Tìm giải pháp ứng phó nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế

Sau hội thảo lần thứ nhất, Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiếp tục phối hợp Công an tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn (lần hai), với chủ đề: 'Tác động, dự báo; phương án, kịch bản phòng ngừa ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang'. Qua đó, đưa ra những luận cứ khoa học, giải pháp hiệu quả góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới.

An Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Những năm qua, tuy đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, An Giang vẫn còn nhiều khó khăn, tăng trưởng GRDP giai đoạn 2015 - 2020 đạt 5,25%, đứng thứ 11 trong khu vực ĐBSCL. Các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và du lịch tuy có bước phát triển nhưng chưa tạo đột phá trong đóng góp cho tăng trưởng. Kinh tế cửa khẩu và các khu, cụm công nghiệp chưa phát huy hiệu quả. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của An Giang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp chưa cao và chưa đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch; tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp diễn ra chậm, năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp, giá cả nông sản nhất là giá lúa, luôn bấp bênh... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nông dân.

Đại biểu tham dự hội thảo nhận định, dưới góc độ an ninh quốc gia nói chung, an ninh kinh tế nói riêng đã và đang xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế cần giải quyết để tỉnh An Giang phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Qua đó, đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ, sát với thực tiễn, nếu được áp dụng có tính khả thi cao. Đồng thời, khuyến nghị các vấn đề liên quan công tác đảm bảo an ninh kinh tế lĩnh vực bất động sản trên địa bàn TP. Long Xuyên, an ninh kinh tế trên địa bàn TP. Châu Đốc; quan hệ phối hợp giữa Công an tỉnh An Giang với công an 2 tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ trong việc đảm bảo an ninh kinh tế khu vực ĐBSCL; quan hệ phối hợp giữa Công an tỉnh với các ngành nông nghiệp - công thương - ban quản lý khu kinh tế trong công tác đảm bảo an ninh kinh tế trên địa bản tỉnh…

Phát biểu tại hội thảo, đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, An Giang tiếp tục là địa phương trọng điểm, với thế mạnh nông nghiệp, trong đó, cây lúa và con cá tiếp tục là mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, nhiều dự án công nghiệp, năng lượng đi vào hoạt động, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội không ngừng được đầu tư xây dựng và cải thiện. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được đẩy mạnh. An ninh trật tự được giữ vững và tăng cường, nhất là an ninh chính trị, an ninh biên giới, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân không ngừng được củng cố, mở rộng. Tuy nhiên, với tác động to lớn của bối cảnh suy thoái toàn cầu, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục ảnh hưởng nhiều mặt đến sự phát triển bền vững của tỉnh.

Theo đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá của các chuyên gia, công an các đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, phân tích sâu, làm rõ thêm tình hình các mối nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế của tỉnh. Từ đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh đề xuất, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và thích ứng linh hoạt với tình hình.

NGUYỄN HƯNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tim-giai-phap-ung-pho-nguy-co-de-doa-an-ninh-kinh-te-a407109.html