Tìm giải pháp khai thác 'mỏ vàng' kinh tế thể thao

Ngày 17/10, Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam năm 2024 (Vietnam Sport Economic Forum 2024) đã diễn ra tại Hà Nội. Tại Diễn đàn, nhiều vấn đề cốt lõi để phát triển kinh tế thể thao đã được thảo luận sôi nổi, như thể chế, khai thác giá trị thương mại các giải đấu thể thao...

Đây là năm thứ hai liên tiếp Diễn đàn Kinh tế thể thao được tổ chức, là nơi để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung thảo luận, chia sẻ các quan điểm chuyên sâu và toàn diện với mục tiêu tìm kiếm những giải pháp để phát triển một nền thể thao chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững.

Tiềm năng lớn

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế thể thao 2024.

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế thể thao 2024.

Kinh tế thể thao là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh trên thế giới. Giá trị thị trường thể thao toàn cầu năm 2023 đạt 512,14 tỷ USD và dự kiến đạt 623 tỷ USD vào năm 2027. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của thị trường thể thao đạt 5,2%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng bình quân GDP toàn cầu.

Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có sự phát triển "nóng" về kinh tế thể thao, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm cao hơn so với toàn cầu. Kinh tế thể thao ở Việt Nam khởi đầu từ chính sách “xã hội hóa” của Đảng và Nhà nước đã mang lại hiệu quả to lớn.

Trong thời gian qua, các hoạt động kinh doanh tài sản, thị trường và tiêu dùng thể thao; quản trị sản xuất, dịch vụ và marketing thể thao; kinh doanh thể thao chuyên nghiệp, thể thao giải trí; thị trường lao động và chuyển nhượng vận động viên, huấn luyện viên nhà nghề… từng bước phát triển.

Nhiều thương hiệu thể thao lớn trên thế giới đã lựa chọn Việt Nam là một trong số những quốc gia gia công sản phẩm chủ chốt. Việc một lượng lớn nguồn đầu tư từ nước ngoài đã tạo ra cú hích không nhỏ đối với ngành sản xuất và tiêu thụ các trang thiết bị dụng cụ thể thao.

Giải chạy Marathon quốc tế Hà Nội VPBank năm 2024 (VPIM năm 2024) được tổ chức sáng 13/10.

Giải chạy Marathon quốc tế Hà Nội VPBank năm 2024 (VPIM năm 2024) được tổ chức sáng 13/10.

Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL Lê Thanh Liêm chia sẻ, từ chỗ thể dục thể thao hoàn toàn được bao cấp bởi Nhà nước, đến nay đã từng bước được xã hội hóa. Một số môn thể thao chuyển dần sang cơ chế thể thao chuyên nghiệp, hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Đến nay, tỷ lệ người tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 29,53% tổng số dân, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 21,2% tổng số hộ gia đình trên toàn quốc, số lượng huy chương giành được tại các giải thể thao quốc tế chính thức tăng, thành tích của đoàn thể thao Việt Nam luôn nằm trong 3 nước đứng đầu các nước Đông Nam Á, một số vận động viên đạt trình độ hàng đầu châu Á và thế giới" - ông Lê Thanh Liêm cho biết.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam Bạch Ngọc Chiến nhận định, ngành kinh tế thể thao của Việt Nam được đánh giá là nhiều triển vọng vì dân số lớn, lực lượng thanh niên chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu dân số. Cho đến nay, một số môn thể thao phát triển khá tốt và đã thành lập ra các hội, liên đoàn riêng. Có liên đoàn "sinh sau đẻ muộn" như Hội Bóng rổ nhà nghề Việt Nam (VBA) đã phát triển nhanh chóng nhờ biết cách tổ chức giải thi đấu theo hướng chuyên nghiệp và tạo được doanh thu từ nhiều nguồn như quảng cáo, tài trợ, bản quyền…

Tuy nhiên, cũng có những liên đoàn thể thao không có điều kiện thương mại hóa mà vẫn trông chờ sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Hiện nay, ngân sách Nhà nước cho thể thao được cấp chủ yếu qua Cục Thể dục thể thao và các Sở VH&TT. Các cơ quan này phân bổ lại ngân sách cho các đơn vị phục vụ đào tạo huấn luyện viên và tổ chức các giải thi đấu.

"Theo quy định hiện thời, các tổ chức xã hội phải hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính và Nhà nước chỉ cấp kinh phí cho những chương trình mà Nhà nước đặt hàng. Nếu áp dụng đúng nguyên tắc đặt hàng này vào thể thao, tức là Nhà nước cấp ngân sách trực tiếp cho các liên đoàn thể thao dưới dạng đơn đặt hàng, thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ" - ông Bạch Ngọc Chiến chia sẻ.

Hoàn thiện thể chế

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn dành nhiều sự quan tâm cho thể dục thể thao, không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực của của người dân, mà còn vì những hiệu ứng tích cực khác về uy tín, hình ảnh đất nước và những nguồn lực quan trọng mà thể thao đem lại cho xã hội.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Diễn đàn.

Ngày 31/1/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới. Đây là chủ trương rất quan trọng và kịp thời đối với sự phát triển của một ngành kinh tế đầy tiềm năng. Thể thao đã được coi là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành. Kết luận đã đặt ra yêu cầu hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh tế thể thao, phát triển thị trường thể thao trong đó bao gồm thị trường hàng hóa và dịch vụ thể thao, thúc đẩy hợp tác công - tư...

Trong thời gian qua, Luật Thể dục, thể thao cùng với các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các luật thuế, quy hoạch, chiến lược và nhiều các văn bản khác đã dần hình thành khung khổ pháp lý cho phát triển kinh tế thể thao. Tuy nhiên, Luật Thể dục, thể thao chưa đề cập nhiều đến khía cạnh kinh doanh trong thể thao.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế T.Ư, thị trường thể thao của Việt Nam trong giai đoạn này là bước đầu của sự phát triển, hàng hóa, dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng. Với trên 98 triệu dân, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, đời sống của Nhân dân không ngừng nâng cao, nhu cầu luyện tập, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thể thao ngày càng tăng, do đó sẽ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp thể thao.

Các đại biểu dự Diễn đàn.

Các đại biểu dự Diễn đàn.

Để bảo đảm phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, quốc tế để từ đó định vị được vị trí hàng hóa, dịch vụ thể thao của Việt Nam đòi hỏi không chỉ quan tâm đến tăng về số lượng mà Việt Nam cần phải chú trọng nâng cao chất lượng các loại hàng hóa, dịch vụ thể thao.

TS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, qua rà soát, hệ thống luật pháp hiện nay chưa đề cập nhiều đến phát triển kinh tế thể thao, chủ yếu cho hoạt động thể thao. Do đó thời gian tới, để thực hiện đúng chỉ đạo của Đảng tại Kết luận 70-KL/TW cần hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, thể thao theo hướng thương mại hóa thể thao; ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nỗ lực phát triển thị trường thể dục thể thao.

Đồng thời bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thể thao, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động kinh doanh, sản xuất, tổ chức dịch vụ thể thao. Củng cố quy định pháp lý và tăng cường quản lý nhằm ngăn chặn, xử lý mọi hành vi xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm truyền thông thể thao, đặc biệt trong môi trường truyền thông số.

"Cùng với đó, phát triển thị trường kinh tế thể thao, hoàn thiện luật pháp về hợp tác công – tư trong lĩnh vực kinh tế thể thao. Xây dựng các chính sách khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân tham gia xây dựng, khai thác, vận hành các công trình thể thao đã được Nhà nước đầu tư" - TS Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thiên Tú - Ngọc Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tim-giai-phap-khai-thac-mo-vang-kinh-te-the-thao.html