Tìm dư địa cho Thái Bình phát triển

Thái Bình có lao động dồi dào, chất lượng tương đối cao so với mặt bằng chung cả nước, vì vậy hướng phát triển công nghiệp cần phát huy tối đa, hiệu quả nguồn nhân lực của tỉnh.

Trưởng ban KTTW Nguyễn Văn Bình làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình. Ảnh: Ban KTTW cung cấp

Trưởng ban KTTW Nguyễn Văn Bình làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình. Ảnh: Ban KTTW cung cấp

Ngày 12/8/2020, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương (KTTW) đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về góp ý Dự thảo văn kiện đại hội trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Báo cáo của tỉnh Thái Bình cho biết, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn tỉnh đã nỗ lực, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX. Theo đó, kinh tế địa phương liên tục tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế được nâng lên. Tổng sản phẩm GRDP bình quân 5 năm (2016 - 2020) ước tăng 9%/năm, vượt mục tiêu Đại hội XIX đề ra (8,6%/năm), cao hơn mức trung bình cả nước và gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước (6,7%/năm).

Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh luôn vượt xa dự toán được giao, năm cuối nhiệm kỳ ước đạt cao gấp gần 2 lần năm đầu nhiệm kỳ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn, nhất là nguồn vốn xã hội hóa. Hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh; bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng được cải thiện theo hướng văn minh, hiện đại…

Tuy nhiên, nhiệm kỳ qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Kinh tế của tỉnh tuy đạt tốc độ tăng trưởng khá, nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nông nghiệp chủ yếu vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún…

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban KTTW Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, với thế mạnh truyền thống và các kết quả đạt được trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Thái Bình cần quan tâm vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nghiên cứu giải phóng nguồn lực đất đai và con người trong nông nghiệp để chuyển sang phục vụ công nghiệp.

Trưởng ban KTTW cho biết, hiện nay, Thái Bình đang ở nhóm phát triển thấp nhất trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, vì vậy, bên cạnh những thuận lợi đã có, Thái Bình phải nghiên cứu tìm ra những động lực mới để có thêm dư địa đẩy mạnh phát triển kinh tế trong thời gian tới. Ví dụ, nghiên cứu khả năng lấy kinh tế biển và vùng ven biển là một động lực mới, tạo thế tiến ra biển để mở rộng không gian phát triển của Thái Bình.

Về giao thông, Trưởng ban KTTW đề nghị cần phân tích vị trí địa lý của Thái Bình để phát huy được thế mạnh của tỉnh. Theo đó, tỉnh cần có giải pháp kết nối giao thông cả đường bộ, đường thủy với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ, đặc biệt lưu ý kết nối với Hải Phòng có cảng biển và cảng hàng không, nhằm giải quyết được tính biệt lập của Thái Bình so với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, góp phần hỗ trợ cho logistic vận chuyển hàng hóa và phát triển giao thông của tỉnh.

Về phát triển công nghiệp, Trưởng ban KTTW nhất trí với mục tiêu tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và đề nghị tỉnh cần đánh giá vị trí của tỉnh trong tứ giác phát triển Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Thanh Hóa để xác định hướng đi phù hợp; không hướng vào lĩnh vực khai khoáng do nguồn tài nguyên nhỏ không đủ quy mô và hiệu quả, thay vào đó dùng quỹ đất để tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-08-12/tim-du-dia-cho-thai-binh-phat-trien-90895.aspx