Tìm giải pháp cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm

Ngày 15-2, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức Hội thảo Cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm.

Các nhà khoa học đóng góp ý kiến tại Hội thảo Cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Bá Đô

Các nhà khoa học đóng góp ý kiến tại Hội thảo Cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Bá Đô

Hồ Hoàn Kiếm rộng 12 ha, nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nằm trong khu vực bảo vệ 1 của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Hồ Hoàn Kiếm không chỉ có chức năng trữ nước mưa, điều hòa khí hậu cho khu vực, mà còn là một thắng cảnh của Thủ đô, gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của người dân Thủ đô, một điểm du lịch hấp dẫn đối với các du khách mỗi khi đến Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, môi trường nước của hồ đang bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều vị trí, nước trong hồ chuyển sang màu đỏ, mật độ tảo lớn, độ PH luôn ở mức cao, hàm lượng BOD, COD gấp gần hai lần so với quy chuẩn cho phép. Lòng hồ bị bồi lắng lớp bùn dày từ 0,4 m đến 1,06 m chứa nhiều kim loại nặng và khí độc.… ảnh hưởng tới môi trường sống của những sinh vật dưới hồ, trong khi từ chân kè ra ngoài khoảng 5m có nhiều gạch, đá. Chính vì vậy, việc cải tạo môi trường hồ là việc làm rất cần thiết, nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước hồ, bảo tồn hệ thủy sinh trong hồ, bảo đảm cảnh quan hồ xanh, sạch, đẹp.

Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội đã trình bày các phương án nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ và xử lý, duy trì chất lượng nước hồ. Theo phương án nạo vét hồ, để bảo đảm an toàn cho các công trình kiến trúc trên hồ, các đơn vị sẽ thu dọn các phế thải trong phạm vi 7 m tính từ mép kè ra; tiến hành nạo vét bùn toàn bộ lòng hồ tính từ vị trí cách chân kè chung quanh hồ và cách mép kè Tháp Rùa, kè đền Ngọc Sơn 7 m. Các đơn vị sau khi dùng lưới quây dồn thủy sinh vào vị trí cách xa khu vực thi công sẽ sử dụng máy xúc đứng trên phao, hút bùn vào xe bơm dẫn vào bờ để bơm lên xe stec vận chuyển đi. Các đơn vị sẽ nạo vét lớp bùn sâu 0,59m, trên diện tích hơn 97 nghìn m2, dự kiến tổng khối lượng bùn nạo vét là 57.400m 2. Thời gian thi công là 69 ngày.

Sau khi nạo vét bùn, thanh thải các phế thải dưới lòng hồ, đơn vị sẽ tiến hành xử lý nước hồ, bảo đảm nước hồ trong, không có mùi hôi, đồng thời duy trì hệ sinh thải thủy sinh trong hồ phát triển bình thường. Phương án xử lý được đề xuất là phun rải chế phẩm Redoxy-3C trên mặt hồ, sau đó dùng nước giếng khoan khai thác tại chỗ để bổ cập nước vào hồ, giúp nước hồ được lưu thông, từ đó cải thiện chất lượng nước hồ.

Tại hội thảo, hầu hết các nhà khoa học, nhà quản lý đều nhất trí với chủ trương tiến hành nạo vét, làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm, đồng thời xử lý tình trạng ô nhiễm nước hồ. Tuy nhiên, một số nhà khoa học khuyến cáo, phương án cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm cần phải được tiến hành một cách thận trọng, bảo đảm khắc phục tình trạng ô nhiễm hồ, nhưng không phá vỡ hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học tại hồ.

KIỀU HƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/moi-truong/item/32073802-tim-giai-phap-cai-tao-moi-truong-nuoc-ho-hoan-kiem.html