Tìm giải pháp khoa học công nghệ phát triển vùng trung du miền núi phía Bắc

Các giải pháp được đưa ra như hình thành vùng liên kết sản xuất hàng hóa chuyên canh lớn, tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư, hình thành các cơ sở ươm tạo công nghệ...

Chiều ngày 9/10, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội thảo với chủ đề "Thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế - xã hội Vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhanh và bền vững".

Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh với tổng diện tích hơn 95.000km2 chiếm 1/3 diện tích lãnh thổ của cả nước, là nơi sinh sống của hơn 13 triệu người với trên 30 dân tộc khác nhau. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện.

Khu vực này có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu; có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống gắn bó lâu dài với bản sắc văn hóa riêng, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường chống ngoại xâm; trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, căn cứ cách mạng nổi tiếng.

Tuy nhiên, vùng này vẫn là vùng còn gặp nhiều khó khăn nhất cả nước; liên kết vùng yếu, chưa mang dấu ấn riêng, chưa phát huy hết tiềm năng của Vùng và lợi thế kinh tế cửa khẩu với nước bạn Lào và Trung Quốc. Khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người của vùng so với bình quân của cả nước tiếp tục gia tăng làm ảnh hưởng đến kết quả phát triển kinh tế xã hội của cả vùng.

Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất giải pháp phát triển vùng là xây dựng mạng lưới giao đường bộ kết nối các tỉnh trong vùng và kết nối với vùng đồng bằng sông Hồng và các cửa khẩu quốc tế, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hình thành vùng liên kết sản xuất hàng hóa chuyên canh lớn, tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như vùng cây ăn quả, cây đặc sản, quế, hồi; vùng chè, vùng cà phê, vùng mắc ca, vùng rau, hoa, cây dược liệu chất lượng cao, vùng rừng nguyên liệu giấy, vùng mía đường...

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng các đại biểu tham quan triển lãm các sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng các đại biểu tham quan triển lãm các sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Liên kết vùng trong quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên, nhất là tài nguyên nước, khoáng sản, tài nguyên rừng; Liên kết trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Xây dựng cơ chế hợp tác liên kết hoạt động khoa học và công nghệ của vùng trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh và toàn vùng; cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thành lập quỹ, sử dụng hiệu quả kinh phí của quỹ đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát triển đồng bộ mạng lưới cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo công lập vùng trung du và miền núi phía Bắc bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững. Đầu tư xây dựng khu cơ sở kỹ thuật ươm tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực phía Bắc.

Khuyến khích thu hút đầu tư, hình thành các cơ sở ươm tạo công nghệ, các tổ chức cung cấp dịch vụ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại các cực tăng trưởng Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thăm dò, quản lý, khai thác tài nguyên thiên: tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng,…

Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển các ngành có lợi thế của Vùng như: ngành nông, lâm nghiệp, chế biến, du lịch,.. nghiên cứu giống cây trồng nông, lâm nghiệp chất lượng cao, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các dịch vụ kỹ thuật.

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ; phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, kết nối các sàn giao dịch công nghệ trong vùng với sàn quốc gia; xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật tích hợp dùng chung về thị trường khoa học và công nghệ, từng bước liên thông, tích hợp với đổi mới cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ: Các địa phương trong vùng cần đổi mới cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thông qua các chương trình, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ mang tính dài hạn hơn (từ 3-5 năm)...

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tim-giai-phap-khoa-hoc-cong-nghe-phat-trien-vung-trung-du-mien-nui-phia-bac-169241009164320163.htm