Tìm được mẹ ruột sau 33 năm nhờ bản đồ vẽ theo trí nhớ ở Trung Quốc

Cố nhớ lại những hình ảnh quê hương và vẽ thành bản đồ giúp Li Jingwei thành công đoàn tụ gia đình sau thời gian dài bị bắt cóc.

Qua một video trên mạng xã hội Trung Quốc ngày 28/12, Li Jingwei (37 tuổi) cho biết nhờ chiếc bản đồ anh tự vẽ lại dựa theo trí nhớ, cảnh sát đã giúp anh đoàn tụ mẹ đẻ sau nhiều năm, theo South China Morning Post.

Trước đó, Li đã cung cấp mẫu máu cho chính quyền địa phương cũng như dò hỏi trên mạng xã hội để tìm manh mối về nơi mình sinh ra. Sau khi thu hẹp phạm vi nhờ tấm bản đồ vẽ tay của Li, cảnh sát xác định nơi anh sinh ra là một ngôi làng gần thành phố Chiêu Thông (tỉnh Vân Nam).

Chính quyền địa phương cũng tìm thấy một người phụ nữ có khả năng cao là mẹ ruột Li. Sau khi tiến hành xét nghiệm ADN, kết quả xác nhận hai người đúng là mẹ con. Cuộc đoàn tụ sẽ diễn ra vào ngày 1/1 tới. Theo chính quyền địa phương, cha Li đã qua đời.

 Sau nhiều năm bị bán đến nơi cách nhà gần 2.000 km, Li đoàn tụ mẹ ruột khi đã là người đàn ông trưởng thành, có gia đình riêng. Ảnh: Weibo.

Sau nhiều năm bị bán đến nơi cách nhà gần 2.000 km, Li đoàn tụ mẹ ruột khi đã là người đàn ông trưởng thành, có gia đình riêng. Ảnh: Weibo.

Khi mới lên 4, Li bị bắt cóc và bán cho gia đình bố mẹ nuôi ở tỉnh Hà Nam, cách nhà gần 2.000 km. Hiện, anh đã có gia đình riêng và không còn nhớ được tên thật của mình.

Người đàn ông 37 tuổi có động lực để tìm lại gia đình ruột sau khi nghe về câu chuyện nổi tiếng của Guo Gantang và Sun Haiyang, hai người cha đoàn tụ con trai bị bắt cóc sau nhiều năm tìm kiếm.

"Tôi nhận ra mình không thể chờ đợi thêm nữa vì có thể cha mẹ tôi hiện đã già. Tôi lo rằng khi tôi tìm lại được cội nguồn, họ đã qua đời. Khi thấy câu chuyện của ông Guo, tôi nghĩ mình nên cố gắng tìm cha mẹ ruột, gặp lại họ khi họ vẫn còn sống", Li nói.

 Li nhớ rõ được nhiều chi tiết cụ thể về nơi mình sinh ra. Ảnh: Weibo.

Li nhớ rõ được nhiều chi tiết cụ thể về nơi mình sinh ra. Ảnh: Weibo.

Tấm bản đồ vẽ tay của Li chi tiết tới mức khiến nhiều người kinh ngạc. Nó mô tả những ngôi nhà trông như thế nào, cách dân làng dùng những chiếc xô lớn bằng gỗ để nấu cơm ra sao. Li nhớ anh bị một người hàng xóm dụ dỗ bằng đồ chơi rồi bắt cóc.

"Suốt thời gian dài, nhớ về bố mẹ và những thứ xung quanh nhà đã là thói quen của tôi".

Khi còn đi học, Li từng rất đau khổ khi đọc những bài báo về các cuộc đoàn tụ gia đình. Nhưng thời gian trôi qua, anh dần bị cuốn vào công việc bận rộn rồi chuyện kết hôn, có con.

Li không đề cập đến chuyện đối diện với bố mẹ nuôi của mình. Thời gian qua, nhiều người bị bắt cóc ở Trung Quốc không tiến hành kiện cha mẹ nuôi vì thường có mối quan hệ tốt với họ.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tim-duoc-me-ruot-sau-33-nam-nho-ban-do-ve-theo-tri-nho-o-trung-quoc-post1286495.html