Tìm đường đi trong 'mê cung' chọn trường, lựa lớp mùa tuyển sinh

Mỗi năm đến kỳ thi tuyển sinh đầu cấp, phóng viên mảng giáo dục lại được dịp ôn lại cảm xúc khi đã từng trải qua những lo lắng, hồi hộp cùng con đi thi và trên hết là sự đồng cảm với các bậc phụ huynh trước trăn trở về việc lựa trường, chọn lớp cho con.

“Ma trận” trường lớp

Trước một “rừng” thông tin cùng hàng trăm cơ sở giáo dục thuộc nhiều loại hình, phương thức hoạt động, phụ huynh hoang mang, lo lắng khi không biết nên cho con mình theo học mô hình trường lớp nào, học công lập hay tư thục, học trường chuyên lớp chọn hay học theo trường “làng”, học trường quốc tế trong nước hay cho con du học? “Ma trận” trường lớp khiến đa số bậc phụ huynh bối rối khi lựa chọn mô hình học tập cho con theo mỗi bậc học.

Nhà báo Vinh Hương

Tác động của trường học tới sự phát triển của các con là rất lớn và không thể làm lại, vì thế sự cân nhắc thận trọng của phụ huynh là điều hết sức cần thiết.

Là phóng viên được tòa soạn phân công theo dõi lĩnh vực giáo dục, lợi thế mà tôi thấy tâm đắc chính là bản thân có cơ sở để định hướng, lựa chọn cho con mình môi trường giáo dục phù hợp, cũng như có thể đưa ra một số thông tin về xu hướng giáo dục giúp bạn bè, đồng nghiệp tham khảo trong cả một quãng đường dài đồng hành cùng con. Có thể nói, giáo dục luôn là đề tài được nhà nhà quan tâm khi con cái đến tuổi học hành, bởi vậy mỗi năm đến hẹn lại lên các bài viết về đề tài về thi cử, chọn trường, chọn lớp… lại được nhiều bạn đọc đón nhận. Với yêu cầu đổi mới liên tục của ngành giáo dục đáp ứng nhu cầu người học, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, có thể nói thông tin về giáo dục luôn “chạy” theo những đề tài quen thuộc nhưng lại được phản ánh dưới nhiều góc nhìn mới, đánh giá mới, mục tiêu định hướng mới.

Đây cũng chính là lý do vì sao phụ huynh dù đã có kinh nghiệm của bạn bè, bố mẹ hay từ chính bản thân qua những lần tiếp cận, tìm hiểu thông tin cho đứa con đầu thì vẫn rơi vào lo lắng, băn khoăn khi đứa con tiếp theo bước vào các giai đoạn chuyển cấp học. Trong một “mê cung” như vậy, điều mà tôi nhận thấy là không có mô hình nào hoàn hảo với tất cả trẻ.

Thay vì chạy theo nguyện vọng của người lớn, hay hướng tới mục tiêu cao nhất như trường chuyên lớp chọn, cha mẹ cần căn cứ vào thực lực của con em mình, cùng với đó là điều kiện kinh tế gia đình đồng thời thống nhất quan điểm giáo dục hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện cho con em mình để chọn lựa phù hợp. Trước khi tìm trường, chọn lớp, cần nhất là phụ huynh phải hiểu rõ mong muốn của bản thân mình và con cái cũng như thực lực, tố chất của con mình.

Phóng viên tác nghiệp trong mùa thi cần nhanh nhẹn, linh hoạt để cập nhật tin tức, hình ảnh sớm nhất đến tòa soạn

Phóng viên tác nghiệp trong mùa thi cần nhanh nhẹn, linh hoạt để cập nhật tin tức, hình ảnh sớm nhất đến tòa soạn

Tranh cãi không dứt chọn hệ chuyên hay hệ thường

Dù vào được trường chuyên luôn là niềm tự hào của các bậc phụ huynh nhưng những tranh cãi nảy lửa xung quanh việc có nên cho con quay cuồng trong “cuộc đua” trường chuyên lớp chọn vẫn không có điểm dừng từ nhiều năm nay. Chắc chắn, vào được những trường chuyên uy tín cả nước như trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Sư phạm, chuyên Ngoại ngữ… vẫn là một trong những “đỉnh cao” của quãng đời học sinh của mỗi người. Tuy nhiên, những câu chuyên mà tôi đã được chứng kiến thì “đỉnh cao” này có những cái giá phải trả không đáng có.

Có con đỗ vào chuyên Sử trường THPT chuyên Sư phạm, một phụ huynh chia sẻ với tôi rằng sau một học kỳ đầu tiên, con càng ngày càng thu mình, chỉ vùi đầu vào bài vở. Vốn dĩ là một cậu bé đa tài, thích Lịch sử, có năng khiếu hội họa, ngoại ngữ, thích thể thao nhưng cậu chối bỏ hết những hoạt động không trong phạm vi các môn học trên lớp để dành toàn bộ sức lực nâng cao thành tích. Qua tìm hiểu từ bạn bè, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh này biết được hóa ra chuyên Sử không có nghĩa chỉ cần giỏi môn Lịch sử và các môn xã hội mà đã vào trường chuyên thì phải giỏi tất cả các môn. Trong trường hợp này, do không thực sự vượt trội với các môn tự nhiên nên con chị rơi vào trạng thái căng thẳng, thậm chí tự ti, không muốn giao tiếp với bạn bè, khép kín cả với bố mẹ.

Nhận thấy con mình không ổn định về sức khỏe thể chất, tinh thần, chị đã xin tư vấn về việc chuyển con ra lớp thường hay không. Rất may, sự lựa chọn chuyển sang trường thường dù rất tiếc nuối của gia đình này đã giúp cậu bé tự tin, tỏa sáng trở lại và đạt thành tích tốt trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, có học bổng toàn phần du học với bộ môn cậu yêu thích từ bé. “Nghĩ lại tôi vẫn thấy lo sợ vì nếu cứ tiếc nuối danh hiệu trường chuyên, để con mình đối mặt với áp lực học tập như vậy, con tôi rất có khả năng bị ảnh hưởng tâm lý lâu dài” - vị phụ huynh này chia sẻ.

Không có mô hình trường học nào là hoàn hảo như các bậc phụ huynh mong muốn, chỉ có môi trường giáo dục phù hợp nhất với con em mình

Không có mô hình trường học nào là hoàn hảo như các bậc phụ huynh mong muốn, chỉ có môi trường giáo dục phù hợp nhất với con em mình

Có hay không “công thức” chọn trường?

Như nêu ở trên, không có mô hình trường học nào là hoàn hảo như các bậc phụ huynh mong muốn, chỉ có môi trường giáo dục phù hợp nhất với con em mình. Thực tế đã tìm hiểu về giáo dục nhiều năm nhưng bản thân tôi cũng cần tư vấn bởi các chuyên gia, các thầy cô kinh nghiệm trong việc tìm trường cho con.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cái khó của phụ huynh ngày nay là bị lạc trong “mê cung” thông tin, khi bất cứ trường nào cũng sẽ dùng truyền thông như một cách để tạo nên thương hiệu của trường học, khi những diễn đàn phụ huynh cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin song lại quá sa vào những tiểu tiết và đôi khi có những đánh giá chủ quan, khiến cho bạn thấy cây mà không thấy rừng.

“Trong “ma trận” thông tin này, thì không cách nào tốt hơn là việc bạn đến và cảm nhận trực tiếp cái mà tôi thường gọi là “ngôi trường tinh thần” nằm bên trong khuôn khổ của một ngôi trường vật chất… Một trường học có những con người hiểu biết, chính trực, có trách nhiệm và giàu lòng yêu thương thì tất yếu sẽ là một trường học tử tế, dù nó nằm ở nơi xa xôi hẻo lánh hay không được trang bị đủ đầy về cơ sở vật chất.

“Linh hồn” của mỗi ngôi trường luôn là bầu không khí của sự nhân ái, tôn trọng, niềm đam mê học hỏi và sáng tạo toát lên từ mỗi cá nhân - những mảnh ghép nhỏ nhất trong trường học ấy. Bầu không khí tinh thần đó, bạn sẽ không thể nhìn thấy trên website hay trong các diễn đàn, bạn sẽ phải tự cảm nhận bằng cách đến trường, quan sát và tiếp xúc trực tiếp với những con người rất cụ thể, và cũng cần một chút nhạy cảm nhất định để có thể nhận ra” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh chia sẻ cách mà các phụ huynh cần làm khi giúp con lựa chọn trường lớp.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tim-duong-di-trong-me-cung-chon-truong-lua-lop-mua-tuyen-sinh-post543567.antd