Tìm đầu ra cho hàng hóa kinh tế tập thể

Nhìn tổng thể qua 16 năm thực hiện đổi mới phát triển kinh tế tập thể, các hợp tác xã đã hoạt động ngày càng thực chất hơn so với trước đây.

Các tổ hợp tác đã tạo việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho tổ viên. Ảnh minh họa: Hoàng Nhị - TTXVN

Các tổ hợp tác đã tạo việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho tổ viên. Ảnh minh họa: Hoàng Nhị - TTXVN

Những năm qua, bên cạnh thực hiện các chính sách, bồi dưỡng nguồn nhân lực, Cà Mau ưu tiên tập trung xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho hàng hóa kinh tế tập thể và gắn với đó là hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ, chính sách tiếp cận vốn…

Nhờ đó, giúp các hợp tác xã trong tỉnh phát triển, chất lượng ngày càng đi vào chiều sâu, sản xuất theo chuỗi giá trị được thực hiện khá tốt, nhiều mô hình thực hiện chuỗi liên kết khá.

Đa dạng các mô hình

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, thời gian qua tỷ lệ hợp tác xã áp dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ cao tăng lên rõ rệt, đặc biệt là trên lĩnh vực ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có 213 hợp tác xã đang hoạt động; trong đó có 143 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp với trên 2.700 thành viên, mức thu nhập bình quân là trên 110 triệu đồng/thành viên/năm. Chiếm số lượng nhiều nhất là trên lĩnh vực thủy sản với 83 hợp tác xã, kế đó là trồng trọt, với 30 hợp tác xã.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 1.085 tổ hợp tác; trong đó có 1.050 tổ hợp tác thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 38 tổ hợp tác thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp.

Thời gian qua, các tổ hợp tác đã tạo việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho tổ viên, hướng dẫn, giúp đỡ tổ viên áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất.

Điều này góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình, làm tiền đề để các tổ hợp tác phát triển thành hợp tác xã.

Chia sẻ về hiệu quả khi tham gia liên kết sản xuất trong hợp tác xã, ông Nguyễn Trường Đời, thành viên Hợp tác xã Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời phấn cho hay, trước khi tham gia vào hợp tác xã thì nông dân sản xuất theo kiểu mạnh ai người nấy làm, bà con ít quan tâm về vấn đề kỹ thuật, chịu chi phí sản xuất cao mà giá lúa bấp bênh nên gặp hoài cái cảnh huề vốn sau vụ mùa. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào hợp tác xã, tập quán canh tác lúa của ông và nhiều nông dân thay đổi hẳn.

“Nông dân không chỉ biết áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, năng suất lúa cao, giảm được chi phí sản xuất, mà quan trọng là không còn nỗi lo giá lúa lên xuống thất thường. Tính toán sản xuất giống lúa gì, rồi liên hệ với các công ty để cung cấp vật tư nông nghiệp cho nông dân, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm - tất cả việc này đều được lãnh đạo hợp tác xã chu toàn”, ông Đời phấn khởi cho biết.

Hiệu quả hoạt động tạo được niềm tin trong nông dân, đến nay, Hợp tác xã Kinh Dớn ngày càng phát triển. Từ 27 thành viên lúc thành lập vào năm 2014, đến nay đã tăng lên 65 thành viên, diện tích canh tác 123 ha. Không dừng lại ở đó, mong muốn giúp nông dân trồng lúa yên tâm sản xuất, hợp tác xã đã mạnh dạn chủ động tìm kiếm thị trường và đã ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Ngọc Quang Phát (Cần Thơ) để xuất khẩu gạo sang thị trường nước ngoài.

Anh Nguyễn Vũ Trường, Giám đốc Hợp tác xã Kinh Dớn chia sẻ, khi hợp tác xã ký kết hợp đồng cung cấp lúa để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài thì việc áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất lại càng đặc biệt được chú trọng.

Nhờ đó, hạt gạo của hợp tác xã đạt chất lượng cao, được khách hàng ở thị trường châu Âu và Mỹ chấp nhận.

Tính riêng vụ lúa vừa rồi, hợp tác xã thu mua 6.000 tấn lúa của xã viên và nông dân ở các xã lân cận, trong đó, cung cấp 3.000 tấn lúa cho Công ty Ngọc Quang Phát để xuất khẩu, phần còn lại cung cấp cho một số doanh nghiệp khác.
Không chỉ trở thành điểm tựa của nông dân khi thu mua lúa có giá cao hơn so với thị trường từ 200 - 500 đồng/kg, những năm qua, Hợp tác xã Minh Tâm, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời còn tạo ra được sản phẩm đặc trưng của hợp tác xã.
Từ đó vào cuối năm 2018, nhãn hiệu “Gạo sạch Minh Tâm” chính thức có mặt trên thị trường. Ông Tạ Minh Kha, Giám đốc hợp tác xã Minh Tâm nhấn mạnh, quy trình sản xuất gạo sạch của hợp tác xã rất chặt chẽ, nghiêm ngặt. Từ các khâu chọn lúa giống, phân, thuốc… đều phải có nguồn gốc rõ ràng.
Đặc biệt, hợp tác xã không sử dụng phân hóa học, chỉ sử dụng phân đạm sinh học, phân công nghệ sinh học. Khi lúa chín, ngành chuyên môn lấy mẫu kiểm tra, đạt chất lượng mới cấp giấy chứng nhận.

Sau khi lúa được thu hoạch, phải đưa ngay về nhà máy sấy lúa ở Cà Mau để đảm bảo độ thơm, sáng của hạt gạo, sau đó mới đưa về hợp tác xã sẽ đóng gói thành phẩm.

Tạo trợ lực vững chắc

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể", những năm qua, tỉnh đã có sự quan tâm thúc đẩy mô hình kinh tế tập thể không ngừng phát triển về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh.

Nhiều hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả thiết thực cho thành viên và hợp tác xã. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Nhiều hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả thiết thực cho thành viên và hợp tác xã. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Tuy nhiên, thực tế việc vận hành, phát triển mô hình kinh tế tập thể ở một số nơi còn bộc lộ nhiều yếu kém, có nơi còn mang tính hình thức nên chưa tạo được lòng tin, chưa có sức hút đông đảo người dân và các thành phần kinh tế khác tham gia, hợp tác phát triển.
Nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh đã triển khai thực hiện hàng loạt các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ về đất đai, tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... Đến nay, tỉnh đã xây dựng và ban hành các chương trình phát triển kinh tế tập thể tương đối đồng bộ để chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể từ tỉnh đến cơ sở.
Nhìn tổng thể qua 16 năm thực hiện đổi mới phát triển kinh tế tập thể, các hợp tác xã đã hoạt động ngày càng thực chất hơn so với trước đây.

Nhiều hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả thiết thực cho thành viên và hợp tác xã, có sản phẩm áp dụng công nghệ cao được bình xét tiêu biểu toàn quốc.

Đặc biệt, nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Nói về định hướng phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau, Đỗ Văn Sơ cho biết, phấn đấu trong năm 2020, toàn tỉnh Cà Mau sẽ có trên 60% hợp tác xã hoạt động đạt hiệu quả tốt.

Muốn làm được điều đó, ngoài việc phải quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển thì chúng tôi đang xây dựng kế hoạch thí điểm các câu lạc bộ nhà nông. Đồng thời, trước mắt là rà soát, củng cố và nâng chất lượng hoạt động của số hợp tác xã hiện có.
Theo đó, thời gian tới sẽ thành lập 9 câu lạc bộ nhà nông thành lập ở các huyện, thành phố. Các câu lạc bộ này sẽ trở thành “điểm liên kết” thông tin và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, chính quyền, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và giữa nông dân với nông dân, để tạo tiền đề vận động nông dân tham gia vào kinh tế tập thể ngày càng nhiều hơn.
Ngoài ra, đây còn là nơi để các doanh nghiệp cung cấp thông tin nhu cầu thị trường, yêu cầu về tiêu chuẩn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhãn hiệu hàng hóa, quản lý quy trình sản xuất ra sản phẩm, truy nguyên nguồn gốc... để các hợp tác xã thực hiện đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Từ đó, mới có sự bao tiêu, đầu tư sản xuất ổn định, giảm được chi phí trung gian, nâng cao thu nhập cho nông dân khi tham gia vào kinh tế hợp tác xã, làm nền tảng để hợp tác xã phát triển bền vững trong thời gian tới./.

Huỳnh Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tim-dau-ra-cho-hang-hoa-kinh-te-tap-the/159622.html