Tìm giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đào tạo kinh tế
Trí tuệ nhân tạo là một trong những công cụ lõi tạo nên sức đột phá cho cuộc Cách mạng 4.0. Công nghệ này có nhiều vai trò trong cuộc sống và sản xuất của doanh nghiệp, giúp các đơn vị tối ưu hóa nhiều tác vụ cũng như chi phí.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 12 Tính toán dữ liệu và mạng xã hội - CSoNet 2023.
Mục tiêu và nội dung của hội thảo CSoNet 2023 là tạo ra một diễn đàn mà ở đó các nhà khoa học thảo luận các phương pháp giải quyết các vấn đề điện toán mới, quan trọng, tập trung vào nền tảng cơ bản, phát triển công nghệ lý thuyết và các ứng dụng trên thế giới thực liên quan phân tích, mô hình hóa và ứng dụng của chúng trong mạng lưới kinh tế.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Ban tổ chức đã nhận được 63 bài báo khoa học của các học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ Việt Nam và 18 quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ, Anh, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Ireland, Ba Lan, Na Uy, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Ả Rập Saudi, Singapore, Thái Lan, Iran...
41 bài báo đã được chọn để trình bày trong 4 phiên trong các lĩnh vực: học máy và dự báo, tối ưu hóa, bảo mật và blockchain, và phân tích mạng xã hội. 23 bài xuất sắc được chấp nhận trong hạng mục các bài báo tiêu chuẩn (regular paper), tỷ lệ chấp nhận là 36%...
Theo ban tổ chức, trí tuệ nhân tạo là một trong những công cụ lõi tạo nên sức đột phá cho cuộc cách mạng 4.0. Công nghệ này có nhiều vai trò trong cuộc sống và sản xuất của doanh nghiệp, giúp các đơn vị tối ưu hóa nhiều tác vụ cũng như chi phí. Việt Nam đã ban hành “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”, với mục tiêu từng bước đưa nước ta trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, Hội thảo CSoNet 2023 cung cấp một diễn đàn liên ngành để tập hợp các nhà nghiên cứu và học viên từ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo liên quan mạng dữ liệu lớn và ứng dụng trong kinh tế học, như điện toán mạng quy mô lớn, phân tích mạng dữ liệu, khai thác, bảo mật và quyền riêng tư cũng như học sâu và lan truyền thông tin trên các phương tiện mạng xã hội và mạng lưới kinh tế.
Những trao đổi về vấn đề nói trên đã đặt nền tảng cho sự hợp tác hơn nữa với các giá trị học thuật và ứng dụng trong thực tế sâu rộng. Nhà trường tin vào sức mạnh của nghiên cứu để không chỉ mở rộng chức năng chính là giảng dạy mà còn tìm ra giải pháp thiết thực cho những thách thức cấp bách của thế giới.