thực hiện chính sách thúc đẩy tiêu dùng trong nước.