Tìm giải pháp để 'ghìm cương' giá xăng

Sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam mới chỉ bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng vào đầu năm 2022. Thế nhưng, việc giá xăng dầu tăng liên tục sẽ trở thành một rào cản của quá trình phục hồi.

Giá xăng cao kỷ lục, tăng 45% so với cùng thời điểm năm 2021

Kể từ đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 4 kỳ điều chỉnh giá đều tăng. Mới đây nhất, trong phiên điều chỉnh ngày 21/2, giá xăng dầu trong nước đã thiết lập kỷ lục giá cao chưa từng có.

Cụ thể, giá xăng E5-RON92 đã tăng lên ngưỡng 25.532 đồng/lít và xăng RON 95 tăng lên ngưỡng kỷ lục, 26.287 đồng/lít.

Tương tự, các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng giá. Trong đó, dầu diesel tăng lên 20.800 đồng/lít; dầu hỏa là 19.500 đồng/lít và dầu mazut là 17.930 đồng/kg.

Như vậy, nếu so với cùng thời điểm tháng 2/2021, giá xăng dầu trong nước đã tăng tới 40% - 45%. Hiện tại, giá xăng dầu trong nước tăng cao kỷ lục được xác định do căng thẳng chính trị ở các nước xuất khẩu dầu lớn như Kazakhstan, Libya, Ả rập Xê-út và Iran, đồng thời căng thẳng giữa giữa Nga và Ukraine.

Bên cạnh đó, sau khi biến chủng Omicron được xác định không gây trở ngại lớn, nhu cầu sử dụng xăng dầu, nhiên liệu bay, vận tải tăng đột biến cũng khiến giá dầu trên thị trường thế giới bật tăng.

Hiện nay, giá dầu thô đang được giao dịch ở ngưỡng 92 USD/thùng và nhiều khả năng tăng lên ngưỡng 100 USD/thùng trong thời gian ngắn sắp tới. Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Vì vậy, mỗi khi thị trường thế giới có biến động, chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới giá xăng tại Việt Nam.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, do khó khăn về tài chính, nên công suất của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chỉ còn 55% - 60%. Do đó, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2 đã bị giảm so với kế hoạch bình quân giao hàng theo tháng khoảng 43%.

Cũng vì nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất nhì Việt Nam giảm công suất nên đã xuất hiện tình trạng “hết xăng” cục bộ. Tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước xuất hiện tình trạng cây xăng phải tạm ngừng hoạt động vì không còn xăng để bán.

Cú bồi giáng vào quá trình phục hồi kinh tế

Sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam mới chỉ bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng vào đầu năm 2022. Thế nhưng, việc giá xăng dầu tăng liên tục sẽ trở thành một rào cản của quá trình phục hồi.

Bởi, xăng dầu là nguồn nguyên liệu cần thiết của hầu hết các ngành nghề kinh tế. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.

TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thống kê cho biết, giá xăng dầu tăng còn tác động trực tiếp vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và người dân chính là đối tượng phải chịu ảnh hưởng trực tiếp. Qua nghiên cứu cho thấy, nếu giá xăng tăng 10% thì CPI tăng khoảng 0,36%.

Bên cạnh đó, giá xăng tăng, khiến nhiều mặt hàng tăng giá sẽ khiến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng giảm, điều này giảm tổng cầu của nền kinh tế.

“Khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hóa chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng”, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết.

Hàng loạt giải pháp “ghìm cương” giá xăng được ban hành

Trước những mối nguy do tác động của giá xăng không ngừng tăng giá, Thủ tướng Chính phủ, cùng các Bộ, ngành liên quan, như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã có hàng loạt giải pháp để “ghìm cương” giá xăng và đảm bảo nguồn cung xăng dầu, phục vụ nhu cầu hồi phục và phát triển kinh tế.

Ngay trong chiều 22/2, tức là sau 1 ngày giá xăng được điều chỉnh ở mức cao kỷ lục, Bộ Công Thương cũng có báo cáo về một số giải pháp nhằm “ghìm cương” giá xăng như thực hiện chỉ sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) từ 200 - 400 đồng/lít, và điều chỉnh mức trích lập Quỹ BOG ở mức phù hợp để bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới.

Bộ Công Thương cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu thông qua sử dụng công cụ Quỹ BOG nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ sẽ hỗ trợ việc duy trì nguồn cung xăng dầu từ các nguồn, kể cả nhập khẩu cho thị trường và bảo đảm duy trì công cụ Quỹ BOG ở mức phù hợp để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.

Sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn xăng dầu trong nước

Ngoài việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để “ghìm cương” giá xăng trong nước, Bộ Công Thương khẳng định: Trong thời gian tới, nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, tác động làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh công cụ Quỹ BOG có hạn, cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên, Bộ Công Thương nghĩ đến chuyện giảm thuế, giảm phí để làm giá xăng dầu hạ nhiệt. Ngay trong năm 2021, trong một cuộc họp thường kỳ, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định nếu xăng tăng quá cao sẽ có đề xuất, gửi Thủ tướng Chính phủ giảm thuế, giảm phí xăng dầu.

Theo bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế, công cụ để kiểm soát giá xăng, dầu mà Nhà nước có thể tính đến là thuế, phí, như giảm thuế nhập khẩu hoặc thuế bảo vệ môi trường ở mức hợp lý.

“Trong bối cảnh doanh nghiệp đang cố gắng nỗ lực hồi phục, tăng trưởng như hiện nay, các khoản thuế, phí liên quan tới xăng dầu đang gây ra áp lực rất lớn. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, xăng không ngừng tăng giá lại càng gây ra áp lực cho họ. Vì vậy, giảm thuế là phương án cần thiết để “hạ nhiệt” giá xăng”, TS. Phạm Chi Lan nói.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế chia sẻ: Hiện nay, có 4 loại thuế tác động trực tiếp vào giá xăng dầu, đó là thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ và thuế bảo vệ môi trường. Trong 4 loại thuế này, thuế bảo vệ môi trường là nặng nhất.

Trong 3 khoản thuế trên, thuế VAT, thuế nhập khẩu thuế tiêu thụ đặc biệt khó có thể giảm, nhưng thuế bảo vệ môi trường thì nên cân nhắc.

“Nhập khẩu thì bất khả kháng, VAT thì không giảm được nữa, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng không giảm, vì xăng dầu gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay chỉ còn thuế bảo vệ môi trường xăng A95 là 4.000 đồng/lít, dầu 2.000 đồng/lít, nhằm vào đây để giảm. Nhưng, hiện nay khó có khả năng giảm được. Bởi, trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thì Bộ Tài chính đã đưa ra một gói rất lớn giảm và miễn thuế cho việc phục hồi và phát triển kinh tế. Cho nên, ngân sách khó khăn”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, quỹ bình ổn cũng có giới hạn vì không có nguồn thu mà phải chi ra nhiều. Cho nên, giảm thuế Nhà nước cũng phải rất thận trọng.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tim-giai-phap-de-ghim-cuong-gia-xang-post182818.html