Tìm giải pháp để thích ứng với thiên tai ngày càng dị thường, khốc liệt

Ngày 22/10, tại Hà Nội, Báo Tiền phong tổ chức tọa đàm 'Thích ứng với thiên tai ngày càng dị thường, khốc liệt', với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, địa phương liên quan.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho biết, miền bắc nước ta vừa trải qua một thảm họa thiên tai nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua khi siêu bão YAGI (cơn bão số 3) đổ bộ và tàn phá, gây ra gió mạnh dữ dội, mưa lớn bao trùm miền bắc, lũ lịch sử trên các dòng sông và ngập lụt ở nhiều tỉnh, thành phố.

Hậu quả để lại vô cùng to lớn và tang thương. Tính đến ngày 28/9, bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét đã khiến 344 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất ước tính gần 82.000 tỷ đồng...

Nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng biên tập Báo Tiền phong phát biểu tại buổi tọa đàm.

Nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng biên tập Báo Tiền phong phát biểu tại buổi tọa đàm.

Từ các trận bão lũ vừa qua cho thấy thiên tai ngày càng dị thường. Ngày nay biến đổi khí hậu không còn là thách thức của Việt Nam mà là thách thức của toàn cầu. Do vậy, để nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của thiên tai ngày càng dị thường, khốc liệt cũng như đề xuất các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả nhất.

Sự khốc liệt của thiên tai

Phân tích về cơn siêu bão YAGI đổ bộ vào nước ta trong tháng 9/2024 vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Đức Cường cho biết: ban đầu chỉ là áp thấp nhiệt đới hình thành ở ngoài biển Đông, nhưng khi vào biển Đông (ngày 3/9) thì áp thấp đã mạnh lên thành bão có tên YAGI (cơn bão số 3). Hai ngày khi vào biển Đông, bão đã tăng từ cấp 8 lên cấp 16, đây là kỷ lục đầu tiên mà những người làm công tác khí tượng thủy văn ghi nhận có độ tăng cấp nhanh nhất. Khi đổ bộ vào bán đảo Hải Nam (Trung Quốc) thì vẫn là siêu bão. Vào vịnh Bắc Bộ rồi về Quảng Ninh, Hải Phòng, thì hoàn lưu vẫn rộng và mức ảnh hưởng vẫn là cấp 14. Các vị trí tiền tiêu là Vân Đồn, Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã có bão cấp 13,14, giật cấp 17. Trong khi đó, trên địa bàn Hải Phòng cấp 12,13 giật cấp 15.

Ngoài ra, khi vào đất liền như các cơn bão khác, lượng mưa rất lớn phủ khắp Bắc Bộ và Thanh Hóa với lượng mưa phổ biến của cơn bão ở mức 400cm đến 500mm, nhiều nhất là 700mm. Cơn bão ảnh hưởng nhiều nhất trên hệ thống sông Thao khiến nhiều nơi lũ lên mức lịch sử, cao nhất từ trước đến nay, cách đây 60-70 năm. Mưa lũ cực đoan gây lũ quét ở Lào Cai, Cao Bằng. Đáng chú ý, dù đây là cơn bão không có lượng mưa nhiều nhất, nhưng trước đó các nơi đã có mưa lớn nên sau bão đã gây ra sạt lở nghiêm trọng.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại buổi tọa đàm.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại buổi tọa đàm.

Theo Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Hải, đến thời điểm này có thể khẳng định, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn về người và của. Về người, bão lũ khiến 345 người chết và mất tích, thậm chí một số người mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy. Trong đó, người chết chủ yếu do sạt lở đất, loại hình thiên tai từ 5 đến 10 năm gần đây chúng ta cần quan tâm.

Về kinh tế, thống kế thiệt hại gần 82 nghìn tỷ đồng, đây cũng là thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. Có thể so sánh với năm 2017 có nhiều bão đổ bộ, nhưng tổng thiệt hại khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Có thể nói, sức tàn phá của cơn bão vừa qua là hết sức khủng khiếp và diện rộng. Bão tiếp cận từ biển vào đồng bằng lên miền núi, gây sạt lở từ miền núi lại trôi xuống đồng bằng thành một vòng tròn. Điển hình như tại Hải Phòng, cơn bão số 3 đã làm 2 người chết và 81 người bị thương; tổng thiệt hại cơn bão gây ra là hơn 13 nghìn tỷ đồng, trong đó thiệt hại của người dân hơn 7.200 tỷ đồng, cơ quan nhà nước ở Hải Phòng là hơn 1.800 tỷ đồng, của doanh nghiệp hơn 4.000 tỷ đồng.

Về tổng thể trong năm 2024, đây là 1 năm đặc thù khi có lượng mưa lớn kéo dài hàng tháng gây ra các vụ sạt lở đất. Dù đã được cảnh báo nhưng đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc khiến nhiều người chết. Tính từ đầu năm đến nay có tới 501 người chết và mất tích do thiên tai, tăng 2,38 lần so với trung bình 10 năm gần đây. Kinh tế, thiệt hại gấp 4 lần so với trung bình 10 năm gần đây (trung bình năm các năm gần đây là khoảng 21 nghìn tỷ đồng/năm). Đối tượng tổn thương nhiều nhất là người dân sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Hải cho hay.

Cần một giải pháp tổng thể

Để chủ động ứng phó với thiên tai ở Việt Nam thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho rằng: Nhà nước cần tập trung đầu tư hệ thống công nghệ cảnh báo sớm, nhất là phát triển mô hình hiện đại, công nghệ số, cảnh báo thông tin từ thiên tai, tự nhiên. Tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ dữ liệu ở các nước. Tận dụng công nghệ tiên tiến các nước song phương và đa phương, đưa dữ liệu của Việt Nam vào mô hình hiện đại nhất của các nước trên thế giới. Đồng thời, ứng dụng các phương tiện, hiện đại trong việc truyền tin trong đó truyền tin dễ hiểu, nhanh nhất dễ nhất đến các đối tượng người dân; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành ngành khí tượng thủy văn.

Đồng quan điểm nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Đại Trung, Trưởng Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) cho rằng, để nâng cao năng lực phòng tránh lũ quét, sạt lở đất cho người dân ở những vùng có nguy cơ cao sau khi có hệ thống các bản đồ hiện trạng, phân vùng nguy cơ, hiện trạng và khoanh vùng nguy cơ trượt lở đất đầy đủ ở tỉ lệ 1:50.000 và chi tiết hơn.

Đồng thời đề xuất, công tác chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, tập huấn phải đến được ở cấp xã, cấp thôn bản và đến được người dân sống trong những vùng có nguy cơ về sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét; phương pháp và tài liệu chuyển giao phải được phổ thông, dễ hiểu với chính quyền và người dân; hệ thống thông tin phải được cập nhật các cấp và có địa chỉ xử lý, ra quyết định ứng phó kịp thời, dự báo, cảnh bảo sớm về sạt lở đất, lũ quét.

Tiến sĩ Nguyễn Đại Trung trao đổi tại buổi tọa đàm.

Tiến sĩ Nguyễn Đại Trung trao đổi tại buổi tọa đàm.

Đối với người dân luôn luôn phải sẵn sàng ứng phó với các phương án mà địa phương đã đề ra, không nên chủ quan lơ là ngay cả trong tình hình thời tiết bình yên sau bão. Đặc biệt, những người sống trong khu vực cần theo dõi các dự báo, cảnh báo có tiềm năng về sạt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá… được các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp thông báo, cảnh báo trên các phương thông tin đại chúng về các hiện tượng như lượng mưa, thời gian mưa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Nhân, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường khuyến nghị: Hiện nay, tại Việt Nam ngoài yếu tố thiên nhiên, các tác động nhân tạo của con người như xây đường, xây đập thủy điện,… tác động đến 70% tới thiên nhiên. Do vậy, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến tác động của các cơ sở hạ tầng trước khi tiến hành quy hoạch, xây dựng. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư các đài trạm khí tượng thủy văn còn nhiều hạn chế, cho nên cần huy động nguồn đầu tư thông qua xã hội hóa, từ các tổ chức, cá nhân những đi kèm với đó là cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư lĩnh vực này.

KHÁNH HUY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tim-giai-phap-de-thich-ung-voi-thien-tai-ngay-cang-di-thuong-khoc-liet-post838016.html