Tìm giải pháp triển khai hiệu quả việc thu phí tự động không dừng

Việc triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) sẽ giúp công khai, minh bạch hoạt động của trạm thu phí và hoàn vốn cho dự án BOT giao thông. Tuy nhiên, không ít khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện kể cả với các dự án BOT đã ký phụ lục hợp đồng và đã vận hành làn ETC. Trong buổi làm việc với các nhà đầu tư BOT về vấn đề này vào ngày 8-7, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã làm rõ những khúc mắc liên quan đến tỷ lệ doanh thu cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC, chi phí quản lý, công tác bàn giao trạm thu phí...

Băn khoăn về chi phí thực hiện ETC

Văn bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) yêu cầu dừng thu phí đối với 4 dự án BOT từ ngày 10-7 do chậm triển khai ký phụ lục hợp đồng để thực hiện dịch vụ ETC gây ra nhiều tranh cãi giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể, 4 dự án này, gồm: Dự án hầm đường bộ Phú Gia-Phước Tượng, thu phí tại trạm Bắc Hải Vân trên Quốc lộ 1, thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế; dự án BOT Quốc lộ 1 qua TP Cam Ranh (Khánh Hòa); dự án BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp và dự án mở rộng Quốc lộ 14 qua địa phận tỉnh Gia Lai. Theo phản ánh của nhà đầu tư, các dự án đã ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT để triển khai dịch vụ ETC, các trạm thu phí đều có làn ETC đang vận hành. Đại diện nhà đầu tư các dự án khẳng định, hoàn toàn ủng hộ chủ trương áp dụng dịch vụ ETC để giúp các phương tiện tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm an ninh trật tự và tránh nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực các trạm thu phí.

Đại diện nhà đầu tư dự án BOT Quốc lộ 1 qua Cam Ranh cho biết, nhà đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng, hiện nay, Tổng cục ĐBVN yêu cầu ký bổ sung phụ lục liên quan đến cách tính chi phí, tỷ lệ phần trăm trích cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC trên tổng doanh thu, việc bàn giao trạm thu phí từ doanh nghiệp BOT sang nhà cung cấp dịch vụ ETC... Theo phương án tính toán bổ sung chi phí, các dự án phải trích tỷ lệ 2-4,5% tổng doanh thu hoặc mức khác tùy theo từng dự án cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC. Một số nhà đầu tư phản ánh, chi phí lắp đặt, vận hành ETC khiến phương án tài chính của dự án tăng hàng trăm tỷ đồng và kéo dài thời gian thu phí 1-2 năm. "Chúng tôi đã ký phụ lục hợp đồng nên không thể vì lý do này mà áp đặt dừng thu phí. Các nội dung khác liên quan đến chi phí, quản lý trạm BOT cần thông qua đàm phán giữa nhà đầu tư, đơn vị cung cấp dịch vụ ETC và Bộ GTVT. Việc yêu cầu tạm dừng thu phí làm ảnh hưởng đến hoạt động tại trạm, nhiều chủ phương tiện lấy lý do đó để đòi lại tiền phí đã đóng hằng tháng vì trạm BOT có vấn đề", đại diện nhà đầu tư dự án BOT Quốc lộ 1 qua Cam Ranh chia sẻ.

Trước những băn khoăn, thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nêu rõ, việc ký bổ sung phụ lục hợp đồng là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành các bước tiếp theo của dịch vụ ETC, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả dự án. Đối với tỷ lệ trích phần trăm doanh thu, phương án hiện nay Bộ GTVT đưa ra mới là tạm tính, khi nào thanh quyết toán dự án thu phí không dừng mới có số liệu chính thức. Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, tổng vốn đầu tư để lắp đặt thu phí không dừng tại 44 trạm BOT trên toàn quốc (giai đoạn 1) là 1.700 tỷ đồng và sẽ được phân bổ hợp lý, công bằng cho các dự án như trạm gần thành phố với lưu lượng xe cao thì tỷ lệ trích phải cao, trạm nhỏ có doanh thu thấp, tỷ lệ này chỉ ở mức vừa phải.

Không tách rời trách nhiệm của nhà đầu tư đối với trạm thu phí

Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng có quy định về thời hạn cụ thể nhà đầu tư phải bàn giao trạm thu phí cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC, chậm nhất là ngày 31-12-2019. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang hiểu bàn giao trạm thu phí tức là không còn quyền lợi, trách nhiệm gì với hoạt động của trạm, dẫn đến ý kiến phản đối vì ảnh hưởng quyền lợi của nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, không thể bỏ qua vai trò của nhà đầu tư đối với quản lý doanh thu, hoạt động của trạm thu phí. Tất cả nhân sự, tài sản của trạm thu phí vẫn thuộc doanh nghiệp dự án quản lý. Đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ quản lý một số làn sử dụng ETC trên cơ sở hợp đồng với nhà đầu tư dự án. Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Tổng cục ĐBVN sẽ giám sát hoạt động của trạm để bảo đảm công khai, minh bạch.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho rằng, cần xem lại quyết định dừng thu phí tại một số dự án bởi nhà đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng, việc dừng thu phí sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư cũng như hoạt động của trạm thu phí. Do đó, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Tổng cục ĐBVN rút lại thông báo tạm dừng thu phí với 4 dự án BOT, đồng thời Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) tính toán tỷ lệ trích lại phần trăm trên doanh thu, chi phí quản lý dự án cho nhà cung cấp dịch vụ ETC, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa đơn vị cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT. Lãnh đạo Bộ GTVT tiếp tục khẳng định tính cấp thiết của việc bổ sung hạng mục ETC vào dự án BOT giao thông để đáp ứng đòi hỏi của người dân, xã hội.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tim-giai-phap-trien-khai-hieu-qua-viec-thu-phi-tu-dong-khong-dung-581949